Đại dịch sẽ theo hướng nào sau Omicron?

Mai Phương 08/01/2022 07:38

Một số nhà khoa học cho rằng sự xuất hiện cùng những tính năng khác biệt của biến thể Omicron đang báo trước xu hướng thoát khỏi đại dịch kéo dài hai năm qua và chuyển sang một giai đoạn mới, ít nguy hiểm hơn.

Với sự xuất hiện của biến thể Omicron, xu hướng của đại dịch trong năm 2022 sẽ có thay đổi.

Đếm ca không còn quan trọng

Ngày 7/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca mắc mới Covid-19 trên toàn cầu tăng sốc tới 71% trong tuần vừa qua so với tuần trước đó, nhưng số ca tử vong mới do dịch bệnh này giảm 10%.

Con số này đã đặt ra một câu hỏi rằng, liệu việc đếm số ca bệnh Covid-19 có còn quan trọng trong tình hình hiện nay, khi biểu đồ của số ca mắc và ca tử vong đang đi theo hai hướng đối nghịch.

Sự gia tăng bùng nổ về số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đang làm dấy lên báo động, nhưng một số chuyên gia tin rằng thay vào đó, trọng tâm nên tập trung vào các trường hợp nhập viện vì Covid-19 vì những trường hợp này không tăng nhanh.

Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, các trường hợp nhiễm biến thể Omicron ít hoặc không có triệu chứng, vì vậy “việc tập trung vào số ca nhập viện có liên quan hơn nhiều so với tổng số ca bệnh”. Tuy nhiên, vẫn có một số chuyên gia khác cho rằng, việc quan tâm đến số lượng các ca nhiễm vẫn có giá trị.

Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng, những con số trên đang phản ánh hiệu quả liên tục của vaccine trong việc ngăn chặn các ca bệnh nặng, thậm chí chống lại Omicron, cũng như khả năng biến thể này không khiến hầu hết mọi người bị ốm như các phiên bản trước đó.

Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giám đốc ICAP, một trung tâm y tế toàn cầu tại Đại học Columbia, cho rằng, số ca mắc bệnh dường như không phải là con số quan trọng nhất hiện nay. Thay vào đó, ở giai đoạn này của đại dịch, Mỹ nên “chuyển trọng tâm trung vào việc ngăn ngừa bệnh tật và các ca tử vong”.

Số lượng ca bệnh hàng ngày và những thăng trầm của chúng là một trong những biểu đồ được theo dõi chặt chẽ nhất trong thời gian bùng phát đại dịch và là dấu hiệu cảnh báo sớm đáng tin cậy về các ca bệnh nặng và tử vong trong các làn sóng dịch bệnh trước đó. Nhưng chúng từ lâu đã được coi là một biện pháp không hoàn hảo, một phần vì chúng chủ yếu gồm các trường hợp mắc Covid-19 được phòng thí nghiệm xác nhận, chứ không phải số ca nhiễm thực tế. Thực số các ca nhiễm mới gần như chắc chắn là cao hơn nhiều lần.

Hơn nữa, số lượng ca mắc hàng ngày cũng có thể thay đổi bất thường. Các trường hợp mới được ghi nhận vào đầu tuần qua đã lên đến con số chưa từng thấy 1 triệu, nó là kết quả của việc báo cáo chậm trễ do tuần nghỉ lễ. Nhưng cũng có thể, con số các ca mắc bệnh cũng vẽ nên một bức tranh ít hữu ích hơn về đại dịch với sự xuất hiện của biến thể Omicron, thứ đang gây ra rất nhiều ca lây nhiễm nhưng cho đến nay, ảnh hưởng của nó có vẻ không nghiêm trọng.

“Sống chung” với Omicron?

Nam Phi là một trong những nơi đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron vào cuối tháng 11 năm ngoái. Kể từ đó, các chuyên gia y tế đã phân tích về làn sóng Omicron để hiểu cách thức biến thể này có thể lan ra khắp thế giới. Dù không thể so sánh với châu Âu về điều kiện y tế, nhưng khi các ca nhiễm bùng phát ở châu Phi, vẫn không có sự gia tăng lớn về số ca tử vong. Trái ngược với những làn sóng Covid-19 trước đó, Nam Phi không cần áp đặt thêm các lệnh phong tỏa ngay cả khi Omicron tăng mạnh. Cho đến nay, cách tiếp cận đó đã mang lại hiệu quả.

Do đó, các nhà khoa học đã nói về khả năng đại dịch sắp kết thúc, với việc Covid-19 trở thành "đặc hữu", lây nhiễm tự do nhưng ít gây ra mối đe dọa cho xã hội. Đây là quan điểm của nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới về Covid-19.

Phát biểu hồi tháng 12/2021, bà Kerkhove dự đoán, thế giới sẽ trải qua một thời kỳ chuyển giao dài trước khi đại dịch kết thúc, “bệnh đặc hữu không có nghĩa là không nguy hiểm”.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa có sự thống nhất về việc đại dịch sẽ tiến triển như thế nào, hay thậm chí là việc sống chung với một loại virus đặc hữu sẽ ra sao. Martin McKee, giáo sư y tế công cộng tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, cho biết, đeo khẩu trang có thể vẫn là biện pháp phổ biến ở châu Âu, vì chúng đã tỏ ra hiệu quả ở châu Á trong suốt mùa dịch cúm.

Tuy nhiên, ông McKee cảnh báo rằng không có sự đồng thuận khoa học về việc liệu biến thể Covid-19 tiếp theo sẽ ít gây chết người hơn hay không: "Nó có thể tiếp tục phát triển và một lần nữa trở nên nguy hiểm hơn". Một nhóm các nhà khoa học ở Thụy Điển chia sẻ nỗi sợ hãi: "Để dịch bệnh lây lan quy mô lớn giống như việc mở hộp Pandora. Chúng tôi hầu như chưa phát hiện ra biến thể cuối cùng".

Ông David Heymann, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh & Y học nhiệt đới London, kết luận rằng, luôn có khả năng xuất hiện biến thể nguy hiểm mới. Ông cũng lưu ý thêm, mức độ miễn dịch cộng đồng cao ở Anh có thể mở ra cách tiếp cận khác. Thay vì các quyết định như phong tỏa, mọi người nên chú ý đến nguy cơ lây nhiễm của bản thân.

Ông Flemming Konradsen, giáo sư về sức khỏe môi trường toàn cầu tại Đại học Copenhagen, hy vọng rằng, châu Âu sẽ chuyển sang giai đoạn khác vào cuối tháng 2/2022. Ví dụ tại Đan Mạch, sự lây lan nhanh chóng của Omicron có nghĩa là đa số mọi người sẽ bị nhiễm, hoặc được tiêm phòng. Và điều đó sẽ làm cho căn bệnh này trở nên hoàn toàn khác. Mọi người vẫn sẽ bị ốm nhưng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng sẽ chỉ tập trung ở những nơi như viện dưỡng lão và bệnh viện.

Ngày 7/1, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, biến thể Omicron dường như gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với chủng Delta chiếm ưu thế trên toàn cầu, nhưng không nên được phân loại là "nhẹ". Để đối phó với diễn biến hiện tại, ông Tedros cũng nhắc lại lời kêu gọi của mình về sự bình đẳng hơn trên toàn cầu trong việc phân phối và tiếp cận vaccine.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại dịch sẽ theo hướng nào sau Omicron?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO