Đại biểu 'truy' trách nhiệm điều hành giá xăng dầu

H.Vũ 17/03/2022 06:08

Ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn trước Quốc hội về công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Rất nhiều vấn đề “nóng” đã được Bộ trưởng giải đáp.

“Chọn giảm sắc thuế nào thì liên Bộ đã cân nhắc, báo cáo Chính phủ. Nếu chọn giảm loại thuế khác, thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải tới tháng 5 mới có thể thông qua, rồi đợi Nghị quyết Quốc hội có hiệu lực cũng phải tới tháng 6, 7, trong khi diễn biến giá thế giới thay đổi liên tục”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Ảnh: Quang Vinh.

Nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí

Liên quan đến công tác điều hành giá xăng dầu được coi là “điểm nóng” trong thời gian qua, đại biểu Trần Văn Sáu, (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề: Vì sao giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới biến động mạnh 44-60%, nhưng giá trong nước chỉ tăng 25-40%. Quá trình điều hành giá xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó ai gánh chịu?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới do chủ yếu sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn giá như quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tại nhiều kỳ điều hành, nhà điều hành đã trích 500-1.500 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại. Nếu không trích quỹ này chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới. Trong cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước thì việc duy trì quỹ bình ổn rất quan trọng, nhưng quỹ có hạn, nhất là tại nhiều doanh nghiệp quỹ đã âm lớn.

“Khi quỹ này không còn nhiều, liên bộ đã đề xuất và Chính phủ có Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu chính sách này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 tới thì hy vọng giá sẽ giảm.

Tuy nhiên, nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao sẽ nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí khác. Hết công cụ thuế phí mà giá vẫn cao, thì có thể đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh hỗ trợ các đối tượng nghèo, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu”, Bộ trưởng Diên cho hay.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đặt câu hỏi: Ngoài quỹ bình ổn giá thì Bộ trưởng đề xuất giải pháp gì để quản lý tốt hơn số lượng xăng dầu đưa ra thị trường? Bộ trưởng Diên cho biết, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu có thể tăng cường hơn nữa quỹ bình ổn xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ; tham mưu với cấp có thẩm quyền để vừa nâng quy mô của quỹ bình ổn, xem xét tạo nguồn quỹ này như thế nào, từ ngân sách hay là việc trích lập trên mỗi lít xăng dầu để có thể có được nguồn Quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường.

“Nghiên cứu giảm thuế để giúp giảm giá xăng dầu là hợp lý, giảm bớt áp lực giá cho người tiêu dùng. Nhưng nếu chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu là chưa thực sự hợp lý?”, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội).
Ảnh: Quang Vinh.

Rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề: Việc điều hành giá xăng dầu 10 ngày là chưa phù hợp, khi giá thế giới giảm thì trong nước chưa giảm theo. Vậy có nên rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu hay không?

Trả lời, Bộ trưởng Diên cho rằng, điều hành giá 10 ngày một lần thì phù hợp với chu kỳ hạch toán của doanh nghiệp. Theo Nghị định 95, nếu giá biến động quá lớn thì liên Bộ tham mưu cho Chính phủ điều hành kỳ dày hơn. Nhưng thực tế trong điều hành thì phải cân đối lợi ích ba bên là người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Điều hành dày hơn doanh nghiệp đỡ khó khăn nhưng người dân lại khổ.

Trả lời đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) về việc “nghiên cứu giảm thuế hiện nay để giúp giảm giá xăng dầu là hợp lý, giảm bớt áp lực giá cho người tiêu dùng. Nhưng nếu chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu là chưa thực sự hợp lý?”, Bộ trưởng Diên cho biết: Chọn giảm sắc thuế nào thì liên Bộ đã cân nhắc, báo cáo Chính phủ. Nếu chọn giảm loại thuế khác, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải tới tháng 5 mới có thể thông qua, rồi đợi Nghị quyết Quốc hội có hiệu lực cũng phải tới tháng 6, 7.

“Trước diễn biến giá thế giới thay đổi liên tục, để xử lý tình huống hiện tại thì nhanh nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường, do đây là thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”-ông Diên cho hay.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Giảm thuế chỉ là một trong nhiều giải pháp

Trả lời thêm về cơ cấu giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Với giá xăng dầu thành phẩm 130 USD một thùng xăng RON92 thì giá cơ sở là 18.855 đồng/lít, và thuế nhập khẩu 8% là 1.508 đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt 10% là 2.036 đồng và chi phí định mức 6% là 1.050 đồng; lợi nhuận định mức là 300 đồng, trích quỹ bình ổn giá là 300 đồng, thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng; và thuế VAT là 2.805 đồng. Do đó khi giá dầu thô 130 USD/thùng thì giá cơ sở đã là 30.800 đồng/lít.

Theo ông Phớc, tỷ lệ thuế trên giá xăng dầu là 33,5%. Cho nên phương án giảm thuế cũng chỉ là một trong rất nhiều giải pháp đồng bộ khác. Khi dầu thô tăng lên, thì nền kinh tế bị thiệt hại bởi giá dầu càng tăng, sản xuất càng đình trệ. Vì vậy liên bộ sẽ tham mưu một số giải pháp linh hoạt để đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu xăng dầu và giảm thuế bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đấu giá 100 triệu lít xăng dầu dự trữ quốc gia như thế nào?

Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương làm rõ việc: Có dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông xăng dầu không? Có lẫn lộn trong việc dự trữ này không? Chủ trương đấu giá 100 triệu lít xăng dầu dự trữ quốc gia như thế nào?

Bộ trưởng Diên cho biết: Về quy định dự trữ quốc gia, chúng ta bây giờ có đủ lượng dự trữ từ 5-7 ngày, với lượng tiêu thụ mỗi tháng từ 1,8-1,9 triệu m3. Hiện quốc gia chưa có hệ thống kho dự trữ riêng mà giao việc dự trữ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối. Đây là cơ chế bất hợp lý.

Ông Diên cho biết, Bộ Công thương đã và đang có lộ trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ này, đồng thời xem xét có thể đề xuất mức dự trữ cao hơn nữa để tránh khi bất trắc, có thể dự trữ được một vài tháng. Cũng theo ông Diên, việc đấu giá 100 triệu lít dầu, Bộ Công thương được giao chuyển đổi nguồn dự trữ từ xăng RON 92 sang xăng RON 95. Việc đấu giá thực chất là chuyển đổi nguồn xăng thông dụng hơn, khi bán đấu giá minh bạch có sự giám sát của các bộ, ngành liên quan.

Xuất hiện tình trạng pha chế làm giả xăng dầu

Giải trình thêm tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Thời gian qua xuất hiện tình trạng các đối tượng tập trung hoạt động đầu cơ xăng, dầu, “găm hàng” chờ lên giá, xuất lậu, nhập lậu; pha chế làm giả xăng dầu, tuồn ra thị trường để tiêu thụ. Bộ Công an đã nỗ lực đấu tranh vụ sản xuất xăng giả ở Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai. Để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các vi phạm, tội phạm phát sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu để chủ động sẵn sàng tấn công, trấn áp.

Nâng cao trách nhiệm của Bộ Công thương

Là người chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá: Trong trả lời, dù Bộ trưởng có đưa ra các giải pháp nhưng cá nhân tôi cảm thấy chưa hài lòng lắm. Bộ trưởng cho rằng xăng dầu chúng ta còn lệ thuộc vào xăng dầu quốc tế. Tuy nhiên giá xăng trên thế giới điều chỉnh hàng ngày nhưng chúng ta 10 ngày mới điều chỉnh. Như vậy là trễ so với giá quốc tế. Cho nên nhiều đại lý và nhà phân phối ngại tung hàng ra thị trường, sợ bán ra thì lỗ, cho nên đã “găm hàng”. Vậy trách nhiệm của Bộ Công thương như thế nào để điều chỉnh giá xăng dầu? Giải pháp đưa ra trong thời gian tới để làm sao bình ổn và hạ giá xuống thấp!?

Là người chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội lại cho rằng, các giải pháp mà Bộ trưởng Diên đưa ra cũng là phù hợp với tình hình hiện nay. Quan trọng là quá trình tổ chức thực hiện. Vì giá xăng dầu thế giới lên cao, chúng ta điều tiết làm sao để giá xăng dầu bám sát thị trường thế giới nhưng không tạo thành “cú sốc”. Bởi không thể ghìm giá xăng dầu trong nước quá thấp để hỗ trợ mà tạo chênh lệch với thị trường thế giới quá lớn. Đất nước đã hội nhập, giá thị trường toàn cầu phải thống nhất và ta cũng phải chấp nhận cuộc chơi. Nếu đòi hỏi giá thấp xuống trong khi giá xăng dầu thế giới lên cao là khó vì giá cả phải ổn định tương đối. Quỹ bình ổn phải tạo ổn định trong thời gian tương đối để tránh những “cú sốc” cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại biểu 'truy' trách nhiệm điều hành giá xăng dầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO