Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII MTTQ Việt Nam về việc “Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, trong nhiệm kỳ qua, kết quả nổi bật quan trọng nhất là đã thể chế hóa về tổ chức của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tại Khoản 3, Điều 6, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 “Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã thành lập Ban Công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (khu dân cư). Tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận do Điều lệ MTTQ Việt Nam quy định”.
Các đại biểu về dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017. Ảnh: Kỳ Anh.
Thực hiện quy định của Luật MTTQ Việt Nam, công tác kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận (CTMT) ở khu dân cư được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đầu tư, coi trọng với nhiều giải pháp thiết thực, từng bước đổi mới đã góp phần quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban MTTQ các cấp hàng năm.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã thống nhất nhận thức, xác định đúng vai trò, vị trí của Ban CTMT trong việc tuyên truyền thực hiện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, trong thực hiện hai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết- Sáng tạo”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”… trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, trong giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng....
Từ đó tập trung kiện toàn tổ chức, hướng dẫn, điều chỉnh sắp xếp lại quy mô của các Ban CTMT ở khu dân cư, thành lập mới hoặc sáp nhập một số Ban CTMT ở những địa bàn chưa có các chi hội đoàn thể, đảm bảo một chi bộ lãnh đạo trực tiếp một Ban CTMT, thuận lợi cho việc tổ chức và phối hợp thống nhất hành động, đặc biệt là trong các hoạt động bề nổi.
Cùng với việc sắp xếp lại quy mô của các Ban CTMT, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng Trưởng ban CTMT thông qua việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng trang bị tài liệu, tham quan mô hình, tổ chức hội nghị biểu dương Trưởng ban CTMT tiêu biểu; tổ chức hội thi Trưởng ban CTMT giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh…
5 năm qua, hầu hết các Ban CTMT đã ban hành quy chế hoạt động của Ban CTMT ở khu dân cư, quy định cụ thể mối quan hệ và sự phân công giữa các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận, lồng ghép và kết hợp nội dung hoạt động của Ban CTMT với những công việc của khu dân cư và nhiệm vụ của mỗi tổ chức thành viên.
Từ những kết quả và kinh nghiệm nhiệm kỳ qua, trước bối cảnh tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới của Ban CTMT, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp cần thường xuyên quan tâm, tập huấn, hướng dẫn kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban CTMT ở khu dân cư, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban CTMT theo quy định của Điều lệ, tập trung vào một số giải pháp cơ bản.
Về tổ chức, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức chi bộ Đảng, Ban CTMT và các tổ chức thành viên ở khu dân cư cho phù hợp với quy mô, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và phối hợp thống nhất hành động của Ban CTMT. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức Ban CTMT ở khu dân cư đảm bảo số lượng từ 7-15 thành viên với nhiều cá nhân tiêu biểu là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh cần xây dựng đề án, tham mưu, kiến nghị với cấp ủy Đảng, HĐND và UBND cấp tỉnh thực hiện quy định của Luật MTTQ Việt Nam về tổ chức Ban CTMT ở khu dân cư và chức danh Trưởng Ban CTMT theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ “Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng dân phố; Trưởng Ban Công tác Mặt trận”, có chế độ phụ cấp hàng tháng đối với Trưởng ban CTMT như Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố đồng thời nâng mức kinh phí hoạt động của Ban CTMT phù hợp với điều kiện kinh tế của từng vùng, miền, địa phương.
Cùng với bồi dưỡng, tập huấn, tổ chức hội thi, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp cần duy trì chế độ cung cấp thông tin đối với đội ngũ Trưởng ban CTMT. Cân đối kinh phí hoạt động để có thể cấp báo Đại Đoàn Kết, Tạp chí Mặt trận... cho Trưởng ban CTMT, quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng, động viên biểu dương kịp thời gương điển hình, những cống hiến của Trưởng ban CTMT ở khu dân cư.
Tùy theo từng đặc điểm của các khu dân cư, Ban CTMT cần có các biện pháp, hình thức tuyên truyền, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia các chi hội, tổ hội, các đoàn thể, hướng dẫn thành lập nhiều hình thức tổ chức tự quản theo sở thích, theo ngành nghề như tổ tự quản vệ sinh môi trường, tổ tự quản bảo vệ an ninh, tổ hòa giải, tổ bình đẳng giới, tổ thanh niên tình nguyện... để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong khối đoàn kết toàn dân ở khu dân cư.
Phương pháp công tác của Ban CTMT chủ yếu là kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục, kết hợp với sự hỗ trợ của Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố, công an khu vực, lấy biểu dương, động viên là chính, đồng thời tạo dư luận xã hội để đấu tranh, phê phán những tiêu cực, mặt xấu.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp thường xuyên rút kinh nghiệm qua hoạt động thực tế của các Ban CTMT, hàng năm tổ chức đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm chung để bồi dưỡng, động viên đội ngũ cán bộ Mặt trận nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban CTMT ở khu dân cư.
Toàn quốc hiện có 105.366 thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố...trong đó số lượng Ban Công tác Mặt trận là 101.516, với phương châm thiếu thì bổ sung, yếu thì thay thế, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp thường xuyên hướng dẫn, kiện toàn đủ số lượng thành viên của các Ban CTMT từ 7-15 người, đảm bảo cơ cấu thành phần Ban CTMT theo quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam gồm: Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp xã cư trú ở khu dân cư, đại diện chi ủy, người đứng đầu của Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Chữ thập đỏ, ....chú ý mở rộng thành phần người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư. |