Cơ hội cho du lịch

Cẩm Thúy 04/12/2020 13:30

Cách đây vài ngày, hàng trăm doanh nghiệp lữ hành và những người làm du lịch ở Hà Nội đã cùng có mặt để triển khai Quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan trở lại trong cộng đồng, ứng xử văn minh gần như là cách tốt nhất để tái cấu trúc lại ngành du lịch vốn đang gặp khó.

Cũng phải ghi nhận rằng du lịch trong cả năm 2020 đầy khó khăn này đã không khoanh tay đứng nhìn. Những sự xoay xở để thích ứng với “trạng thái bình thường mới” của du lịch phải nói rằng có muôn vàn kiểu khác nhau. Trong đó, đôi khi giữa khó khăn lại vẫn có những cơ hội được tạo ra.

Ví dụ như du lịch đã đi vào chiều sâu, thực chất hơn, không còn việc lựa chọn điểm đến theo kiểu phong trào và làm tour một cách hào nhoáng. Ví dụ như nhiều điểm đến trong nước bỗng nhiên thức dậy, vụt sáng và được thưởng thức một cách kỹ càng hơn...

Có thể đưa ra những ví dụ như mùa lúa chín Tây Bắc không phải là điểm đến có tính phong trào đến rồi đi ào ào mà đã có những sự thưởng thức nhẩn nha, mây ở Tà Xùa không phải chỉ là điểm check in, Pù Luông cũng đã trở thành nơi để an dưỡng...

Anh bạn tôi, giám đốc một công ty lữ hành chuyên tour du lịch tâm linh nước ngoài đã “bó tay” vào những tháng đầu tiên Covid-19 xuất hiện.

Nhưng rồi rất nhanh đã xoay chuyển vào thị trường nội địa. Và bây giờ, e rằng khi dịch bệnh hết hoành hành, thị trường du lịch nước ngoài hoạt động trở lại chưa chắc Công ty đã tiếp tục tour nước ngoài như trước nữa bởi vì anh nhận ra tour trong nước cũng hết sức hấp dẫn nếu mình biết khai thác và làm ăn cho tử tế.

Thậm chí, thích ứng với hoàn cảnh mới, một phần văn phòng Công ty ở phố Phan Chu Trinh đã được tổ chức thành quán cafe hấp dẫn kiểu của người làm du lịch.

Trở lại với câu chuyện vào thời điểm này, Du lịch Hà Nội đã tổ chức triển khai Quy tắc ứng xử văn minh du lịch đến đội ngũ những người làm du lịch trên địa bàn Thủ đô. Bởi vì mặc dù được nhận định rằng đã có nhiều cố gắng trong cải thiện môi trường du lịch, nâng cao văn hoá ứng xử cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, song tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác vẫn còn xảy ra tình trạng chèo kéo khách, lừa đảo, cướp giật, cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng, giao tiếp kém lịch sự…

Dù các cơ quan chức năng đã phối hợp xử lý nhiều trường hợp nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nhiều tổ chức, cá nhân còn tâm lý kỳ thị những người bị nhiễm bệnh hoặc những người đến từ vùng dịch.

Theo khẳng định của lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội thì trong bối cảnh mới hiện nay, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch thì bên cạnh các quy định ứng xử đã có, cần được nhấn mạnh, bổ sung thêm các nội dung, yêu cầu mới trong an toàn phòng chống dịch trong hoạt động du lịch, không kì thị, phân biệt đối xử với du khách.

Và đương nhiên, như mọi cuộc triển khai, người ta cũng kỳ vọng vào việc thực hành đầy đủ Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch sẽ tạo bước chuyển biến tích cực, ứng xử văn minh du lịch là yếu tố quyết định một điểm đến thực sự là an toàn, thân thiện, mến khách...

Nghe có vẻ hơi trớ trêu khi mà triển khai thực hiện văn minh du lịch thì lại đang vào lúc phố lụa Hàng Gai, phố Hàng Đào, Tạ Hiện... vốn dập dìu khách du lịch lại đang đìu hiu nhất. Cũng như cho dù đã nhiều năm triển khai các giải pháp và nhóm giải pháp, các kiểu đề án cải thiện môi trường du lịch thì “vấn nạn” vẫn tồn tại. Cho nên, ứng xử văn minh là việc vô cùng cần thiết nhưng đi kèm phải là việc tái cấu trúc mà trong đó yếu tố chuyên nghiệp và bền vững của du lịch phải được đặt lên hàng đầu.

Dịch bệnh là một thách thức cực kỳ lớn làm ngành du lịch lao đao nhưng trong khó khăn vẫn tìm ra cơ hội để định vị lại mình là thời cơ của ngành du lịch hiện nay. Trong đó có nhiều việc cần phải làm một cách đồng bộ, đào tạo nhân lực ngành du lịch nhân dịp này cũng phải được đi vào thực chất để tạo ra ứng xử văn minh. Những người làm du lịch phải được đào tạo bài bản để biết ứng xử văn minh không còn cảnh “chụp giật” và “ăn xổi ở thì”.

Du lịch trong gần một năm qua đủ thấm thía và đủ cả thời gian để nhận ra những giá trị bền vững, tự cấu trúc lại và sàng lọc để chỉ những ai đủ sức, đủ khả năng và tâm huyết mới tiếp tục trụ lại được với thị trường. Triển khai ứng xử văn minh trong du lịch là một việc, thay đổi một cách căn bản môi trường kinh doanh du lịch Việt Nam, thay đổi nhận thức và quan niệm du lịch, mới là việc quan trọng, để khi dịch bệnh qua đi, thị trường du lịch hồi sinh và phát triển mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội cho du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO