Đắk Lắk: Chợ phố đìu hiu

Nguyễn Tuấn Anh 13/01/2017 09:25

Đầu tư xây dựng chợ hiện đại thay thế cho chợ truyền thống để làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phố thị, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ cho người kinh doanh buôn bán. Thế nhưng do nhiều bất hợp lý trong giá cả cho thuê, chính quyền không mạnh tay dẹp chợ cũ, chợ tạm đã khiến cho nhiều tiểu thương lo lắng khi người bán nhiều hơn người mua, hàng hóa ế ẩm. Thậm chí nhiều người phải ngừng buôn bán vì chợ mới không phát huy hiệu quả như mong đợi.

Nhiều ki ốt đóng cửa không có người thuê.

Chợ Buôn Ma Thuột là công trình chợ nhiều tầng đầu tiên được xây dựng tại tỉnh Đắk Lắk. Giai đoạn 1 của công trình này đã được xây dựng xong, gồm 2 khu 4 tầng, kinh phí đầu tư 370 tỷ đồng.

Khu chợ khang trang, hiện đại nhất tỉnh, xây dựng đúng theo yêu cầu của chính quyền địa phương, thế nhưng ngay cả trong mùa gần Tết, mùa được cho là kinh doanh sôi động nhất trong năm, thì nhiều dãy kiốt ở đây vẫn đóng cửa, nhiều tiểu thương bỏ ki ốt đã thuê, để ra ngoài làm ăn.

Chị Trần Thị Giòng, có 2 ki ốt bán giày dép ở khu chợ này cho biết, gia đình chị đã cầm cự với cảnh ế ẩm được gần 2 năm và giờ cảm thấy đuối sức vì rất ít khách ghé mua, trong khi hàng tháng chị phải đóng tiền điện và tiền bảo vệ hơn 700.000 đồng, thuê trong 6 năm số tiền đã lên hơn 300 triệu.

Cũng thuê ki ốt tại khu B, chợ Buôn Ma Thuột, chị Bùi Thị Nhung than thở. Trước thuê chỗ của chợ cũ một tháng hết 170.000 đồng, còn qua đây một tháng gần 3 triệu đồng. Nhiều người không thể trụ nổi, đã trả lại gian hàng. Còn gia đình chị đã lỡ đặt tiền cọc 3 năm (hơn 100 triệu đồng) nên phải nán lại bán, bởi nếu lấy lại tiền thì Ban quản lý chợ không cho.

Đưa vào hoạt động trước khu B gần hai năm, khu C, chợ Buôn Ma Thuột được coi là có hoạt động kinh doanh đã ổn định, thì nay, cũng chứng kiến những tiểu thương bỏ ra ngoài vỉa hè để kinh doanh, dù họ đã bỏ ra tiền trăm triệu để thuê ki ốt. Nhiều nhất trong số đó là những người bán thực phẩm ở tầng trệt.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Trưởng Ban Quản lý Chợ Buôn Ma Thuột cho biết, nhiều tiểu thương vì ế ẩm không bán được hàng đã bỏ ra ngoài kê bàn, dựng sạp bán ở vỉa hè nhất là hàng thịt, cá sống… Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động họ trở lại chợ, nhưng do thẩm quyền, chức năng có hạn, nên không xử lý dứt điểm được, dẫn đến nhiều hộ vẫn buôn bán trên vỉa hè. Trong khi đó, trật tự đô thị, chính quyền địa phương giải quyết việc này không triệt để.

Hiện chợ Buôn Ma Thuột gồm 2 khu, 4 tầng, nhưng 2 tầng lầu vẫn bỏ trống. 2 tầng dưới có 1.316 kiốt, đã có hơn 500 gian bỏ trống không kinh doanh. Trong năm 2016, có 28 tiểu thương thuê gian hàng nhưng đã trả lại vì kinh doanh không hiệu quả.

Nguyên nhân tình hình kinh doanh ở đây không khả quan là do nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng mặt phố mọc lên ngày càng nhiều. Các khu chợ tạm mọc lên không được chính quyền xử lý. Giữa các tiểu thương cũ với chủ đầu tư chợ Buôn Ma Thuột mới và chính quyền các cấp chưa tìm được tiếng nói chung, khiến cho nhiều vụ khiếu kiện kéo dài đến nay chưa được giải quyết.

Không chỉ chợ mới Buôn Ma Thuột mà tại khu chợ Trung tâm thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) do Công ty Cổ phần Đầu tư Quản lý chợ Ea H’leo làm chủ đầu tư với quy mô xây dựng 16.211m2, 427 ki ốt, tổng mức đầu tư là trên 32,8 tỷ đồng. Đến nay, khu chợ B với tổng mức đầu tư trên 14,6 tỷ đồng để kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống đã hoàn thiện và đi vào hoạt động nhưng cũng đìu hiu, ế ẩm.

Hậu quả của tham vọng xây chợ to thay cho chợ truyền thống đang được nhìn thấy rất rõ ở Buôn Ma Thuột, huyện Ea H’leo. Tuy vậy ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chính quyền cả cấp xã và cấp huyện vẫn tiếp tục tham vọng này, bắt đầu gây sức ép với tiểu thương để cho ra đời những khu chợ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Chợ phố đìu hiu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO