Công tác dân vận đi vào chiều sâu

Nhật Bình 21/11/2019 08:00

Trong nhiều năm qua, Bạc Liêu luôn coi trọng việc thực hiện tốt công tác dân vận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội.

Công tác dân vận đi vào chiều sâu

Đời sống người dân được nâng lên từng bước.

Hướng về cơ sở

Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện “Năm Dân vận khéo” tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Văn Hòa, quán triệt tinh thần Chỉ thị 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thực hiện “Ngày Dân vận khéo”, qua 5 năm (2014 – 2019), công tác dân vận của tỉnh đã nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận trong hệ thống chính trị.

Tỉnh cũng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về vận động quần chúng; nhiều đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Năm Dân vận khéo”…

Qua 5 năm (2014 – 2019), Bạc Liêu có 30 xã và 40 ấp được cấp tỉnh và cấp huyện chọn để tập trung tuyên truyền, vận động nguồn lực xây dựng mô hình “Dân vận khéo” và thực hiện “Ngày Dân vận khéo”, có gần 2.100 lượt cơ quan, đơn vị tham gia. Nhiều công trình, phần việc thiết thực nhận được ủng hộ của nhân dân như: Xây dựng và sửa chữa hơn 31 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 28 cầu bê tông; hỗ trợ, xây dựng gần 800 căn nhà tình thương, tình nghĩa, mái ấm công đoàn...; trao tặng hàng ngàn suất học bổng, xe đạp, quần áo, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo vượt khó... với tổng số tiền gần 1.200 tỷ đồng. Tại Bạc Liêu đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, thiết thực như nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới (huyện Phước Long); vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, góp phần giảm hộ nghèo (huyện Hồng Dân); xây dựng hệ thống chính trị, đoàn thể vững mạnh (huyện Vĩnh Lợi); …

Tỉnh Bạc Liêu đã chọn xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải để thực hiện “Năm Dân vận khéo”. Qua 1 năm triển khai thực hiện (từ ngày 15/10/2018 – 15/10/2019) có 94 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện đăng ký thực hiện các công trình, phần việc dân vận khéo: Xây dựng 18 tuyến đường giao thông nông thôn; 5 cây cầu bê tông; xây mới trụ sở UBND xã, trụ sở ấp, trường học, 47 căn nhà đồng đội, nhà tình thương; trao phương tiện giúp đỡ 100 hộ nghèo và hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo; tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gần 4.000 lượt người… với tổng kinh phí gần 66 tỷ đồng. Kết quả thực hiện “Năm Dân vận khéo” đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của xã, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%; xây dựng nông thôn mới đạt 19/19 tiêu chí…

Tuy nhiên, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện “Năm Dân vận khéo” tỉnh Bạc Liêu cũng thừa nhận, công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy về chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động quần chúng ở một số lĩnh vực còn chưa kịp thời. Một số cấp ủy Đảng, nhất là ở cơ sở vẫn chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận; việc nắm tình hình nhân dân chưa thật sâu sát, cụ thể; việc triển khai một số cuộc vận động, phong trào còn mang tính hình thức, thiếu tính bền vững. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận còn một số hạn chế…

Đi vào chiều sâu

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải gắn với phương châm: Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chính trị xã hội làm nòng cốt; quá trình tổ chức thực hiện phải kiên trì, khéo léo, thuyết phục, giải thích để quần chúng hiểu rõ và thực hiện; dân vận phải được coi là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và của cả hệ thống chính trị; việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Bạc Liêu tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thực hiện “Ngày dân vận khéo”, Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, cần nâng cao hơn nữa chất lượng, đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” đi vào chiều sâu; mỗi cơ quan, đơn vị phải có mô hình, công việc điển hình về dân vận khéo; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gắn việc thực hiện phong trào dân vận khéo với việc thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. UBND tỉnh phải có kế hoạch hàng năm về “Năm dân vận chính quyền”, cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra giám sát để kịp thời uốn nắn những địa phương làm chưa tốt; khắc phục tư tưởng xem công tác dân vận chỉ là công việc của Ban Dân vận. Các cấp ủy, các sở, ban ngành nhân rộng các mô hình hay về dân vận khéo.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện “Năm Dân vận khéo” tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Văn Hòa cũng cho biết: Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời nắm chắc tình hình, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân và chủ động dự báo được tình hình biến động về các mặt đời sống, xã hội của dân trước tác động của quá trình phát triển của tỉnh để chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp trước quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ban Dân vận các cấp tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực công tác và chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở.

Cùng với đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ, công tác dân tộc, công tác tôn giáo... đối với các cấp, các ngành.

Ngoài ra, quan điểm của tỉnh trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng, tập trung vào các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù đông đồng bào dân tộc, tôn giáo; gắn phong trào vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công tác dân vận đi vào chiều sâu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO