Tìm cách 'giải cơn khát' công nghệ

Minh Phương 21/08/2018 23:30

Khó khăn về nguồn vốn, nhân lực, năng lực đổi mới sáng tạo… chính là những rào cản khiến cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam khó tiếp cận với công nghệ hiện đại.

Hội thảo “Công nghệ Robotics - Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho DN Việt Nam” diễn ra sáng 21/8 tại Hà Nội, do Bộ Công thương tổ chức đã đưa ra những giải pháp giải tỏa những khó khăn, thách thức này.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, Robotics - Mechatronics (công nghệ robot - Cơ điện tử) có thể được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và DN được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Bộ Công thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện về mức độ sẵn sàng của DN Việt đối với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho thấy, số lượng DN Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất còn rất khiêm tốn. Theo ông Hưng, mặc dù hiện nay các DN có nhu cầu rất lớn tiếp cận công nghệ hiện đại, nhưng chưa có đủ tiềm lực và định hướng chiến lược trong quá trình đầu tư này. Trên 97% các DN Việt Nam hiện nay chủ yếu là DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, do đó gặp rất nhiều khó khăn thách thức về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo.

“DN Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn giữa nhu cầu và khả năng ứng dụng Công nghệ robot và cơ điện tử trong quá trình sản xuất. Các DN đang cần những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ cùng phối hợp để trả lời câu hỏi “ai?” và “làm như thế nào?” để giải quyết những thách thức này. Do đó, những giải pháp đề xuất để triển khai thực hiện cần có sự nhìn nhận, đánh giá tổng thể và toàn diện nhưng bước đi thì phải cụ thể, phù hợp để đảm bảo chúng ta đón nhận thành công những cơ hội mà công nghệ robot và cơ điện tử nói riêng và cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung có thể mang lại”- Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nêu vấn đề.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Hoàng Việt Hồng- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp cho biết, ứng dụng công nghệ robot và tự động hóa ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và mang lại những hiệu quả lớn đối với nền kinh tế quốc gia, đặc biệt có vai trò quan trọng vào sự phát triển của các DN. Theo TS Hồng việc đưa robot vào ứng dụng trong DN để sản xuất sản phẩm có thể giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất. Về vấn đề này không chỉ các nhà khoa học, các nhà quản lý nhận thức được mà DN cũng đang cho thấy họ có nhu cầu rất lớn với robot, đặc biệt là robot công nghiệp.

Song, trên thực tế, DN muốn tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, có thêm nhiều robot để phục vụ sản xuất đang còn gặp rất nhiều khó khăn với hàng loạt các bài toán đặt ra về nhân sự, vốn đầu tư cho hệ thống công nghệ, trình độ kỹ thuật tại các cơ sở còn thiếu đồng bộ từ sản xuất đến kho bãi... Trước tình hình đó, TS Hồng cho rằng, cần có sự liên kết chặt hơn nữa giữa các chuyên gia nước ngoài với trong nước để đưa công nghệ mới, tự động hóa vào trong quá trình sản xuất của Việt Nam. Các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư cũng cần được chú trọng trong thời gian tới.

Khẳng định kinh tế số là xu hướng tất yếu, PGS.TS Hồ Anh Văn (Trường Khoa học vật liệu JAIST - Nhật Bản) cho rằng, sẽ có rất nhiều ngành nghề có thể ứng dụng công nghệ robot, không chỉ trong sản xuất công nghiệp. Robot mềm có thể ứng dụng trong nông nghiệp, hái quả, hay y tế, chăm sóc người già, phẫu thuật... Song, ở Việt Nam việc ứng dụng robot vào các lĩnh vực chưa phổ biến. “Chúng tôi đang đào tạo cho các sinh viên Việt Nam, hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam để sản xuất thử nghiệm. Hy vọng rằng công nghệ robot có thể được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam trong thời gian tới”- PGS.TS Hồ Anh Văn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách 'giải cơn khát' công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO