Chuyển đổi số tạo lực đẩy bứt phá cho công nghiệp chế biến, chế tạo

THÀNH LUÂN 27/05/2022 10:59

Sau thời gian dài tụt hậu so với khu vực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đã và đang bứt phá mạnh mẽ, có nhiều thời điểm chiếm 80-85% tỉ trọng xuất khẩu. Qua đó, ngành này đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp ngày càng lớn hơn vào tăng trưởng GDP cả nước.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Chuyển đổi số cho công nghiệp chế biến chế tạo" tại TP HCM ngày 27/5.

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Hồng Phúc).

Hội thảo cũng đánh dấu bước ngoặt kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc và cũng đánh dấu hoạt động trao đổi công nghệ và hợp tác trong chuyển đổi số giữa Khu Công nghệ cao TP HCM, Trung tâm hợp tác Đào tạo Việt Hàn (VKTCC) và Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM (CSID).

Tại hội thảo này, nhiều đại diện doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc đã chỉ ra những điểm mạnh - yếu, cơ hội và thách thức để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng suất và chất lượng nguồn nhân lực để thích ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Đây cũng là xu hướng chung của khu vực trước ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam không phải là một ngoại lệ.

Theo ông Cho Yongju, đại diện Viện Công nghệ công nghiệp KITECH, hiện nay có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt cơ hội của chuyển đổi số và áp dụng mô hình nhà máy thông minh.

Dưới sự giúp đỡ và hỗ trợ của các doanh nghiệp và chuyên gia Hàn Quốc đã giải quyết cơ bản những khó khăn, cũng như thực trạng mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải để hội nhập bền vững, hiệu quả.

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc tham gia hội thảo. (Ảnh: Hồng Phúc).

Tại hội thảo, đại diện Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP HCM cho biết, để đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số trong công nghiệp chế biến, chế tạo, Khu Công nghệ cao TP đã đặt ra mục tiêu đào tạo, phát triển và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao thông qua các chương trình đào tạo thích nghi, đa dạng về nội dung và hình thức để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người lao động và người sử dụng lao động.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm hợp tác Đào tạo Việt Hàn (VKTCC) cũng cho rằng nhân tố để chuyển đổi số cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chính là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vừa qua, VKTCC cũng đã hiến kế để phát triển chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP HCM giai đoạn 2020-2025 và Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến 2030 theo quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều ý kiến chuyên gia tại hội thảo cũng chỉ ra giải pháp cho chuyển đổi số trong công nghiệp chế biến, chế tạo trong việc liên kết các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm để xây dựng chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia Hàn Quốc bày tỏ, các lĩnh vực cơ khí chính xác, tự động hóa, chuyển đổi số và nhà máy sản xuất thông minh vốn dĩ là những ngành thế mạnh của Hàn Quốc, sẽ giúp chia sẻ nhiều kinh nghiệm để Việt Nam phát triển đột phá trong các lĩnh vực này.

Ngoài nguồn lực về con người, quá trình chuyển đổi số được nhiều chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc đề nghị, đó là việc quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thông qua việc đào tạo và tổ chức các chương trình đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến tham gia tăng năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước;...

Từ đó, là động lực để thu hẹp khoảng cách khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và các nước, trong đó có Hàn Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số tạo lực đẩy bứt phá cho công nghiệp chế biến, chế tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO