Cơ chế đặc thù bình ổn giá trang thiết bị y tế

H.Vũ 28/12/2021 06:58

Chính phủ đã hoàn thiện Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có cơ chế bình ổn giá trang thiết bị y tế.

Tờ trình của Chính phủ cho thấy, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch 2 năm qua, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19, nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong chiến lược phòng, chống Covid-19, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng, chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa. Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện, Chính phủ đã có Tờ trình 521/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19.

Tiếp thu ý kiến góp ý trong quá trình chuẩn bị thẩm tra, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết, báo cáo và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Khám bệnh, chữa bệnh; thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; dược; trang thiết bị y tế.

Đáng chú ý, trong cơ chế thuộc 4 nhóm vấn đề trên thì có quy định về “bình ổn giá trang thiết bị y tế”. Trong thời gian vừa qua, giá trang thiết bị y tế có nhiều biến động bất hợp lý, đặc biệt là giá trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng do Luật Giá không quy định trang thiết bị y tế thuộc loại hàng hóa phải quản lý giá cũng như không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nên Chính phủ không có cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp bình ổn giá.

Để giải quyết các khó khăn này, Chính phủ kiến nghị: “Bổ sung trang thiết bị y tế vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phải áp dụng biện pháp bình ổn giá; Việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với trang thiết bị y tế quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về giá”.

Những ngày qua, vấn đề giá trang thiết bị y tế nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, nhất là xung quanh vụ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Ông Nguyễn Anh Trí, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được bàn đi bàn lại nhiều lần. Đúng - sai từ các vụ vi phạm trong thời gian qua sẽ được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Nhưng trong phòng, chống dịch có những yêu cầu khác biệt. Do đó cần được tháo gỡ để các hoạt động diễn ra trôi chảy và đảm bảo tính an toàn cho người thực thi nhiệm vụ.

Theo ông Trí, hiện có một thực tế là các bệnh viện không dám mua sắm vì sợ sai, do đó không dám làm. Vì vậy nếu cơ chế ra càng chậm thì chính người dân và bệnh nhân bị thiệt thòi. “Chống dịch như chống giặc, cứu người như cứu hỏa. Ví dụ bị bệnh đáng lẽ cần làm xét nghiệm nhưng hết hóa chất, hoặc không có máy. Cần kê đơn thì thuốc lại chưa mua được. Cho nên chính bệnh nhân là người bị thiệt. Do đó cần phải tháo gỡ sớm” - ông Trí nói đồng thời phân tích, do các quy định pháp luật chưa bám sát, song hành với yêu cầu của thực tiễn đặt ra nên dẫn đến những sai sót. Như vụ Công ty Việt Á vừa qua là sai sót rất nhiều vấn đề chứ không chỉ mỗi việc “thổi giá”. Từ nghiên cứu khoa học cũng không nghiêm túc, công trình nghiên cứu hơn 18 tỷ đồng, chưa được nghiệm thu, thẩm định đã đồng ý cho sản xuất. “Muốn cho sản xuất phải đến tận nơi kiểm tra xem trụ sở công ty ở đâu, điều kiện cơ sở vật chất có đảm bảo không? chứ xưởng sản xuất kit của công ty này chỉ hơn 10m2, máy móc cũ kỹ”- theo ông Trí.

Từ vụ công ty Việt Á, đề cập đến cơ chế đặc thù về bình ổn giá trang thiết bị y tế, chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ cũng cho rằng, pháp luật đã cho phép trong trường hợp đặc thù như thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng thì phải áp dụng cơ chế đặc thù. Tình hình dịch Covid-19 trong 2 năm qua cho thấy phát sinh nhiều loại hàng hóa mới hoạt động mà đấu giá, đấu thầu chưa “ôm” hết. Do đó, các bộ, ngành và Chính phủ cần rà soát lại để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm mọi hoạt động kinh tế, tài chính, ngân sách của nhà nước được minh bạch, công bằng, tránh việc lợi dụng sơ hở của cơ chế chính sách để chiếm đoạt tài chính công, tài sản công.

“Việc ban hành cơ chế cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là cần thiết, phải làm ngay nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý hợp lý để hướng dẫn hoạt động thực tiễn một cách lành mạnh, trong sáng. Tuy nhiên cần đánh giá tác động việc ban hành cơ chế đặc thù khác với thông thường như thế nào? Những hệ quả gì có thể xảy ra? Các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá để chọn ra phương án tối ưu trước khi thông qua”- ông Thụ nói.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Song Ủy ban này cũng lưu ý rằng, các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện là những nội dung quan trọng, liên quan đến sự an toàn, tính mạng và sức khỏe người dân, có đối tượng tác động lớn. Do đó cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế đặc thù bình ổn giá trang thiết bị y tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO