Chưa có TPP, ngành dệt may có đáng lo ngại?

Minh Phương 04/12/2016 23:15

Trong khối đàm phán TPP có 2 thị trường rất quan trọng là Hoa Kỳ và Nhật Bản, trong đó thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Đây là một trong những lý do khiến nhiều người lo ngại, nếu Mỹ không tham gia TPP, ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng.

Việc của các doanh nghiệp dệt may trong nước là cần chuẩn bị nội lực thật tốt.

Thay đổi kỳ vọng

Nói về những lợi ích khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, ngành dệt may sẽ là một trong những ngành kinh tế có được nhiều lợi thế nhất. Theo đó, khi TPP có hiệu lực, hàng dệt may sẽ được hưởng mức thuế xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm xuống gần bằng 0% thay vì mức 17% như hiện nay. Số liệu thống kê cho hay, riêng ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường TPP chiếm tới 65% của dệt may cả nước hiện nay.

TPP cũng có thể giúp dệt may và da giày Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tới 165 tỷ USD vào năm 2025. Trong trường hợp không có TPP, con số này chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn, khoảng 113 tỷ USD. Đây cũng là ngành được quan tâm nhiều nhất trong TPP khi mà 12 nước thành viên đã đồng ý dành chương riêng về dệt may, tách ra khỏi đàm phán chương 3 về mở cửa thị trường đối với hàng hóa nói chung.

Tuy nhiên, những diễn biến ở thời điểm hiện tại đang bộc lộ một thực tế, đáng quan ngại, đó là rất có khả năng Mỹ sẽ không tham gia TPP và điều này cũng đồng nghĩa, Việt Nam đứng trước nguy cơ mất đi đối tác quan trọng nhất trong TPP.

Và như vậy, một trong những ngành được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP - ngành dệt may - giờ đây lại được giới phân tích cho là sẽ bị nhiều ảnh hưởng bất lợi nhất. Cụ thể ngay ở con số 113 tỷ USD mà kim ngạch xuất khẩu chỉ có thể đạt được vào năm 2025 thay vì mức 165 tỷ USD như kỳ vọng.

Dệt may nội địa không đáng lo

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc không có TPP, sẽ không có ảnh hưởng gì quá nghiêm trọng đến các DN ngành dệt may. Vì, kể cả khi TPP được thông qua, Việt Nam cũng chưa thể hưởng lợi ích ngay, mà phải có thời gian chuẩn bị các điều kiện như nội địa hóa xơ sợi, công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may trong một số năm. Trong khi đó, những mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa của ngành này hầu như chưa đạt được như mong muốn.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên cho rằng, đến thời điểm này, các DN ngành dệt may không quá bận tâm đến việc có TPP hay không. Bởi, trong hơn một thập kỷ qua, ngành dệt may đã được “thả nổi” trong cơ chế thị trường và họ vẫn sống được.

Ngược lại với nhận định của nhiều chuyên gia về việc các DN dệt may sẽ bị ảnh hưởng lớn, ông Dương lại cho rằng, nếu không có TPP, các DN nước ngoài mới đáng lo nhất. Vì trên thực tế, riêng trong vấn đề này, các DN FDI lại đang thua chúng ta về tâm lý.

Ông Dương lý giải, trước đây khi thấy lợi thế của việc Việt Nam gia nhập TPP trong đó có đưa ra nhiều quy định về quy tắc xuất xứ liên quan đến ngành này, các DN nước ngoài đã tranh thủ đầu tư lớn vào một số lĩnh vực mà họ cho là sẽ hiệu quả với mục đích “đón đầu TPP”.

Chính vì thế những tháng đầu năm 2016, có tình trạng DN Việt Nam thiếu đơn hàng, vì sang tay các DN nước ngoài hết. Họ cũng đầu tư nhiều vào ngành dệt, nhuộm… với mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, sang năm 2017 này, với nguy cơ TPP không ký kết, “làn sóng” đầu tư của họ sẽ chững lại vì nói cho cùng, họ chỉ đầu tư vào Việt Nam là vì TPP.

Theo ông Dương, nhiều khả năng, trong năm tới, các DN FDI ngành dệt may sẽ phải bán lại những nhà máy đã đầu tư tại Việt Nam do không nhìn thấy hiệu quả của việc “đón đầu TPP”.

Nhiều DN dệt may trong nước cũng cho rằng, TPP được thông qua, nhiều lợi ích cho các ngành xuất khẩu lớn như da giày dệt may, song, thực tế thời điểm này số DN có sự chuẩn bị sẵn sàng để chớp thời cơ khi TPP thực thi vẫn chưa nhiều, đặc biệt trong việc chuẩn bị quy tắc xuất xứ vẫn chưa thật kỹ càng, do đó có TPP hay không cũng không khác nhau là mấy.

Bên cạnh đó, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, ngoài TPP, Việt Nam còn có nhiều hiệp định thương mại tự do khác đã, đang và sẽ ký. Việc của các DN hiện nay là chuẩn bị nội lực thật tốt, nâng sức cạnh tranh để có thể khai thác được nhiều thị trường khác khi tham gia các FTA.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa có TPP, ngành dệt may có đáng lo ngại?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO