Hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2019-2024: Hướng đến sự hài lòng của người dân

Tuệ Phương (thực hiện) 26/05/2019 07:30

Từ khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của tỉnh Ninh Bình đã thay đổi rõ rệt, nhận thức của người dân được nâng lên, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát huy, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững.

Đó là khẳng định của ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình với PV báo Đại Đoàn Kết.

PV: Được biết, tỉnh Ninh Bình là một trong những tỉnh đưa ra lộ trình xây dựng NTM phù hợp với địa phương, trong đó chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Xin ông cho biết những đặc điểm nổi bật trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là gì?

Ông Đỗ Việt Anh: Đối với MTTQ tỉnh Ninh Bình, sau khi Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo, giai đoạn 2010-2020, Mặt trận các cấp đã tham gia đóng góp vào việc khảo sát và hoàn thành quy hoạch chung của đề án xây dựng NTM đối với các xã làm điểm và ở các địa phương. Phát huy mọi khả năng và sự tham gia của người dân với tinh thần lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân, tạo động lực cho việc thực hiện xây dựng NTM, hệ thống MTTQ các cấp đã tổ chức hướng dẫn Ban CTMT ở KDC tổ chức các hội nghị để nhân dân tham gia đóng góp xây dựng quy hoạch, trên cơ sở đó vận động bà con nhân dân góp công, góp sức, hiến kế, hiến đất, hiến công trình của gia đình... để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, kênh mương nội đồng. Đặc biệt, trong 2 năm đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, MTTQ các cấp phối hợp vận động đóng góp của nhân dân 138,9 tỷ đồng, trong đó, có 8.932 hộ ở 62 xã hiến gần 30,2 ha đất; 22.080 hộ dân đóng góp bằng tiền mặt, công lao động, nguyên vật liệu... trị giá 84,4 tỷ đồng; có 1.073 cá nhân là những “mạnh thường quân” ở các địa phương đóng góp tổng trị giá 21,8 tỷ đồng để xây dựng NTM.

Hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2019-2024: Hướng đến sự hài lòng của người dân

Ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình.

Từ năm 2016, MTTQ tỉnh đã triển khai lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM tại 02 huyện và thành phố đạt chuẩn đó là Hoa Lư, Yên Khánh, thành phố Tam Điệp. Kết quả trên 90% hộ gia đình hài lòng với kết quả xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Từ chương trình quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Ninh Bình đã có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao; cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp chuyển biến rõ nét. Điều đáng nói là một số tồn tại của giai đoạn trước như nợ đọng trong xây dựng cơ bản, chạy theo thành tích, lãng phí trong đầu tư hạ tầng đã phần nào được khắc phục. Quá trình xây dựng NTM đã và đang đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hướng tới sự hài lòng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nhiều địa phương cho rằng, xây dựng NTM chỉ là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm… nhưng cái quan trọng nhất là phải thay đổi được tư duy làm ăn thì lại chưa được chú ý tới. Câu chuyện này có đang xảy ra tại tỉnh Ninh Bình hay không?

- Hiện nay, trong xây dựng NTM, ở nhiều địa phương vẫn còn tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường… Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhiều năm qua cũng có tình trạng này. Nguyên nhân cơ bản là do nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo tại các địa phương và đại bộ phận nhân dân chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn tư tưởng nóng vội, chạy theo phong trào, chạy theo thành tích. Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế đó, tỉnh Ninh Bình đã và đang từng bước khắc phục khó khăn, trong đó sẽ chú trọng đến sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân bằng việc đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, gắn sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nâng cao thu nhập cho người nông dân…

Trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh Ninh Bình đã gặt hái không ít thành công nhưng chắc hẳn khó khăn gặp phải là không ít, thưa ông?

- Bên cạnh kết quả đạt được như trên, trong quá trình xây dựng NTM cũng nảy sinh một số khó khăn, bất cập như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang trong quá trình triển khai nên chưa thực sự hoàn chỉnh; môi trường nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm; nông nghiệp nông thôn tuy có sự phát triển đáng kể nhưng chưa bền vững, chưa tận dụng, phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ. Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng còn thấp, trong khi công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề phát triển còn chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Ngoài ra, một số tiêu chí chỉ đánh giá định tính nên chất lượng tiêu chí đã đạt chưa cao, chưa bền vững; nguồn vốn huy động cho Chương trình còn đạt thấp so với yêu cầu; cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM đã ban hành nhưng nguồn lực chưa bố trí đủ nên nhiều nội dung chưa được thực hiện, hoặc hỗ trợ chưa kịp thời… Đó là những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải.

Để đảm bảo các tiêu chí xây dựng NTM, hệ thống MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh có cách giám sát như thế nào để các địa phương đạt chuẩn NTM rồi có thể nâng cao hơn nữa các tiêu chí?

- Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tính đến tháng 12/2014 chúng tôi đã có 145/145 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với 1.673 thành viên. Hàng năm, các thành viên Ban Giám sát đã tổ chức được gần 300 cuộc giám sát. Các hoạt động giám sát tập trung vào các lĩnh vực như: quản lý đất đai, tài chính, xây dựng, giao thông, thực hiện chính sách xã hội... Qua giám sát, các Ban Giám sát đã phát hiện một số sai phạm và cũng có đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan giải quyết, khắc phục kịp thời.

Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của cộng đồng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về công tác giám sát đầu tư cộng đồng, từ đó có thái độ đúng đắn, ủng hộ, tạo điều kiện cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động hiệu quả. Khi thực hiện việc này, các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã chủ động lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch giám sát. Nội dung giám sát chủ yếu tập trung vào việc theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định về lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng NTM, các vấn đề về dồn điền đổi thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, chương trình nước sạch, trường học, nhà văn hóa, sân thể thao, trạm y tế; việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường…

Thưa ông, trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa quá trình xây dựng NTM, tỉnh Ninh Bình đưa ra mục tiêu cũng như lộ trình như thế nào để việc xây dựng NTM thực sự hiệu quả?

- Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2015-2020 và tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí cho phù hợp với mục tiêu của Chính phủ và tình hình thực tế khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần phải duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM ở các xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2016, phấn đấu đến năm 2020, có 111/119 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông; triển khai lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, người nghèo; làm tốt công tác bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống thu gom rác thải, nhất là rác thải sinh hoạt và phế thải chăn nuôi ở nông thôn theo hướng xã hội hóa để phấn đấu đến năm 2020 có trên 98% hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.... Đó là những mục tiêu mà chúng tôi đề ra và cố gắng hoàn thành.

Trân trọng cám ơn ông!.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Ninh Bình tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thay đổi trong đời sống người dân làm thước đo khi đánh giá hoàn thành bộ tiêu chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2019-2024: Hướng đến sự hài lòng của người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO