Của ăn của để

Hồ Hương 31/01/2021 08:18

5 năm nhìn lại, tới nay nền kinh tế Việt Nam thực sự tốt đẹp, tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, niềm tin được củng cố. Đặc biệt trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 hoành hành, kinh tế thế giới rơi xuống mức tăng trưởng âm 4%, thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%. Nói nôm na thì chúng ta đã có của ăn của để.

Năm 2020 đầy khó khăn nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 2,91%.

Dư nợ công giảm

Nợ công đang chuyển biến tích cực. Căn cứ vào quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, nợ công đã kiểm soát chặt chẽ, dư nợ công từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,8% GDP cuối 2020; nợ chính phủ khoảng 49,6% GDP.

Trong đó chỉ tiêu trần nợ nước ngoài quốc gia so với GDP đến cuối năm 2020 được duy trì trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Nợ nước ngoài của khu vực nợ công (nợ Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh) được kiểm soát chặt chẽ.

Cụ thể, tỷ trọng nợ nước ngoài của khu vực công có xu hương giảm nhanh trong cơ cấu nợ nước ngoài quốc gia, từ 73,6% năm 2010 xuống còn 63,4% năm 2015 và 43,7% năm 2020. Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài của khu vực công cũng được kiểm soát chặt chẽ, từ mức trung bình 13%/năm giai đoạn 2011 -2015 giảm xuống còn khoảng 3%/năm giai đoạn 2016 – 2020, góp phần bồi đắp dư địa chính sách, kiềm chế nghĩa vụ nợ trực tiếp và dự phòng của ngân sách nhà nước. Tất cả làm tăng dư địa cho chính sách tài khóa.

Đồng thời, tốc độ tăng quy mô nợ công giảm từ mức bình quân 18,1%/năm giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 6,6%/năm giai đoạn 2016 - 2020; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ đạt 22,4% so thu ngân sách nhà nước năm 2020, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ năm 2020 là 13,94 năm, đảm bảo duy trì trong giới hạn nợ được Quốc hội cho phép và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Chúng ta đã có một nhiệm kỳ vàng của những thành tựu kép”.

Theo thông tin từ Cục QLN&TCĐN thời gian qua công tác huy động vốn, giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài được thực hiện quyết liệt. Đơn cử trong năm 2020, đã đàm phán 34 hiệp định (5 hiệp định khung và 29 hiêp định vay cụ thể); tính đến tháng 12/2020, thực hiện ký kết 18 hiệp định (trong đó 5 hiệp định khung,13 hiệp định vay), với tổng trị giá gần 1 tỷ 222,7 triệu USD.

Trong năm 2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài rút ra ước đạt 2 tỷ 150 triệu USD (tương đương khoảng 49.775 tỷ đồng), trong đó cấp phát khoảng 1 tỷ 256 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 894 triệu USD.

Bên cạnh đó, công tác cho vay lại cũng được soát chăt, đồng thời kiểm soát bảo lãnh chính phủ (BLCP), với việc đã thực hiện ký được 41 hợp đồng cho vay lại, 19 hiệp định vay phụ với người vay lại, 3 phụ lục sửa đổi, bổ sung hợp đồng cho vay lại; đã hoàn thành và chuẩn bị ký tiếp 12 hợp đồng cho vay lại. Đồng thời, đơn vị đã hoàn thành đối chiếu với 11 cơ quan cho vay lại và ký biên bản xác nhận lịch trả nợ theo từng dự án nhằm đảm bảo sự chuẩn xác của hệ thống số liệu, làm tiền đề cho nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nợ công.

Những kết quả đạt được trong việc kìm nợ công trong năm 2020 cũng như trong cả giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) đã tạo ra dư địa cho chính sách tài khóa có nguồn lực tài chính đảm bảo cho các cân đối lớn.

GDP tăng theo thời gian

Năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP. Năm 2020, tăng trưởng GDP đạt 2,91%

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết năm 2020, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 343 tỷ USD, tăng hơn 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 3521 USD/người.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt bằng 33,5% GDP, đạt mục tiêu bình quân 5 năm (32 – 34% GDP). Cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá chuyển từ thâm hụt sang thặng dư cuối kỳ 5 năm, đặc biệt ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục trong năm 2019 (đạt 10,87 tỷ USD), tạo điều kiện cán cân thanh toán giữ được trạng thái tích cực, góp phần ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Ngành năng lượng cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. An ninh lương thực quốc gia được bảo đảm vững chắc, góp phần quan trọng ổn định kinh tế – chính trị – xã hội và phát triển đất nước, nhất là trong đại dịch Covid-19; tham gia vào nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thế giới.

1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới

Tạp chí The Economist hồi tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.

Tiếp đó, trong tháng 10/2020, IMF cũng đã nhận xét GDP của Việt Nam được cho là chính thức vượt qua Singapore, trở thành 1 trong 4 nước có quy mô GDP cao nhất ASEAN, chỉ sau Philippines (hơn 367 tỷ USD), Thái Lan (hơn 509 tỷ USD) và Indonesia (hơn 1.000 tỷ USD).

Đáng chú ý năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).

Và quan trọng hơn tăng trưởng chuyển dịch theo chiều sâu

Hàm lượng công nghệ, khoa học ngày càng được đưa sâu vào đời sống sản xuất và tiêu dùng.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.

Kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường. Thu NSNN năm 2020 đạt 96% dự toán. Cơ cấu lại NSNN đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011-2015 là 68,7%); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27-28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62-63%. Bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn trước.

Các loại thị trường được vận hành cơ bản thông suốt, bước đầu gắn kết với khu vực và quốc tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án trọng điểm được khởi công… Đời sống nhân dân được nâng cao, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, môi trường kinh doanh được cải thiện.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã có một nhiệm kỳ vàng của những thành tựu kép”.

Theo ông Lộc, Chính phủ đã thiết lập được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định hơn hẳn so với các nhiệm kỳ trước đây. Nước ta đã có “của ăn của để”. Kinh tế vĩ mô ổn định đã tạo dư địa cho các chính sách tài khoá, tín dụng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhờ đó, tổng số doanh nghiệp trong cả nước đã tăng gấp 1,5 lần chỉ trong 5 năm là kỳ tích.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm. Việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập phải là bệ đỡ và phát triển nền kinh tế số phải là đôi cánh để bay lên. Ba mũi giáp công: thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là các khâu đột phá. Doanh nghiệp là lực lượng chủ công. Kinh tế tư nhân là rường cột. Quốc gia khởi nghiệp là hệ sinh thái dẫn đường.

Tốc độ tăng quy mô nợ công giảm từ mức bình quân 18,1%/năm giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 6,6%/năm giai đoạn 2016 - 2020; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ đạt 22,4% so thu ngân sách nhà nước năm 2020... Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết năm 2020, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 343 tỷ USD, tăng hơn 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 3521 USD/người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Của ăn của để

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO