Đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý cho người yếu thế

Lê  bảo 16/10/2015 07:23

“Cần sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan như Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý nhằm có cơ sở cụ thể, khả thi để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thực hiện quyền trợ giúp pháp lý cho nhân dân” - Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha đề xuất.     

Theo Bộ Tư pháp, sau hơn 8 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã tạo thuận lợi cho người thực hiện TGPL trong quá trình tham gia tố tụng, để bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân thuộc diện được TGPL. Tuy nhiên, số lượng vụ việc tố tụng trong lĩnh vực hình sự còn ít so với nhu cầu TGPL của người dân.

Nhiều bất cập

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, từ khi thực hiện Luật TGPL đến nay (từ 1/1/2007) trong cả nước đã thực hiện 920.292 vụ việc; 1.030 vụ việc đại diện ngoài tố tụng; 1.711 vụ việc hòa giải và 5.863 vụ việc bằng các hình thức khác cho 987.949 người thuộc diện TGPL.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, việc tham gia tố tụng hình sự người thực hiện TGPL còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa quy định địa vị pháp lý của trợ giúp viên trong hoạt động tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, nên khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

Có cơ quan tiến hành tố tụng từ chối Quyết định của Trung tâm TGPL Nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa. Bên cạnh đó, nhiều người dân tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa biết về TGPL và cũng chưa hiểu rõ về chức danh Trợ giúp viên pháp lý mà mới chỉ quen với chức danh Luật sư khi tham gia tố tụng, dẫn đến dè dặt khi đến với Trung tâm TGPL.

“Phần lớn người bị tạm giam tại trại tạm giam, nhà tạm giam giữ không được thông tin hoặc có được đọc Bảng thông tin về TGPL nhưng do trình độ nhận thức nên chưa hiểu hết được nội dung TGPL do đó đã từ chối TGPL” - Phó Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Cù Thu Anh nói.

Đồng quan điểm, TS Dương Thanh Mai cũng cho rằng: Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như từ phía các tổ chức thực hiện TGPL, cơ quan quản lý nhà nước TGPL về tỉ lệ bị cáo là người được TGPL trên tổng số bị cáo; cũng như chưa có số liệu về tỉ lệ người được TGPL có người bào chữa trên tổng số bị cáo là người được TGPL, nhưng qua các khảo sát thực tế, tại một số địa bàn cụ thể, tỉ lệ này thấp hơn tỉ lệ chung 20%.

Sửa đổi để bảo đảm quyền được TGPL cho người dân

Xuất phát từ thực trạng trên, Bộ Tư pháp cho rằng, bảo đảm quyền TGPL cũng là góp phần bảo đảm quyền con người, không chỉ giúp nhà nước phát hiện xử lý tội phạm mà còn không làm oan người vô tội. Vì vậy, cần ghi nhận quyền được TGPL trong tố tụng hình sự trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong Bộ luật Tố tụng hình sự, trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Phát biểu tại hội nghị quyền được TGPL trong tư pháp hình sự mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật TGPL và hướng dẫn của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, thời gian qua Mặt trận Tổ quốc và một số tổ chức thành viên đã triển khai các hoạt động tiếp công dân và tư vấn pháp luật cho nhân dân.

Bên cạnh đó Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tham gia giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo có liên quan đồng thời giám sát cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, hoạt động TGPL của Mặt trận và các tổ chức thành viên dù được pháp luật quy định nhưng trong thực tế thực hiện kết quả còn nhiều hạn chế.

“Cần sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan như Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật TGPL nhằm có cơ sở cụ thể, khả thi để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thực hiện quyền TGPL cho nhân dân” - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý cho người yếu thế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO