Đặc sắc mặt nạ tuồng

Hạnh Đào 09/12/2020 10:00

Nhiều người tự hỏi: Vì sao các nghệ sĩ tuồng luôn hóa trang hoặc đeo những chiếc mặt nạ nhiều màu sắc?  Và họ làm ra chúng bằng cách nào?

Có thể nói, trong các loại hình sân khấu thì hóa trang của tuồng là cầu kỳ nhất, mang tính ước lệ rất cao. Đặc biệt là với khuôn mặt của người diễn viên: Họ hóa thân vào nhân vật qua lớp mặt nạ.

Nghệ sĩ tuồng Nguyễn Kim Kê (Hà Nội) và bộ sưu tập mặt nạ tuồng cổ.

Những ai đã từng một lần ghé lại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (thành lập năm 1980) sẽ rất ngạc nhiên, thích thú về những chiếc mặt nạ tuồng, trong số hơn 10.000 hiện vật về lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người Bình Định.

Tại bảo tàng, có nhiều hiện vật độc đáo từ thời văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, thời Tây Sơn, thời kỳ kháng chiến đến thời hiện đại. Đặc biệt, bảo tàng trưng bày bộ ba mặt nạ lớn nhất Việt Nam theo phong cách tuồng Bình Ðịnh, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập: Cao 3 mét, rộng 2,1 mét. Ngoài bộ ba mặt nạ khổng lồ ở bên ngoài, còn có 30 mặt nạ nhỏ được bày trong gian phòng, cùng những đạo cụ khác như binh khí, nhạc cụ, tượng danh nhân Đào Tấn - người hệ thống bài bản tuồng Bình Định.

Bình Định được coi là chiếc nôi sản sinh nghệ thuật tuồng (còn gọi là hát bội hay hát bộ). Nghệ thuật hát bội Bình Định được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Trong nghệ thuật tuồng, mặt nạ có vị trí đặc biệt, trước hết và quan trọng nhất khi nó thể hiện tính cách, vị trí xã hội của nhân vật. Trong nghệ thuật tuồng truyền thống xứ Huế, thì mặt nạ có 3 màu chủ đạo là đen - đỏ - trắng; còn những màu xanh, xám… mang tính phụ trợ. Mỗi tông màu lại gắn với từng mô-típ nhân vật cụ thể, như: mặt đen - đại diện cho sự rắn chắc; mặt trắng - sự bạc bẽo; mặt mốc - là kẻ xu nịnh, phản trắc; mặt rằn - người tính tình nóng nảy; mặt đỏ - người trung kiênnghĩa khí...

Theo nghệ nhân La Nguyên, người cả đời gắn bó với nghệ thuật tuồng xứ Huế, khi vẽ mặt nạ tuồng, ngoài những quy định chung về tính cách và xuất xứ của nhân vật, nó còn có sự thay đổi, biến chuyển theo thời điểm, tùy tình thế. Như những nhân vật sống ở miền sông nước hay ở biển đều được gọi là kép sông, kép nước chứ không gọi là kép biển. Tuy ở sông hay ở biển đều là kép nước, nhưng nhân vật ở biển thì phải kẻ mặt màu đỏ, còn ở sông thì phải màu xám. Người xưa cho rằng, nhân vật ở biển chịu nắng nên mặt phải màu đỏ, còn nhân vật sinh sống gần sông, đôi khi, đôi lúc còn được ở chỗ râm, mát nên màu da của nhân vật không thể giống như người miền biển được.

Một số mặt nạ tuồng do họa sĩ Nguyễn Ngọc Linh (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) sáng tạo.

Nghệ nhân La Nguyên cũng cho biết, khi đã theo nghiệp tuồng, tất cả các diễn viên đều phải học vẽ mặt nạ. Trước tiên, bản thân người học phải tự nhớ, tự học màu sắc và thứ tự, chi tiết các bước vẽ, rồi tự mày mò, tìm tòi vẽ theo các vai mà các nghệ nhân đã vẽ. Người học phải tự bắt chước chứ không được chỉ vẽ cụ thể phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu… Nhưng đều phải tuân thủ quy ước chung về nhân vật. Ví dụ như người xưa căn cứ vào diện mạo cho rằng “những người ti hí mắt lươn, trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người”, “Đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà” hay “Râu rìa, lông ngực đôi bên, Chẳng phường phản bạn, cũng tên nịnh thần”…

Nói tóm lại, tính ước lệ trong khi trang điểm khuôn mặt của diễn viên tuồng bắt đầu từ quan niệm truyền thống về những loại người khác nhau trong xã hội đã được khái quát hóa thành nhân vật trong nghệ thuật. Mà điều đó bắt buộc người theo nghiệp tuồng phải nắm vững.

Chính từ uy ước ấy, theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật tuồng thì về cơ bản, cách hoá trang mặt nạ tuồng ở ba miền Bắc - Trung - Nam đều giống nhau về việc sử dụng các gam màu vào tính cách của nhân vật. Tuy rằng ảnh hưởng từ văn hóa đặc trưng của vùng miền, nên mỗi nơi có cách thể hiện nét vẽ khác nhau.

Đi vào chi tiết, người ta phân ra một số dạng nhân vật để từ đó có mặt nạ phù hợp. Ví dụ, với kép con: Trong tuồng chỉ dành cho những người nhỏ tuổi và có thiên hướng trở thành những kẻ trung.Vì các họa tiết trên khuôn mặt kép con không nhiều nên đôi mắt là điểm nhấn lớn nhất của nhân vật này.

Có thể lấy ví dụ từ nhân vật Phàn Diệm (con Phàn Định Công) trong vở “Sơn Hậu” làm ví dụ. Với kép nịnh, thì đó là kẻ tiểu nhân, chuyên luồn cúi để thăng tiến và dèm pha trung thần, nên mặt nạ cũng phải thể hiện được tính ti tiện của nhân vật. Hay là với kép núi: Nhân vật này thường là người của triều đình cử lên núi học đạo và khi xuống núi thì đã thành tài.

Điểm nổi bật nhất của kép núi là đôi mắt được vẽ như đầu hai con chim, tạo thành hình khối rất đặc biệt. Hay là kép văn thì thường có màu mặt hồng, thể hiện tính tình điềm đạm hiền hòa, đối lập với sự nóng nảy bộc trực của kép võ với khuôn mặt đỏ rực. Đường nét trên gương mặt kép văn cũng mềm mại, không cường điệu như kép võ.

Nhưng, có lẽ trong nghệ thuật mặt nạ tuồng, thì nhân vật kép võ (hay còn gọi là quan võ) được vẽ mặt đặc biệt nhất. Kép võ là nhân vật đại diện cho sức mạnh và sự trung thành, nên bao giờ cũng có bộ mặt rực đỏ nhằm sự thể hiện bộc trực của lòng trung và tính tình nóng nảy. Nếu đặc trưng của mặt tuồng là đôi mày và đuôi mắt được trang điểm xếch ngược thì đôi mắt của kép võ mang đậm đặc trưng này nhất.

Khi đã hiểu cơ bản về mặt nạ thì ta sẽ thích thú hơn khi thưởng thức một vở tuồng dài, hay chỉ gói lại trong một trích đoạn ngắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặc sắc mặt nạ tuồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO