Chuyện làm báo 90 năm trước

KHÚC HÀ LINH 20/06/2022 09:51

Những năm 30 thế kỷ XX, ở nước ta đã xuất hiện nhóm văn chương Tự Lực văn đoàn. Thành viên chính có 8 người: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu và Trần Tiêu, nhưng hoạt động của họ có ảnh hưởng sâu sắc tới nền văn học Việt Nam đương thời. Văn chương Tự Lực văn đoàn đã thể hiện tư tưởng tiến bộ trong đấu tranh chống phong kiến, thực dân, phổ biến quan niệm nhân quyền, dân quyền, quan điểm tiến bộ về cá nhân về gia đình và xã hội. Và 2 tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay đã làm vang danh Tự Lực văn đoàn.

Bìa 1 số báo Ngày Nay.

Xã hội Việt Nam những năm 1930-1945 trải qua một thời kỳ biến động sâu sắc về chính trị, kinh tế và văn hóa. Chỉ nói riêng về văn hóa, thời kỳ này các loại sách báo hải ngoại du nhập vào Việt Nam. Báo chí nở rộ khắp ba kỳ. Có thời điểm cùng tồn tại tới 130 tờ báo và tạp chí. Trong bối cảnh ấy, Nhất Linh đã đứng ra làm báo Phong Hóa.

Số báo Phong Hóa đầu tiên (do Nhất Linh chủ bút) ra ngày 22/9/1932, tòa soạn và trị sự của báo ban đầu ở góc đường Quán Thánh và Hàng Bún (về sau ở số 80 phố Quán Thánh - Hà Nội). Báo có nội dung mới mẻ là duy tân cấp tiến, đả phá hủ tục, khuyến khích vươn tới cái văn minh. Báo bán 7 xu, bán chạy và hấp dẫn bạn đọc từ thường dân đến trí thức. Sau khi Phong Hóa ra được 28 tháng, Nhất Linh cho ra tiếp tờ Ngày Nay với một dòng phi lộ: “Ngày Nay là tờ báo thứ hai của Tự Lực văn đoàn… Chúng tôi đưa các bạn từ rừng ra bể, từ thành thị đến thôn quê xem các trạng thái hiện có trong xã hội”.

Quả thật, báo đã in những phóng sự, những bức ảnh đẹp mang hơi thở muôn mặt của đời sống dân quê. Ngoài các chuyên mục, còn thấy truyện tranh, lại thêm phóng sự điều tra. Đặc biệt có nhiều ảnh mỹ thuật .

Tháng 3/1933, Nhất Linh quyết định thành lập Tự Lực văn đoàn. Đoàn viên nòng cốt của Tự Lực văn đoàn là những nhà văn trong tòa soạn báo Phong Hóa. Sau mấy lần bổ sung, cuối cùng thêm Xuân Diệu là 8 người.

Tự Lực văn đoàn có một biểu trưng riêng in trên báo Phong Hóa làm dấu hiệu của văn đoàn. Đó là một hình tròn, đóng khung hai chữ T.L xếp thành chữ triện hình chim đại bàng tung cánh bay trên sóng (1933).

Tự Lực văn đoàn có cơ quan ngôn luận là báo Phong Hóa, Ngày Nay và Nhà Xuất bản Đời Nay, với khuynh hướng nghệ thuật riêng: “Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu ít chữ nho, một lối văn thật sự có tính cách An Nam,… lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ”.

Tự Lực văn đoàn chăm lo đến công việc in ấn từ bìa sách đến nội dung, không đi chệch hướng tôn chỉ nêu ra. Họ chiêu hiền đãi sĩ, trân trọng người tài, khiến các nhà xuất bản khác không theo kịp. Trước, văn chương thường tả sự ủy mị, yếm thế. Kể từ khi ra đời, Tự Lực văn đoàn đã thổi vào nền văn học nước nhà một sinh khí ấm áp hơn. Số phận con người trong mỗi truyện tuy gặp trắc trở, có đau buồn, tình yêu ngang trái nhưng họ đều quý mạng sống, muốn vươn lên, muốn đoạn tuyệt hiện tại để tìm cuộc sống mới ở phía trước.

Điểm đáng quý là Tự Lực văn đoàn tự lực về tài chính, không chịu ảnh hưởng của nhà cầm quyền. Họ tự lực về chuyên môn và khuynh hướng nghệ thuật, tư tưởng tiến bộ trong văn chương, thể hiện trong một số tôn chỉ: Không dịch sách nước ngoài nếu đơn thuần văn chương. Chỉ soạn những sách có tính cách bình dân và cổ động cho yêu chủ nghĩa bình dân; Dùng lối văn dễ hiểu ít chữ nho, thật sự có tính An Nam; Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ; Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước nhà với tính cách bình dân; Tôn trọng tự do cá nhân.

Truyện ngắn "Nhà mẹ Lê" của Thạch Lam in lần đầu trên báo Ngày Nay.

Tự Lực văn đoàn đã nói lên khát vọng dân tộc dân chủ của quần chúng, đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, quyền sống của phụ nữ và chống lại lễ giáo phong kiến trói buộc. Họ chủ trương cải cách xã hội, đồng cảm nỗi khổ của người lao động và đả kích gay gắt bọn tham quan “ôm chân” Pháp. Họ đề cao tinh thần dân tộc, có hoài bão về một nền văn hoá dân tộc, trên cơ sở kết hợp truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây…

Tự Lực văn đoàn có bộ máy gọn nhẹ và hiệu quả. Với con số biên chế nòng cột chưa đến 10 người, nhưng đã làm việc của hai cơ quan xuất bản, vừa làm báo vừa in sách. Họ thu phục con người bằng tình thân ái, trân trọng, cư xử tử tế với cộng tác viên…

Giải thưởng văn chương Tự Lực văn đoàn 2 năm xét và trao giải một lần. Những tác giả và tác phẩm được trao từ năm 1935 đến năm 1939 là: “Kim tiền” của Vi Huyền Đắc, “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, “Làm lẽ” của Mạnh Phú Tư, “Cái nhà gạch” của Kim Hà, “Bức tranh quê” của Anh Thơ và “Nghẹn ngào” của Tế Hanh. Nhiều người được tặng Giấy khen. Tú Mỡ sau này thừa nhận là trước khi đi làm báo Phong Hóa chỉ là học nghề. Làm báo Phong Hóa là vào nghề, thời kỳ làm báo Ngày Nay mới lành nghề.

Họ luôn luôn tìm tòi sáng tạo nghệ thuật làm báo sao cho hấp dẫn bạn đọc, như các chuyên mục: Vấn đề thuộc địa, hay Mỗi tuần lễ một, ghi lại những thông tin mọi mặt đời sống. Mục Người và việc nêu ra các vụ việc xảy ra với những lời bình luận sâu sắc. Đặc biệt mục Trông và tìm đã lay động nhiều suy nghĩ của người quan tâm tới vận mệnh của đất nước. Dí dỏm nhất là mục Tập tranh vân đẩu, các bài viết ngắn, sâu cay đả kích các nhân vật trong xã hội quan liêu, hợm hĩnh, ba hoa, nịnh hót bề trên và thiếu nhân cách. Mục Hạt sạn giống như mục dọn vườn bây giờ, hài hước cốt làm cho trong sáng tiếng Việt.

Tự Lực văn đoàn và các cộng sự trong một chuyến đi thực tế. Ảnh do tác giả bài viết sưu tầm.

Từ cách đây gần chín chục năm, Tự Lực văn đoàn đã quan tâm tới đời sống cơ sở, cụ thể là đời sống làng quê… Từ chuyện gà nuôi bị toi, bị đi tướt, dịch tả… đến chuyện ruộng đất chật hẹp, người nông dân phải dời làng di dân, cho đến chuyện nước lụt và thuỷ triều, đê điều, đều được đưa vào các chuyên đề có phân tích, diễn giải.

Tự Lực văn đoàn đã ngang nhiên chống Pháp bằng báo chí. Một lần họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ bìa tờ Ngày Nay có cái lều tranh xơ xác, ngoài có người đàn bà lam lũ và mấy đứa trẻ bụng ỏng đít vòn trông thật thảm thương. Bên dưới phụ đề: “Bố cu mẹ đĩ rúc vào nằm”. Nhà chức trách cho là có ý nói xấu chế độ ra lệnh đình bản 3 tháng, còn định đưa chủ báo Nhất Linh ra toà.

GS Hoàng Xuân Hãn trên Tạp chí Sông Hương số 37- tháng 4/1989 nhận định: "Tự Lực văn đoàn là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại”. Còn Viện Văn học, trong “Văn chương Tự Lực văn đoàn" (tập 1, NXB Giáo dục, 1999) thì tuyên dương: “Các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn thấm đượm tinh thần nhân văn, tinh thần chống lễ giáo phong kiến, chống các hủ tục. Cùng với ý thức đả kích những kẻ xu phụ thực dân, châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội là tinh thần cảm thông với những nỗi khổ cực, sự lam lũ bần cùng của người lao động; tinh thần đề cao tự do cá nhân, giải phóng phụ nữ, hướng theo những tư tưởng nhân đạo, bình đẳng bác ái, của thời kỳ Mặt trận Dân chủ”.

Tự Lực văn đoàn đã lùi vào lịch sử, nhưng ảnh hưởng của văn chương và giá trị nhân văn vẫn còn, bằng chứng là những tác phẩm vẫn đang được giảng dạy trong nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện làm báo 90 năm trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO