Đảm bảo an ninh năng lượng: Hướng tới không phụ thuộc vào nhiệt điện

Minh Phương 07/11/2019 08:00

Việt Nam nhập khẩu thuần than từ năm 2015 và xu hướng này càng ngày càng tăng. Từ nay đến năm 2050, nhu cầu có thể tăng gấp 8 lần dẫn đến 3/4 nhu cầu năng lượng của Việt Nam phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Do đó giới chuyên gia khuyến cáo, cần có định hướng phát triển ngành năng lượng mà không phụ thuộc vào than.

Đảm bảo an ninh năng lượng: Hướng tới không phụ thuộc vào nhiệt điện

Những nguy cơ về ô nhiễm môi trường do nhiện điện than đã từng được cảnh báo.

Có hành động sớm trong tiêu thụ điện than

Là quốc gia đang có tốc độ phát triển khá nhanh và tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhu cầu năng lượng của Việt Nam cũng đã tăng tương ứng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, nhu cầu về điện đã tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 11% trong giai đoạn 2011-2018. Nắm bắt nhu cầu cũng như khả năng cung cấp năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, ngay từ năm 2013, Đan Mạch và Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng. Các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững.

Nhìn vào cơ cấu của Quy hoạch điện VII hiện nay, nhiệt điện than vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (ICPP) cũng như những thông tin cập nhật về chính sách năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới cho biết, nhiệt điện than được đề cập đến như một nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính và cần phải được cắt giảm.

Trong Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2017-2020, Báo cáo Triển vọng Năng lượng 2019 (EOR 2019) được xây dựng cũng nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nhiệt điện than.

Nhìn nhận về Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cần sớm nghiên cứu việc giảm nhu cầu sử dụng than trong tương lai và có hành động sớm trong tiêu thụ điện than.

Theo ông Jakob Stenby Lundsager, cố vấn dài hạn Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, nhu cầu tiêu thụ điện than đang tăng nhanh chóng ở Việt Nam và sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2030.

“Việt Nam nhập khẩu thuần than từ năm 2015 và xu hướng này càng ngày càng tăng từ nay đến năm 2050, nhu cầu có thể tăng gấp 8 lần dẫn đến 3/4 nhu cầu năng lượng của Việt Nam phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Do đó, Việt Nam cần phải sớm nghiên cứu việc giảm nhu cầu sử dụng than trong tương lai, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, phát triển nhiệt điện khí có thể góp phần đảo ngược xu hướng tiêu thụ than hiện nay”, ông Jakob Stenby Lundsager chỉ rõ.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Cũng nêu bật những nhược điểm của việc sử dụng điện năng hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu tự nhiên không tái tạo, dễ gây ô nhiễm môi trường, phụ thuộc nguồn cung đó là than và thủy điện, ông Morten Baek, Quốc Vụ khanh, Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch nêu quan điểm: Cần phải loại bỏ dần nhiệt điện than, thay vào đó tập trung phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với xu thế giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường.

“EOR 2019 chính là “cánh cửa lớn” mở ra triển vọng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam khi nguồn năng lượng mặt trời, điện gió, sinh khối ở Việt Nam vô cùng phong phú và đầy tiềm năng”, ông Morten Baek nhấn mạnh.

Các chuyên gia năng lượng cho biết, EOR 2019 có 3 kịch bản với 3 hướng bổ sung cho nhau nhằm đạt được mục tiêu giảm sản lượng tiêu thụ than, giảm phụ thuộc thủy điện, tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.

Để thực hiện được mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, EOR 2019 khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đảo ngược xu thế tiêu thụ than ở mức cao; tăng cường các phương tiện sử dụng năng lượng hiệu quả; hỗ trợ các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng quy mô lớn.

Đặc biệt, EOR 2019 khuyến nghị, tiết kiệm năng lượng cần được Việt Nam ưu tiên hàng đầu trong quy hoạch điện VIII bằng khung pháp lý ổn định, đơn giản, minh bạch và tăng cường tính cạnh tranh. Các dự án năng lượng tái tạo có thể đạt được tỷ lệ 40% năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, EOR 2019 cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện VIII cũng như Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam. Báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung, cung cấp các thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo an ninh năng lượng: Hướng tới không phụ thuộc vào nhiệt điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO