Đã đến lúc xem Covid-19 như một bệnh lý?

NGHĨA TOÀN 03/03/2022 13:50

Liên quan tới diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng BS Đỗ Quốc Phong - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực nội khoa & chống độc - Bệnh viện E, chuyên gia đã cấp cứu và điều trị thành công nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng nguy kịch phải thở máy, lọc máu, chạy tim phổi nhân tạo ECMO.

BS Đỗ Quốc Phong.

PV: Có lẽ câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là liệu Thủ đô đã đến “đỉnh dịch” hay chưa? Nhận định của ông như thế nào?

BS Đỗ Quốc Phong: Tôi cho rằng trong thời gian tới, dịch Covid-19 tại Hà Nội sẽ có xu hướng giảm dần. Tôi lấy một ví dụ nhỏ, đó là những ngày trước đây, gần như mọi thời điểm trong ngày tôi đều nhận được những cuộc điện thoại, những tin nhắn của các F0 cần tư vấn, hướng dẫn về điều trị Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên, những cuộc điện thoại và tin nhắn với nội dung tương tự đang giảm dần.

Đó chỉ là một phép so sánh đơn giản, để phân tích về tình hình dịch bệnh, chúng ta cần hiểu rõ, khi nhắc đến đỉnh dịch, đó là thời điểm số lượng ca mắc tăng cao nhất và sau đó số lượng ca mắc mới sẽ giảm đi. Mỗi một làn sóng dịch thường sẽ có ít nhất 1 đỉnh dịch. Việc giảm số lượng ca mắc mới sau một đỉnh dịch có thể xảy ra do số người trong quần thể đó đã đạt đủ số lượng có miễn dịch bảo vệ hoặc chúng ta đã áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch…

Thêm nữa, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 tại Hà Nội ở mức rất cao nên hoàn toàn có khả năng dịch bệnh sẽ có xu hướng giảm rõ rệt trong thời gian tới.

Một lý do khác nữa, phải chăng sau một thời gian dài phải ứng phó với SARS-CoV-2, người dân cũng đã hiểu rõ hơn về virus này, từ cách phòng ngừa cho đến cách tự cách ly, điều trị khi mắc bệnh, thưa ông?

- Chính xác. Phải khẳng định rằng chúng ta đã làm rất tốt công tác truyền thông để người dân nắm được những kiến thức cần thiết về dịch Covid-19, bằng đủ mọi hình thức. Bộ Y tế cũng có hướng dẫn rất chi tiết về các biện pháp phòng, chống dịch và cập nhật kịp thời phác đồ điều trị cho F0 điều trị tại nhà.

Quan trọng hơn, hiện nay phần lớn người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và chúng ta đang hướng tới 100% người dân trên 18 tuổi tiêm mũi 3.

Khi người dân thấy những người xung quanh mình bị mắc bệnh đa phần là không triệu chứng hay chỉ có triệu chứng nhẹ, họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn, sẽ bớt đi phần nào tâm lý hoảng loạn khi mình trở thành F0 để tập trung hơn trong việc tự cách ly, điều trị.

Tuy nhiên, một số người có quan điểm “yên tâm thái quá” khi cho rằng cứ để mắc Covid-19 coi như là tiêm vaccine mũi 4 thì lại không thỏa đáng. Tốt nhất vẫn là thực hiện thật tốt các biện pháp phòng, chống dịch đã được khuyến cáo.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân Hà Nội . Ảnh: Quang Vinh

Mặc dù vậy, cũng có không ít ý kiến bày tỏ lo lắng về nguy cơ quá tải hệ thống y tế trong trường hợp số ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng cao và hệ quả là số ca trở nặng, số người tử vong cũng sẽ tăng theo, ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

- Thời gian vừa qua, các bệnh nhân Covid-19 tại khu vực Hà Nội cơ bản là không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, hầu hết F0 chỉ có biểu hiện của cảm cúm trong vài ngày sau đó sức khỏe dần ổn định trở lại. Số bệnh nhân diễn biến nặng ở mức rất ít, chủ yếu là những ca diễn biến của bệnh lý nền mà người bệnh mắc trước đó chứ không phải là bệnh lý do Covid-19 gây ra.

Chìa khóa ở đây là tỷ lệ bao phủ của vaccine phòng Covid-19. Việt Nam đang là 1 trong 6 quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ này. Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như hiện nay, cùng với đó là việc phổ cập của thuốc kháng virus Molnupiravir - một phương thức điều trị với giá cả phải chăng, người dân có thể tiếp cận dễ dàng đồng thời, tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều đã được tối ưu hóa để điều trị bệnh nhân Covid-19. Tôi cho rằng mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Thêm một thông tin nữa cần phải chia sẻ, đó là Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng được chữa khỏi cao hàng đầu thế giới. Trong Hội nghị Hồi sức toàn quốc vừa diễn ra, báo cáo của Bệnh viện Bệnh viện đới Trung ương cho thấy, tỷ lệ cứu sống bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch phải thở máy là trên 65%. Đây là tỷ lệ cực cao so với thế giới trong cấp cứu thảm họa. Đối với Covid-19, đây có thể xem như một “tỷ lệ vàng”.

Đó là những tín hiệu đáng mừng khẳng định trình độ và năng lực của ngành Y tế nói chung, cũng như ngành Hồi sức cấp cứu đang đáp ứng rất tốt công tác điều trị người mắc Covid-19 nặng, nguy kịch.

Theo tôi, đã đến lúc coi Covid-19 như một bệnh lý chuyên khoa, như các bệnh lý chuyên khoa khác.

Ông có thể giải thích rõ hơn về nhận định cần xem Covid-19 như một bệnh lý chuyên khoa?

- Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang thực hiện chiến lược chung sống an toàn với Covid-19 chứ không còn là “Zero Covid” như trước đây. Việc vẫn tiếp tục đưa Covid-19 vào danh sách các bệnh lây nhiễm nhóm A là rất tốn kém về nguồn kinh phí phòng, chống dịch, tốn kém cả về nhân lực y tế. Tôi cho rằng cần có những thay đổi phù hợp khi càng ngày chúng ta càng hiểu rõ hơn về SARS-CoV-2 và thực tế, những thay đổi đó đang diễn ra.

Đơn cử, trước đây, quy định đối với nhân viên y tế điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19 là cách ly 14 ngày sau khi hết giai đoạn điều trị bệnh nhân sau đó giảm xuống còn cách ly 7 ngày, đến hiện nay thì chỉ cần nhân viên y tế mang đồ bảo hộ đầy đủ, đạt chuẩn thì sau khi chăm sóc bệnh nhân và thực hiện đúng quy trình vệ sinh thì có thể về nhà bình thường.

Ngoài ra, cũng cần khẳng định là SARS-CoV-2 sẽ không tự nhiên biến mất mà nó còn tồn tại trên trái đất này trong thời gian rất dài nữa. Chúng ta cần những bước chuẩn bị để đặt nó trong tầm kiểm soát. Coi Covid-19 như một bệnh lý chuyên khoa là một trong những giải pháp đó, các bệnh viện có thể thành lập các khoa điều trị riêng về Covid-19, cũng giống như một khoa điều trị bệnh lây nhiễm bình thường như trước đến nay đã tồn tại trong mỗi bệnh viện. Khi đó, Covid-19 sẽ là một căn bệnh dễ lây qua đường hô hấp, và có triệu chứng của cúm.

Đó là một sự thay đổi phù hợp xu thế khi đã hiểu rõ hơn về virus và nắm trong tay “chìa khóa” là vaccine phòng Covid-19.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã đến lúc xem Covid-19 như một bệnh lý?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO