Có nên cho các phương tiện khác đi chung làn với xe buýt BRT?

Lê Khánh - Kim Nhung 27/06/2022 10:44

Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất TP Hà Nội cho phép xe buýt thường, xe khách trên 24 chỗ, xe công vụ được lưu thông vào làn riêng buýt nhanh BRT 01 Yên Nghĩa - Kim Mã nhằm giảm tải ùn tắc giao giao thông. Tuy nhiên, ngay sau khi phương án này được đề xuất, đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Đề xuất cho một số phương tiện đi chung làn BRT

Theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.

Do vậy, để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến, tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có trên tuyến, Sở GTVT đã đề xuất TP Hà Nội trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt BRT cho phép các phương tiện xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường được lưu thông.

Sở GTVT đề xuất cho phép các phương tiện xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường được lưu thông.

Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hợp phần xe buýt nhanh BRT 01 từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ theo Hiệp định tín dụng tài trợ cho dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và Hiệp định tín dụng viện trợ của Quỹ môi trường toàn cầu. Vì vậy, để thực hiện điều chỉnh thí điểm như trên, Sở GTVT kiến nghị với TP Hà Nội có ý kiến thống nhất với WB.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, quá trình di chuyển qua 21 nhà chờ trong làn đường ưu tiên buýt nhanh BRT bị hàng loạt xe máy, xe ô tô cá nhân và các phương tiện khác chỉ được di chuyển trên các làn đường còn lại đã khiến các tuyến đường Quang Trung - Tố Hữu - Lê Văn Lương… ùn tắc nghiêm trọng. Cũng vì vậy, sau 5 năm vận hành tuyến buýt nhanh hiện vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của người dân đặt ra.

Song, theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình chia sẻ, phương án đang là một bước lùi về mặt chính sách, đi đến xoá bỏ BRT; đồng thời xoá bỏ luôn quan điểm ưu tiên phương tiện giao thông công cộng.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, việc cho các phương tiện đi chung làn với làn BRT sẽ giải tỏa được bớt một phần mặt đường dành cho các loại xe thông thường. Tuy nhiên, trong trường hợp những xe đi chung vào làn BRT đang bị ùn tắc ở phía trước thì phía sau xe buýt nhanh chạy tới buộc phải chờ đợi thì đấy không còn được gọi là giao thông công cộng nhanh.

Tuy nhiên, không chỉ các chuyên gia băn khoăn mà ngay sau khi đề xuất phương án trên, nhiều người dân cũng trăn trở, trong tương lai gần, để giảm bài toán sử dụng phương tiện cá nhân thì chỉ có cách phát triển loại hình phương tiện vận tải công cộng nhanh, tiết kiệm được thời gian thì sẽ thu hút được người dân. Nếu như cho các phương tiện khác lưu thông chung làn BRT thì coi như xóa bỏ luôn xe buýt nhanh đồng thời xoá bỏ luôn quan điểm ưu tiên phương tiện giao thông công cộng.

Cầm xem xét kỹ lưỡng

Được biết, đây không phải lần đầu tiên có đề xuất cho phép chia sẻ làn riêng BRT cho phương tiện khác. Từ năm 2018, khi tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội vận hành, đã có ý kiến về việc cho phép buýt thường được đi chung với làn BRT.

Sau đó cũng từng có đề xuất nghiên cứu cho phép buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 4h - 23h hàng ngày, các phương tiện khác được sử dụng làn riêng cho BRT từ 23h - 4h ngày hôm sau. Tuy nhiên, sau đó Sở GTVT chỉ cho phép buýt nhanh và buýt thường đi chung làn qua một số nút giao ở đoạn ngắn nhằm thoát tắc nhanh hơn, không phải chạy dọc hành lang.

Hàng loạt phương tiện ngang nhiên lấn làn xe buýt nhanh BRT,

Phân tích các loại xe được đề xuất đi chung làn BRT, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, có thể cho phép xe cứu thương đi chung vào vì mang ý nghĩa liên quan đến tính mạng con người.

Xe công vụ không cần phải gấp gáp đến mức như vậy, vì xe công vụ chỉ chở những người đi làm công vụ, đầy tớ, của nhân dân. Nếu đường ùn tắc, các lãnh đạo có thể chuyển ngay sang sử dụng xe BRT để di chuyển quãng đường tiếp theo.

Còn như xe khách, xe buýt thường đi vào sẽ cản trở tốc độ của xe buýt nhanh, đặc biệt vào giờ cao điểm. Ví dụ, chỉ trong một làn nhỏ có hàng chục chiếc xe buýt thường, xe chở khách đi vào làn BRT thì xe buýt nhanh rất khó có thể tiếp cận được với nhà chờ.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nhấn mạnh: “Biện pháp đưa ra là bước lùi và dần đi đến xoá bỏ BRT, đồng thời xoá bỏ luôn quan điểm ưu tiên phương tiện giao thông công cộng. Đây còn là bước lùi về mặt chính sách, không nên thực hiện. Một khi đã làm như vậy, các tuyến BRT tiếp theo sẽ không làm được nữa”.

Đồng quan điểm, Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung nhận định, việc cho phép có phương tiện khác đi chung làn BRT là chưa hợp lý. Bởi, dù trước mắt sẽ có thêm một làn đường cho các phương tiện khác lưu thông. Song, buýt nhanh hoạt động trên đặc điểm sử dụng một làn đường riêng, nếu cho các phương tiện khác lưu thông theo kiểu hỗn hợp thì đấy không còn được gọi là buýt nhanh nữa.

“Hà Nội phải kiên trì, cương quyết giữ các tuyến xe buýt cũng như có làn riêng cho xe buýt, có như thế thì mạng lưới xe buýt mới có cơ sở để phát triển, hấp dẫn được người dân”- Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung nói.

Tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7 km, có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Dọc tuyến có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe. Xe BRT gồm 35 chiếc (mỗi chiếc trên 5 tỷ đồng), sức chứa 90 hành khách; vận doanh 22 xe ngày bình thường và 16 xe ngày chủ nhật.

Hiện tại, xe buýt BRT chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La- Quang Trung - Lê Trọng Tấn - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. Các đoạn đi hỗn hợp với các phương tiện khác gồm đoạn bến xe Yên Nghĩa - Ba La, đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên cho các phương tiện khác đi chung làn với xe buýt BRT?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO