Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển

Khánh Ly (thực hiện) 20/09/2019 07:30

Là huyện đảo xa xôi của Tổ quốc, dù gặp không ít khó khăn tuy nhiên chúng tôi đã và đang rất nỗ lực tạo mọi điều kiện, giúp đỡ người dân để Trường Sa trở thành chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, tiếp tục khẳng định chủ quyền Tổ quốc - Đó là chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện đảo Trường Sa Lương Quốc Anh với PV báo Đại Đoàn Kết.

Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển

Ông Lương Quốc Anh.

PV:Ông có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi về Thủ đô dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX này?

Ông Lương Quốc Anh: Tôi rất vinh dự vì được thay mặt quân dân huyện đảo Trường Sa về dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX này. Sự có mặt của đại diện đến từ Trường Sa là bằng chứng sinh động về sự quan tâm của UBTƯ MTTQ Việt Nam với tỉnh Khánh Hòa và của Đảng bộ, nhân dân, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Khánh Hòa đối với huyện đảo Trường Sa. Chúng tôi sẽ đem hết tinh thần trách nhiệm của mình góp phần vào sự thành công của Đại hội. Chúng tôi sẽ lĩnh hội nội dung của Đại hội để khi về cơ sở sẽ áp dụng để mang lại hiệu quả cao nhất; với mục tiêu tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở đơn vị, địa phương mình, để xây dựng niềm tin của cán bộ chiến sĩ, nhân dân, ngư dân đánh bắt hải sản trên quần đảo Trường Sa. Qua đó, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước vào sự chung tay trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Làm công tác Mặt trận vốn đã không dễ. Trong khi đó cá nhân ông lại nhận nhiệm vụ tại vùng đặc thù như Trường Sa, chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn?

- Huyện đảo Trường Sa là đơn vị hành chính ở xa đất liền và rất rộng. Làm công tác Mặt trận ở vùng miền khác chắc hẳn cũng có nhiều cái khó, nhưng không đặc thù như ở Trường Sa. Chẳng hạn, với công tác vận động quần chúng, tăng cường khối đại đoàn kết với cán bộ chiến sĩ và nhân dân đóng quân trên đảo thì không khó. Nhưng để tuyên truyền, vận động cho ngư dân đang đánh bắt trên biển, họ là người đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau cho nên cần có chính sách khá đặc thù.

Để xây dựng khối cộng đồng, khối đại đoàn kết đây không chỉ là việc riêng của cán bộ, chiến sĩ, của nhân dân trên đảo mà còn của ngư dân đánh bắt hải sản ở Trường Sa để tạo ra sự tin tưởng, vững tin vào Đảng, Nhà nước cũng như khẳng định chủ quyền trên vùng biển đảo của Tổ quốc. Cái khó ở đây chính là mình làm thế nào để gửi thông tin đến tất cả mọi người để có sự kết nối giữa các lực lượng cùng thực hiện các nhiệm vụ trên đảo. Cho nên phải có cách tuyên truyền, vận động đặc thù, phù hợp.

Hiện nay đảo đã có tivi, có radio để kết nối, tuyên truyền thông tin từ Trung ương đến địa phương. Như vậy, người dân trên đảo cũng như ngư dân ở ngoài khơi nắm được những chính sách của Đảng, Nhà nước, MTTQ. Ngoài ra, tại quần đảo Trường Sa chúng tôi luôn tổ chức hỗ trợ khám sức khỏe, hỗ trợ các vấn đề khác cho các ngư dân đánh bắt hải sản ở khu vực quần đảo Trường Sa. Qua mỗi dịp ngư dân cập tàu vào đảo để thăm khám bệnh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo sẽ trực tiếp tuyên truyền đường lối chính sách cho bà con, nhất là chấp hành pháp luật về đánh bắt hải sản. Thông qua việc tuyên truyền trực tiếp ấy bà con rất yên tâm đến với đảo, yên tâm vươn khơi bởi đây là chỗ dựa vững chắc cho bà con bám biển.

Quân và dân trên đảo là những người có bản lĩnh chính trị rất vững vàng, đây là thế mạnh, là cơ sở nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Qua kỳ Đại hội này, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh để củng cố xây dựng niềm tin của cán bộ, chiến sĩ quân dân trên đảo, với bà con ngư dân đánh bắt hải sản để khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo.

Cá nhân ông kỳ vọng gì ở Đại hội MTTQ Việt Nam kỳ này?

- Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mong muốn có chương trình hành động cụ thể để giúp đỡ nhân dân đánh bắt hải sản tại khu vực quần đảo Trường Sa, từ đó tạo niềm tin xây dựng khối đại đoàn kết không riêng gì quân và dân mà còn cả ngư dân nữa.

Để Trường Sa gần hơn với đất liền, ngoài việc hỗ trợ ngư dân bám biển theo ông cần thêm những điều kiện gì?

- Ngoài sự hỗ trợ về chính sách, về cơ sở vật chất, hỗ trợ cho ngư dân bám biển chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Như tôi đã chia sẻ ở trên, Trường Sa có tính đặc thù thế nên công tác tuyên truyền của MTTQ trên các phương tiện thông tin đại chúng rất có ý nghĩa, đây chính là kênh để tiếng nói MTTQ từ Trung ương đến địa phương được lan tỏa.

Thưa ông, không chỉ tạo khối đoàn kết vững chắc đối với những người Việt Nam sinh sống tại quần đảo Trường Sa, mà ở đó, chúng ta đang làm rất tốt nhiệm vụ quốc tế cao cả đó là cứu hộ, cứu nạn với những công dân nước bạn gặp nạn?

- Cứu hộ, cứu nạn ở Trường Sa với ngư dân nước bạn là việc làm thường xuyên, liên tục. Ai gặp nạn chúng tôi cũng cứu chứ không chỉ giúp riêng ngư dân trong nước. Điều này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với ngư dân các nước trong khu vực bị thiên tai vào quần đảo của ta tránh, trú.

Tôi còn nhớ đúng vào sáng mùng 1 Tết 2016, một người Philippines ôm một mảng bè nhỏ, bị trôi dạt 3 ngày trên vùng biển thuộc đảo Sinh Tồn. Khi anh em phát hiện, bằng mọi biện pháp, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ được ngư dân này. Sau khi người này hoàn toàn bình phục, chúng tôi đã thông qua đường ngoại giao đưa họ trở về đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO