Dân tộc

Đắk Lắk: Chuyển biến tích cực trong phòng chống tảo hôn

Quỳnh Anh 25/10/2023 11:00

Vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn đang tồn tại trong một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Những năm qua, dù chính quyền và các ban, ngành liên quan đã nỗ lực tuyên truyền nhằm giảm thiểu, ngăn chặn nhưng đến nay tình trạng này vẫn xảy ra dẫn đến nhiều hệ lụy.

image.daidoanket.vn-images-upload-hangnt-10252023-_tinh-dak-lak-da-day-manh-tuyen-truyen-ve-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-thong-cho-tre-em-gai.jpg

Tỷ lệ tảo hôn còn cao

Đắk Lắk có 49 thành phần dân tộc chiếm 35,7% dân số, cư trú ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tại nghiên cứu của Liên hiệp hội Đắk Lắk và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng cho thấy, trong những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra phổ biến trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Về tảo hôn, toàn tỉnh có 1.753 cặp, tập trung tại các huyện như: Ea Súp, Krông Búk, Ea H’leo, Krông Bông, M’Drắk, Lắk, Cư M’gar… Các DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao là: Êđê, M’nông và người Mông ở các xã vùng III.

Những năm gần đây, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các cấp chính quyền huyện Cư M'gar đã tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của đồng bào các dân tộc nơi đây. Bác sĩ Nguyễn Duy Lợi, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Cư M’gar cho biết, với sự nỗ lực của chính quyền các địa phương, số lượng các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Cư M'gar, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống đã có những chuyển biến rõ rệt. Từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện ghi nhận được 50 cặp tảo hôn và đang có xu hướng giảm. Nhiều địa phương trước đây là điểm “nóng” về tình trạng này nhưng năm nay đã được kiềm chế và từng bước được đẩy lùi. Đặc biệt, có những địa phương chưa xảy ra tình trạng tảo hôn.

“Tuy nhiên, để tiến tới xóa bỏ tình trạng này, cấp ủy chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể, đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình cũng như những hệ lụy của việc tảo hôn, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm...”, bác sĩ Duy Lợi cho hay

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với UBND các địa phương tăng cường tổ chức hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho gần 3.900 lượt học viên tại địa bàn 30 xã có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Đồng thời, Ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định nội dung và yêu cầu Sở Thông tin và truyền thông cấp giấy phép biên soạn, in ấn và cấp phát 133.300 tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn; 133.300 tờ rơi tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống; 18.800 cuốn Sổ tay hỏi – đáp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lắp đặt trên 100 áp phích tuyên truyền tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao trên địa bàn tỉnh.

Khi phụ nữ nói không với tảo hôn

Nạn nhân của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không ai khác chính là phụ nữ và trẻ em gái. Nhận thức được vấn đề này, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh Đăk Lắk đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ nói “không” với tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Huyện Ea Súp là huyện vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào DTTS sinh sống nhưng tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn khá cao. Để góp phần giảm thiểu tình trạng này, Hội LHPN huyện Ea Súp đã triển khai được 4 mô hình, 2 Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”. Trong đó, mô hình đầu tiên được triển khai đầu tiên vào tháng 3/2018 ở Chi hội phụ nữ buôn A2, thị trấn Ea Súp, với 80 hội viên ở mọi lứa tuổi tham gia sinh hoạt. Từ thành công của mô hình này, Hội LHPN huyện Ea Súp đã nhân rộng được 6 mô hình và Câu lạc bộ tại một số xã có đông đồng bào DTTS. Đến nay, hầu hết các mô hình đều hoạt động hiệu quả, từng bước hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết trên địa bàn. Bên cạnh nhân rộng mô hình, Hội LHPN huyện còn đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để mỗi hội viên, là một tuyên truyền viên tích cực nâng cao nhận thức cho người dân.

Theo bà Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Súp, cứ 3 tháng Câu lạc bộ lại tổ chức sinh hoạt một lần. Tại buổi sinh hoạt, các Câu lạc bộ sẽ phổ biến đến các toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn Luật Hôn nhân và Gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan… bằng ngôn ngữ nói và các hình ảnh trực quan sinh động để chị em dễ hiểu, dễ nắm bắt. Trong đó, một năm ít nhất 2 lần, Hội LHPN huyện sẽ đi đến các thôn, buôn có đông người dân tộc để tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đánh giá về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, kết quả thực hiện Đề án, ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk cho biết, việc tích cực triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS” một cách đồng bộ với nhiều hoạt động tuyên truyền sát với thực tế đã mang lại những hiệu quả tích cực. Nhận thức của đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ, trẻ vị thành niên, thanh niên về Luật hôn nhân và gia đình dần được nâng lên, người dân có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật. So với mục tiêu và thời điểm bắt đầu thực hiện thì hiện tại, tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS đã giảm đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Chuyển biến tích cực trong phòng chống tảo hôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO