Có thể tiếp tục đóng BHXH cho thời gian nghỉ việc trước đây không?

PV (theo VGP) 13/12/2019 17:00

Bà Lê Phan Chiêu Anh (An Giang) tham gia BHXH tại công ty được 2 năm 2 tháng. Đến tháng 7 năm 2016 bà xin nghỉ việc để đi học nâng cao trình độ và chưa nhận BHXH một lần. Bà Chiêu Anh hỏi, nay bà có thể tiếp tục đóng BHXH và đóng cho thời gian nghỉ việc đi học trước đó (tháng 7/2016 đến tháng 9/2019) được không?

BHXH tỉnh An Giang trả lời vấn đề này như sau:

Tại Điều 61 Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 của Quốc hội quy định: “Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH” và tại Khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách BHXH 1 lần đối với người lao động quy định: “Người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014”.

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên nếu sau khi nghỉ việc 1 năm, bà không làm thủ tục, hồ sơ nhận tiền hưởng BHXH 1 lần thì thời gian đóng BHXH của bà vẫn được bảo lưu. Sau đó, nếu bà làm việc và tiếp tục đóng BHXH tiếp theo thì thời gian đóng BHXH trước đây sẽ được ghi tiếp nối với thời gian đóng BHXH sau này và được dùng làm căn cứ để giải quyết chế độ BHXH cho bà khi bà đủ điều kiện hưởng theo quy định.

Tại Điều 2 Luật BHXH quy định các đối tượng áp dụng Luật BHXH, trong đó tại Khoản 1, Điều này quy định người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phưởng, thị trấn”.

Đối với chế độ BHXH bắt buộc

Căn cứ quy định nêu trên thì nếu thời gian từ tháng 7/2016 đến tháng 9/2019, bà thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà chưa được đơn vị sử dụng lao động đăng ký tham gia thì mới được truy đóng BHXH (hồ sơ truy đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo Điều 38 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam).

Còn trường hợp, nếu thời gian từ tháng 7/2016 đến tháng 9/2019, bà nghỉ việc đi học nâng cao trình độ, không làm việc ở đơn vị nào, không thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH thì sẽ không được truy đóng BHXH bắt buộc đối với thời gian này; khi bà đi làm trở lại và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đơn vị sử dụng lao động nơi bà làm việc có trách nhiệm đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho bà theo quy định, thời điểm bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc dựa trên thời gian làm việc ghi trên Hợp đồng lao động mà đơn vị đã ký kết với Bạn.

Mức đóng BHXH bắt buộc là mức lương ghi trên Hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động (Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH). Lưu ý, mức đóng BHXH bắt buộc ít nhất phải bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng thêm 7% đối với người đã qua học nghề, đào tạo nghề và cộng thêm 5% đối với người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Chính phủ vào hàng năm.

Đối với chế độ BHXH tự nguyện

Hiện nay chưa có quy định truy đóng thời gian tham gia BHXH tự nguyện đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 87 Luật BHXH thì người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn đóng: “Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hàng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hàng tháng so với quy định tại Điều này”. Cụ thể, tại Điểm đ và e, Khoản 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn như sau: Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn:

“đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu”.

Theo Khoản 1, Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội quy định mức đóng BHXH tự nguyện như sau: “Người lao động quy định tại Khoản 4, Điều 2 của Luật này, hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện”.

Bà có thể tham khảo Điều 9 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để biết thêm về hướng dẫn cách tính mức đóng khi tham gia BHXH tự nguyện và tham khảo Điều 12 Thông tư này để biết thêm về chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có thể tiếp tục đóng BHXH cho thời gian nghỉ việc trước đây không?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO