Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Phần 5)

“Đoàn kết - Đoàn kết - Đại đoàn kếtThành công - Thành công - Đại thành công” 18/08/2019 18:00

Đại Đoàn Kết Online đăng toàn văn “Dự thảo Báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024”.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Phần 1)
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Phần 2)
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Phần 3)
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Phần 4)

(tiếp theo phần 4)

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Phần 5)

Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Khánh Hòa lần thứ X nhiệm kỳ 2019 – 2024 tổ chức ngày 24/7/2019.

Chương trình 3: Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh

Nhiệm vụ trọng tâm

Thực hiện chức năng tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước, Mặt trận chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên và cơ quan nhà nước tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tạo môi trường để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp. Tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến của Nhân dân tham gia vào các dự thảo văn kiện và sáng kiến tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đất nước vào dịp Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phát huy vai trò của Mặt trận và sức mạnh của Nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm, gương mẫu không tham nhũng. Đề xuất xây dựng các quy định pháp luật và cơ chế để thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên, Nhân dân tích cực tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Mặt trận phối hợp tổ chức và vận động cử tri, Nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phối hợp hoàn thiện các quy định pháp luật, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Mặt trận chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan chức năng tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân; tham gia xây dựng, phản biện dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Thông qua giám sát và phản biện xã hội để phát huy có hiệu quả vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của Nhân dân và đóng góp thiết thực xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tiếp tục thực hiện tốt vai trò của Mặt trận trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Tập hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân tham gia xây dựng pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Vận động Nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; góp phần nâng cao ý thức pháp luật, không vi phạm pháp luật.

Vận động và tổ chức để Nhân dân thực hiện dân chủ thông qua các cơ quan, tổ chức đại diện và thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Tham gia đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là ở cấp xã, nơi giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của Nhân dân. Tham gia giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân; tham gia xử lý và giám sát các cơ quan chính quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Những giải pháp cơ bản

(1) Tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức triển khai hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về các hình thức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chú trọng việc lựa chọn các nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp, mỗi địa phương; hoàn thiện cơ chế để người dân có đầy đủ thông tin và điều kiện thuận lợi tham gia giám sát ngay từ mỗi cộng đồng dân cư; phát huy vai trò của người dân và Ban công tác Mặt trận tham gia giám sát cán bộ, đảng viên trên địa bàn dân cư. Kịp thời đề xuất sự chỉ đạo thống nhất từ cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước, huy động các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân và các cơ quan báo chí, tuyên truyền tham gia vào công tác giám sát, phản biện xã hội.

(2) Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí giai đoạn 2018 - 2020; tổng kết rút kinh nghiệm, lựa chọn nội dung cụ thể, thiết thực và đề ra giải pháp thực hiện trong những năm tiếp theo. Tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018. Duy trì Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định tại các nghị quyết của Trung ương Đảng, các kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến xây dựng chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” của Chính phủ. Nghiên cứu xây dựng đề án và phát động cuộc vận động “Toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

(3) Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; tăng cường phối hợp để tổ chức các diễn đàn Nhân dân, định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, nhất là ở cơ sở để trao đổi, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của Nhân dân; kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần giảm thiểu những bức xúc kéo dài.

(4) Phối hợp nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các địa phương để báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp; ăng cường theo dõi, giám sát và đôn đốc việc các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết và thông báo đến cử tri và Nhân dân.

(5) Chủ động nghiên cứu, đề xuất việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế thực hiện dân chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để Nhân dân tham gia ngày càng rộng rãi, thực chất hơn vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nghiên cứu đề xuất xây dựng Dự án luật về hoạt động giám sát của Nhân dân. Phối hợp tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

(6) Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Xây dựng và củng cố lực lượng hòa giải ở cơ sở góp phần giảm thiểu các mâu thuẫn, tranh chấp tại địa bàn khu dân cư.

Chương trình 4: Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại Nhân dân

Nhiệm vụ trọng tâm

MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhân dân theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam với Nhân dân các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường ngoại giao của Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước. Xây dựng hình ảnh đất nước và con người Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, yêu chuộng hòa bình, thân thiện và cởi mở. Vận động, tạo sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác với tổ chức Mặt trận, các đoàn thể Nhân dân của các nước đối tác truyền thống; tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức Nhân dân các nước láng giềng và cộng đồng ASEAN; từng bước mở rộng hợp tác với các tổ chức tương đồng trong khu vực và thế giới; tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam để góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ người nghèo, cứu trợ thiên tai, triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội.

Những giải pháp cơ bản

(1) Tăng cường tham mưu, phối hợp để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong việc triển khai các công tác đối ngoại Nhân dân, từ khâu xây dựng kế hoạch đến việc tiến hành triển khai các hoạt động cụ thể. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.

(2) Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên, phát huy vai trò của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong hoạt động đối ngoại Nhân dân để tạo sự liên kết, thống nhất, đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai các hoạt động đối ngoại Nhân dân.

(3) Phối hợp với Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam phát huy vai trò của cộng đồng, các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài và các Ủy viên Ủy ban là người Việt Nam ở nước ngoài làm cầu nối, hỗ trợ công tác đối ngoại Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(4) Tích cực triển khai thực hiện các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác của MTTQ Việt Nam đã ký kết, tiếp tục mở rộng hợp tác với đối tác mới; tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên ở cấp độ Trung ương và các địa phương với các tổ chức tương đồng trong khu vực và trên thế giới, nhất là với các nước láng giềng; tổng kết, nhân rộng các mô hình kết nghĩa, giao lưu hữu nghị và các mô hình đối ngoại hoạt động có hiệu quả. Nghiên cứu tham gia các cơ chế đa phương phù hợp trong khu vực và trên thế giới.

(5) Tăng cường vai trò của địa phương, cơ sở trong củng cố tình đoàn kết hữu nghị với Nhân dân các nước láng giềng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Chương trình 5: Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Nhiệm vụ trọng tâm

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để hoàn thiện cơ chế về sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của cơ quan nhà nước đảm bảo cho các hoạt động của Mặt trận; hoàn thiện cơ chế phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp và các tổ chức không là thành viên của Mặt trận.

Kiện toàn Ủy ban Mặt trận các cấp với thành phần, cơ cấu hợp lý, coi trọng tính tiêu biểu, tính đại diện và tính thiết thực; mở rộng thành phần là những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ của Ủy viên Ủy ban Mặt trận cấp mình để Mặt trận thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, đại diện tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận các cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ của Mặt trận chuyên nghiệp, tâm huyết và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của công tác vận động quần chúng. Bố trí cán bộ chuyên trách đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu phù hợp. Xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn, chức danh theo vị trí việc làm; phối hợp trong thực hiện quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ Mặt trận các cấp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ năng lực đội ngũ cho cán bộ chuyên trách; phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trên cơ sở đổi mới toàn diện các mặt công tác, các lĩnh vực hoạt động của Mặt trận, từ việc xây dựng và ban hành chủ trương, tổ chức triển khai thực hiện, tăng cường cơ chế phối hợp trong và ngoài hệ thống.

Những giải pháp cơ bản

(1) Quán triệt triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TW ngày 04/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019-2024); tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về“Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; thực hiện nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương khóa XII về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

(2) Đổi mới các kỳ họp của Đoàn Chủ tịch, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Mặt trận các cấp để tham gia góp ý, phản biện, trao đổi đối với những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề quan trọng, nhạy cảm trước khi Đảng, Quốc hội, cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp họp, ban hành thành các chủ trương, chính sách; đồng thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân với Trung ương Đảng, Quốc hội, cấp ủy và Hội đồng nhân dân các cấp. Đổi mới quan hệ công tác giữa Mặt trận với các cơ quan của Đảng, Nhà nước; cụ thể việc phân công, hiệp thương phối hợp công tác giữa Ủy ban Mặt trận các cấp với các tổ chức thành viên.

(3) Nghiên cứu, đề xuất kiến nghị hoàn thiện chủ trương, chính sách, các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở đảm bảo cho hoạt động của Mặt trận. Chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên phạm vi cả nước.

(4) Bám sát quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận để xây dựng nội dung công tác đảm bảo có trọng tâm, ưu tiên những nhiệm vụ có tính cốt lõi, những nhiệm vụ mới theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương và đất nước. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi thành viên góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Mặt trận các cấp. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức không phải là thành viên của Mặt trận. Nghiên cứu xây dựng đề án “Nâng cao vai trò thành viên MTTQ Việt Nam các cấp”; đề án thí điểm đổi mới hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

(5) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, trong đó chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp cơ sở và Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư. Tăng cường nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về công tác Mặt trận. Xây dựng Đề án thành lập Học viện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xây dựng Đề án“Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận” giai đoạn 2020-2025; củng cố hoạt động của các lực lượng tư vấn, cộng tác viên từ Trung ương đến cơ sở.

(6) Đổi mới công tác thi đua khen thưởng, kịp thời nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; đồng thời thực hiện kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh trong cơ quan Ủy ban Mặt trận các cấp. Định kỳ tổ chức gặp mặt, hội nghị biểu dương Trưởng ban Công tác Mặt trận và Chủ tịch Mặt trận cơ sở tiêu biểu; tăng cường các hình thức học tập, trao đổi kinh nghiệm, hội thi Trưởng ban Công tác Mặt trận giỏi, hội thi hòa giải viên suất sắc. Tăng cường phát hiện, bồi dưỡng và biểu dương, vinh danh những tập thể, cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp cho cộng đồng.

(7) Quan tâm hướng dẫn hoạt động, bồi dưỡng phương pháp công tác, đổi mới, nâng cao chất lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ chính sách phù hợp cho Ban Công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư.

(8) Tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Mặt trận phục vụ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai nhiệm và tổ chức các diễn đàn, tiếp thu phản ánh ý kiến, kiến nghị tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

*
* *

Đại hội lần thứ IX MTTQ Việt Nam diễn ra trong thời điểm lịch sử quan trọng của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Hơn bao giờ hết, MTTQ Việt Nam có sứ mệnh phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần“Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội kêu gọi toàn hệ thống Mặt trận quyết tâm biến chương trình hành động của Đại hội IX thành hiện thực sinh động trong đời sống Nhân dân. Kêu gọi toàn thể đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đoàn kết, chung sức, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Phần 5)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO