Công nghiệp văn hóa và sự đa dạng

Hoàng Minh 26/10/2016 11:10

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL phối hợp với Tổ chức Pháp ngữ (OIF) đã tổ chức khai mạc Hội thảo với chủ đề “Chính sách hỗ trợ các nền công nghiệp văn hóa: góp phần đa dạng hóa nền kinh tế và kiểm soát toàn cầu hóa thông qua đa dạng văn hóa”.

Hội nghị chính sách hỗ trợ các nền công nghiệp văn hóa.

Theo đó, từ ngày 25 đến 27/10, các đại biểu sẽ tập trung bàn luận về các chủ đề: Thách thức của toàn cầu hóa văn hóa; Công ước UNESCO về bảo vệ và phát huy tính đa dạng của các biểu đạt văn hóa; Công nghiệp văn hóa: định nghĩa, khái niệm, chuỗi giá trị, cơ sở và mục tiêu các hoạt động can thiệp của Nhà nước; Hoạt động hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại các nước phương Nam của OIF; Công cụ quản lý, huy động tài chính và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: nghiên cứu điển hình cách tiếp cận của Việt Nam, Campuchia, Lào, Vauatu, Pháp, Quesbec (Canada); Phương pháp luận xây dựng và phát triển chính sách văn hóa; Triển vọng triển khai một chương trình hợp tác giữa OIF và các nước tham dự Hội thảo.

Tại phiên khai mạc, ông Eric – Normand Thibeault – Đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) cho biết “Xin lấy một ví dụ cho thấy sức sống của nền điện ảnh Việt Nam đó là bộ phim “Cha và con và…” của đạo diễn Phan Đăng Di thực hiện năm 2015. Phim được chính thức tuyển chọn để trình chiếu tranh giải trong Liên hoan phim Quốc tế Berlin. Tôi cũng kể thêm rằng Phim đã tham gia khởi tranh tại Liên hoan phim 3 châu lục năm 2015 và đã đoạt giải của BGK trẻ”.

Tuy nhiên, theo ông Eric – Normand Thibeault trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc phát huy và bảo vệ năng lực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sang tạo của các nước có tầm quan trọng đặc biệt. Sẽ có rủi ro khi chúng ta không xem xét nghiêm túc khái niệm về sản xuất dịch vụ văn hóa và hy sinh điều này trong đàm phán: hạn ngạch trình chiếu phim, các thể loại nhạc trên song phát thanh, hỗ trợ tài chính cho các nhà điện ảnh. Đây là yếu tố có thể tác động không thuận tới nền sản xuất các sản phẩm văn hóa quốc gia, thậm chí có nguy cơ làm tổn hại tới bản sắc văn hóa.

Cũng theo đại diện OIF chia sẻ kinh nghiệm thì hiện nay 9 thị trường văn hóa và sáng tạo trong không gian Pháp ngữ chủ yếu liên quan tới các khu vực nghệ thuật đồ họa và tạo hình, nhạc, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, truyền hình, radio, games video, sách, báo chí, báo và tạp chí. Trong một thập kỷ qua, cùng với UNESCO, OIF luôn có quan điểm rằng sản phẩm và dịch vụ văn hóa có đặc tính đặc biệt do nội hàm liên quan đến bản sắc. Có thể lấy ví dụ của Pháp, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã doanh thu trên 74 tỷ Euro năm 2015. Dự kiến năm 2017, các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo sẽ tạo ra 1,4 triệu việc làm, chiếm 5% tổng số việc làm tại Pháp.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên chia sẻ: “Ngày 8/9/2016, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Chiến lược đề ra mục tiêu chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế”.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược, Bộ VHTT&DL cũng đang tích cực thực hiện kế hoạch triển khai trên cơ sở các nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư; phát triển thị trường; mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế.

Kết thúc Lễ khai mạc, thay mặt tổ chức OIF, bà Youma Fall- Vụ trưởng Vụ Tiếng Pháp, Văn hóa và Đa dạng cũng đề xuất thông kết quả của hội thảo, OIF sẽ dành tài chính, nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia thành viên tăng cường công nghiệp văn hóa với phát triển bền vững. Cùng với đó, OIF cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, tăng cường mối liên hệ hợp tác về văn hóa giữa các quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghiệp văn hóa và sự đa dạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO