Đại biểu Quốc hội lo ngại Nhà nước sẽ 'chảy máu' nguồn lực đất đai

Mai Loan 10/01/2022 11:55

Quốc hội chưa nên sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (tức là sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) như đề xuất hiện nay của Chính phủ.

Ngày 11/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Một trong những nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến là việc Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (tức là sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).

ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75, tức là sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở thực chất là mở rộng quyền cho người sử dụng đất hợp pháp, giải quyết nhanh việc công nhận chủ đầu tư nhưng hậu quả có thể gây ra thất thoát.

Ông Cường đưa ra dẫn chứng, khi được công nhận chủ đầu tư và thực hiện thủ tục chuyển đổi sử dụng đất thì chỉ cần trả khoản tiền bằng cách lấy giá đất trong bảng giá nhân hệ số K thì dù có chuyển đổi đất giữa Bờ Hồ Hà Nội hay trên đường Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh cũng chỉ 312 triệu đồng/1m2, sẽ gây thất thoát nguồn lực của nhà nước, do dó nên cân nhắc, và nếu sửa thì phải ghi cụ thể tính tiền đất theo giá thị trường.

ĐBQH Ngô Trung Thành phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

Còn ĐB Ngô Trung Thành cho rằng, vấn đề này lại không hề đơn giản, do đó cần xem xét thấu đáo, đánh giá kỹ tác động, nhất là những tiêu cực có thể xảy ra. Bởi nếu thực hiện đấu giá và đấu thầu thì giá trị địa tô mang lại cho Nhà nước là rất lớn.

Cụ thể như ở Thủ Thiêm vừa qua đấu giá 1 ha đất đem lại 24.500 tỷ đồng, trong khi nếu chuyển đổi thông thường và chủ đất nộp tiền chuyển đổi cao nhất khoảng 100 triệu đồng/1m2 thì ngân sách chỉ thu khoảng 1.000 tỷ đồng, chưa bằng số lẻ từ đấu giá.

Theo ông Thành: Theo dự thảo trên dẫn đến chênh lệch địa tô cơ bản thuộc về chủ dự án là không hợp lý. Đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước cho phép chuyển đổi làm cho giá trị đất tăng lên rất lớn thì chênh lệch địa tô cơ bản phải thuộc nhà nước, thuộc về nhân dân.

“Sửa theo hướng trên có thể giải thoát cho dự án nhưng lợi cho chủ dự án, cho người gom đất, còn nhà nước sẽ “chảy máu” nguồn lực đất đai”, ông Thành băn khoăn và cho rằng, sửa đổi theo hướng trên thì người nào gom được nhiều đất thì khả năng cao sẽ được chấp nhận đầu tư có thể dẫn đến trình trạng gom đất, đẩy giá đất lên cao, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, khiếu tại tố cáo do sự chênh lệch giá bồi thường và giá thực tế.

Từ thực tế đó, ông Thành đề nghị, Quốc hội tạm thời chưa nên sửa khoản này như đề xuất, đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh giá tác động, xử lý cho được chênh lệch địa tô trong Luật Đất đai để tháo gỡ vướng mắc và phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng đất.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao đổi với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quang Vinh.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài trao đổi với ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao đổi với ĐBQH Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại biểu Quốc hội lo ngại Nhà nước sẽ 'chảy máu' nguồn lực đất đai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO