Còn một chút gì để nhớ Pleiku

Vương Tâm 14/01/2021 16:00

Lần nào lên Pleiku tôi cũng đến quán cà phê Thu Hà trên đường Nguyễn Thái Học. Đây là quán giải khát đầu tiên của Pleiku với hình ảnh cà phê vỉa hè vào năm 1969.

Đến nay quán vẫn ghế nhựa bàn gỗ nhỏ. Nhưng bao giờ quán cũng đông từ sớm cho đến khuya. Cà phê ở đây thơm ngon đậm vị đặc sản Tây Nguyên. Điều thú vị nhất ở quán bà chủ đã đưa ra một Slogan rất dễ thương: “Còn một chút gì để nhớ”.

Anh Vinh và đội văn nghệ ở làng văn hóa.

Xin cám ơn thành phố có em

Câu chuyện đầu tiên tôi biết được ở đây do họa sĩ Lê Hùng (Hội VHNT Gia Lai) kể về ngọn nguồn Slogan được “gắn chết” với quán cà phê Thu Hà. “Còn một chút gì để nhớ” là tên một bài thơ của thi sĩ Vũ Hữu Định (1942-1981). Hình ảnh phố núi Pleiku được hiện lên trong nỗi niềm tha hương cách đây hơn nửa thế kỷ qua bài thơ. Khi ấy thi sĩ Vũ Hữu Định mắc tội trốn lính nên đã bị bắt đi làm quân dịch ở khu đồn thú Pleiku. Trong cõi sương mù dầy đặc ngỡ như với được tới trời trong gang tấc.

Những câu thơ đầu tiên vang lên: “Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh thành phố thật buồn”. Tâm hồn thi sĩ bay bổng khi bắt gặp những cô gái thấp thoáng dạo chơi trên phố. Khi ấy Pleiku trở nên thơ mộng và lãng mạn với những hình ảnh: “Em Pleiku má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Nên mắt em ướt. Da em mềm như mây chiều trong…”. Và bài thơ được thi sĩ hoàn chỉnh trong một đêm với trái tim loạn nhịp trong lời kết: “Xin cảm ơn thành phố có em. Xin cảm ơn một mái tóc mềm. Mai xa lắc trên đồn biên giới. Còn một chút gì để nhớ để quên”. Một chân dung Pleiku của hơn nửa thế kỷ trước với nét buồn xa vắng mơ màng trong sương khói. Bởi lẽ khi ấy Pleiku chỉ là một khu trại quân đội đóng rải khắp nơi. Những con phố dốc nhỏ mọc lên nhiều quán hàng cùng các phiên chợ của người Gia Rai hoang dã. Ngay lập tức bài thơ được in trên báo và được nhiều người yêu thích.

Nhưng số phận của bài thơ được lan truyền sâu rộng khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Họa sĩ Lê Hùng kể vào một chiều mùa đông năm 1970 nhạc sĩ Phạm Duy đã lên Pleiku tìm thi sĩ Vũ Hữu Định để xin phép phổ nhạc. Hai người đã gặp nhau trong một cửa hàng giải khát có ban nhạc sống biểu diễn. Khi ấy Vũ Hữu Định vội rời lán trại ra gặp Phạm Duy vẫn còn mặc áo vải bạt có in mấy chữ ở lưng. Đó là bốn chữ viết tắt LCĐB (Lao công đào binh). Thi sĩ Vũ Hữu Định rất vui nhưng khép nép ngồi im bên bàn nước. Anh lắng nghe nhạc sĩ Phạm Duy say sưa thể hiện những giai điệu ấm áp dịu buồn về thành phố Pleiku. Những lời thơ được rung lên trong tâm cảm âm nhạc. Vũ Hữu Định đã rơi nước mắt khi câu hát đầu tiên ngân vang qua giọng hát thiết tha của Phạm Duy: “Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn. Anh khách lạ đi lên đi xuống. May mà có em đời còn dễ thương. Em Pleiku má đỏ môi hồng…”

Sự gặp gỡ giữa hai người nghệ sĩ đã làm cho Pleiku thật buồn ấy gây ấn tượng đến kỳ lạ. Bài hát truyền cảm ấy đã được hàng chục ca sĩ trình bầy sau đó. Theo họa sĩ Lê Hùng, người thành phố Pleiku rất tự hào với bài hát. Bởi nó đã thể hiện đúng với hình ảnh phố núi ở một thời dĩ vãng không thể nào quên. Đây có thể là một trong những bài thơ hay nhất về Tây Nguyên đã sớm được phổ nhạc và có sức sống lâu bền. Cho đến nay nhiều người vẫn thích nghe ca sĩ Khánh Ly và Sỹ Phú hát bài này. Đặc biệt cố ca sĩ Sỹ Phú chính là một chiến binh đã từng lên biên giới để hát và đã khóc vì nỗi buồn mà anh đã trải qua.

Lưu bút bài thơ của Vũ Hữu Định.

Bài ca dốc phố

Tôi và họa sĩ Lê Hùng rời địa chỉ “Còn một chút gì để nhớ” khởi hành trên đường phố. Họa sĩ nói sẽ cho tôi thêm những điều để nhớ để thương Pleiku. Tôi hồi hộp lên xe cùng anh. Con xe bỗng ngoắt vào con đường lớn. Bất ngờ một dốc phố hiện ra. Những ngôi nhà như chồng lên nhau dọc con phố dựng đứng. Thì ra giờ đây không còn là một Pleiku trởi thấp thật buồn nữa mà đó là những tòa nhà cao vút. Đúng là câu chuyện cổ tích xã xảy ra. Lời thơ của Vũ Hữu Định “đi dăm phút đã về chốn cũ” đã trở thành dĩ vãng. Tôi chợt nhớ đến câu thơ xưa của thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn cũng đã buồn ngất ngưởng với con dốc phố Pleiku một thời. Ông viết: “Phố núi kia ơi, phố có con đường. Lên xuống dốc không tìm ra bạn hữu. Không có bạn làm sao tôi uống rượu. Tôi làm sao sống nổi một ngày đây”. Họa sĩ Lê Hùng như muốn nói giờ Pleiku của anh không còn cũ nữa. Nó đẹp đến mê hồn vì những con dốc. Những đường hoa mới mọc lên với ánh nắng ngập tràn.

Họa sĩ Lê Hùng đưa tôi đến dốc phố mới được mở đường quốc lộ. Đó là cung đường nằm trên đại lộ Nguyễn Tất Thành. Nhìn từ xa con dốc như dựng đứng cùng những ngôi nhà chọc trời. Khi vượt qua thung lũng con xe bắt đầu bò dốc. Họa sĩ Lê Hùng lái xe đi thật chậm để cho tôi chiêm ngưỡng từng ngôi nhà cao tầng mọc xung quanh dốc phố. Đây chính là con đường quốc lộ 1 chạy qua thành phố. Đoạn dốc cũ chính là nơi nhà thơ Nguyên Đỗ đã mô tả: “Con phố ngày xưa lũng dốc cao. Hàng thông xanh ngát ngả nghiêng chào”. Dốc nay vẫn còn đó nhưng đã là bức tranh mới xóa nhòa đi cảm giác mộng mị xưa. Những ký ức đến mệt nhoài một thuở luôn hiện về với họa sĩ Lê Hùng. Đó là đường dốc nối tiếp dốc uốn lượn ở Diệp Kính mà anh không thể nào quên. Riêng con dốc Tô Vĩnh Diện mỗi lần trẻ con đi học xưa đều phải ngửa cổ lên trời và hít thở thật sâu. Chúng cứ ngỡ như đang dấn từng bước lên trời vậy.

Một con dốc phố nữa mà họa sĩ Lê Hùng muốn khoe. Dốc cao nằm trên đường Hùng Vương đi hướng về Ban Mê Thuột và Bình Định. Dốc cổ và phố cổ là đây. Đỉnh dốc là trụ sở của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Nhiều buổi sáng sớm các cầu thủ bóng đã chạy vượt qua dốc này để về nơi tập trung. Một thử thách không nhỏ với bất cứ ai phải leo bộ dốc. Đây chính là nơi một thời những lao công đào binh và phu phen đã phá núi mở đường. Và con dốc này cũng chính là tuyến đường mà các chiến sĩ giải phóng quân đã mở chiến dịch đánh lên mặt trận Ban Mê. Chiến thắng Tây Nguyên (24/3/1975) mở đầu cho sự tiếp nối cho công cuộc giải phóng miền nam (30/4/1975). Giờ đây những con dốc là những ký ức một thuở hào hùng và cũng là những kỷ niệm đẹp cho bất cứ ai đã từng sống ở Pleiku. Lúc này họa sĩ Lê Hùng đọc cho tôi nghe những câu thơ của nữ sĩ Hoàng Lan đã nhớ về phố núi: “Đêm em nằm mơ về Pleiku. Thành phố núi sương mờ giăng kín lối. Con dốc dài làm bước chân bối rối. Dã quỳ vàng mà ngỡ hoàng hôn rơi”.

Dốc đường Nguyễn Tất Thành.

Em nhớ tới Mết Man

Sau cuộc đi săn những con dốc họa sĩ Lê Hùng đưa tôi vào làng văn hóa Pleop ở phường Hoa Lư. Đây là bản người Gia Rai cổ ở trung tâm thành phố Pleiku. Người tiếp chúng tôi là anh Vinh, một trong những người quản ngôi nhà Rông. Anh nói hiện đội văn nghệ đang luyện tập chuẩn bị cho lễ hội cuối năm. Một nhóm người đang dựng một cây nêu ở ngày sân nhà Rông. Tiếng hát của một cô gái vọng ra nghe thổn thức nỗi lòng. Một giai điệu Gia Rai da diết trong tiếng cồng trầm bổng. Anh Vinh kể đó là một câu chuyện cay đắng về tình yêu của một đôi trai gái. Chàng trai Mết man dũng cảm được cô gái Gia Rai yêu thương hết lòng.

Nhưng rồi một ngày Mết Man bỏ làng đi. Cô gái ngày đêm mong mỏi đợi chờ. Mết man vẫn biệt tăm. Cô gái Gia Rai cất công đi tìm người yêu. Dòng dã đã mươi năm. Nàng lần đi theo dấu chân người yêu lạc trong rừng và đã hôn lên đó. Nàng cất lên tiếng hát: “Nhớ cái bước chân anh đi. Xuân sang rồi em mong chờ. Ngày ngày buồn, đêm đêm thương, Ơ…Em nhớ Mết Man…”. Tôi bỗng nhớ cách đây ít lâu đã được nghe giọng hát của NSND Thanh Hoa trình bày bài dân ca này. Giọng hát của cô gái từ ngôi nhà Rông vang vọng núi rừng. Chung quanh nhà Rông những cây hoa mai thắm sắc vàng như những vạt nắng trải khắp khu vườn. Tiếng kèn K’ní bay lên với âm thanh đầy huyền bí và ám ảnh lòng tôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn một chút gì để nhớ Pleiku

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO