Công chức tham gia mê tín dị đoan: Kỷ luật cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng

Đức Sơn 19/04/2021 07:56

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, căn cứ vào nội dung, chương trình hành động, các hoạt động của CLB Tình Người, cơ quan chức năng sẽ xác định CLB này có phải là tổ chức tôn giáo hay không.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định CLB Tình Người hoạt động tôn giáo trái phép, có hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu mê tín dị đoan, thì những người là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia CLB này có thể bị xem xét xử lý kỷ luật.

Trường hợp đảng viên vi phạm quy định về tín ngưỡng, tôn giáo thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc hình thức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng. Nếu trường hợp được xác định là hoạt động mê tín dị đoan đến mức cuồng tín hoặc chủ trì tham gia vận động, bao che tiếp tay cho cá nhân tổ chức xây dựng các cơ sở tôn giáo chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức mà vi phạm quy định về tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan thì cũng sẽ bị xem xét kỷ luật theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Bởi vậy, vấn đề này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, cần phải sớm làm rõ bản chất hoạt động của CLB Tình Người; phải làm rõ các nội dung hoạt động và việc quyên góp ủng hộ tiền, sử dụng quỹ như thế nào, đánh giá sự tác động đến xã hội ra sao để có căn cứ xử lý các vụ việc tiếp theo theo quy định pháp luật.

Trường hợp là hoạt động tôn giáo tích cực thì cần phải yêu cầu CLB này đăng ký hoạt động tôn giáo và phải có sự quản lý theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định khác của pháp luật.

Trong trường hợp xác định đây là tổ chức hoạt động tôn giáo trái phép, hành vi mê tín dị đoan gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì khi đó sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của những người đã tổ chức hoạt động cơ sở có tên là CLB Tình Người; đồng thời sẽ xem xét trách nhiệm của những người tham gia, kêu gọi, lôi kéo người khác cùng tham gia CLB này theo các quy định của pháp luật.

Cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên là những người có hiểu biết pháp luật, có chức vụ và phải tuân thủ các quy định của Điều lệ Đảng. Những người này phải là những người tiên phong, gương mẫu, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, phải vận động gia đình và người thân tuân thủ pháp luật.

Các tổ chức đảng cần phải quán triệt tinh thần, kiểm tra xem xét các cán bộ, đảng viên của mình đối với các hoạt động tôn giáo để kịp thời có những uốn nắn, chấn chỉnh và có những cảnh báo kịp thời.

Luật sư Cường cũng cho rằng, với các cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thì phải thận trọng khi tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Đối với các tổ chức hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng không có đăng ký, không có sự quản lý của giáo hội, của cơ quan chức năng thì tuyệt đối không được tham gia.

Những hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật và còn có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những người có uy tín, có ảnh hưởng trong xã hội mà bị lôi kéo, lừa gạt hoặc vì động cơ cá nhân mà tham gia các tổ chức bất hợp pháp thì hệ lụy gây ra cho xã hội sẽ rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công chức tham gia mê tín dị đoan: Kỷ luật cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO