Âm thanh đại ngàn

BẮC PHONG (Giới thiệu) 04/07/2015 16:07

Số báo trước chúng ta đã tìm hiểu một số nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc anh em vùng cao Tây Bắc. Số báo này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một số nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nơi đại ngàn hùng vĩ. Cùng với Không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận, nơi đây còn có nhiều loại nhạc cụ rất độc đáo.

Biểu diễn đàn T’rưng

Ai đã từng nghe tiếng tù và nơi đại ngàn Tây Nguyên sẽ có ấn tượng rất mạnh mẽ, khác lạ. Hầu như dân tộc nào sống trên dải đất này cũng đều có tù và. Nó được chế tác từ sừng trâu, sừng bò, tuy nó có những tên gọi khác nhau, ví dụ như người Êđê gọi là kipah, người M’nông gọi Nung, người Banar gọi T’diep… Tù và là khúc sừng cưa bỏ một đoạn ngắn để thủng cả hai đầu. Ở phần thân tù và người ta khoét một lỗ nhỏ và đặt vào đó một chiếc “lưỡi gà” (như một chiếc dăm kèn), rồi gắn lại bằng sáp ong. Ngườ thổi tù và phải biết nghệ thuật “luồn hơi”, đồng thời phải thành thục trong việc bịt mở các ngón tay ở cả hai đầu to nhỏ của tù và, nhằm phát ra âm thanh dài ngắn, to nhỏ khác nhau.
Thường thì chỉ có một loại tù và, nhưng với bà con M’nông lại có một đôi: chiếc lớn và chiếc nhỏ. Chiếc lớn lớn tiếng trầm hùng; chiếc nhỏ lảnh lót. Tù và không thể thiếu trong các lễ hội của đồng bào, đặc biệt là lễ hội đâm trâu.

Đàn đá Khánh Sơn

Một nhạc cụ nữa cũng hết sức nổi tiếng và đã lan tỏa rộng nhiều vùng miền đất nước, đó là chiếc đàn T’rưng. Nhạc cụ này rất thân quen với bà con Gia Rai, Ba Na.
Đàn T’rưng làm bằng ống tre lồ ô hay nứa, kích cỡ khác nhau. Thông thường nó có từ 12 đến 16 ống xếp thành hàng trên giá đàn hình võng, phía dưới là ống to, dài, càng lên cao càng ngắn lại và nhỏ hơn. Nếu ống dưới cùng dài 70cm thì ống trên cùng vút lại ở chừng 40cm. Một đầu ống kín do còn nguyên các đầu mấu, đầu kia được gọt vát để tạo âm. Độ dài ngắn, to nhỏ làm nên âm thanh với các cung bậc khác nhau của cây đàn. Ống to và dài phát ra âm trầm, ống nhỏ và ngắn có âm cao.

Đàn Goong

Cũng ít ai biết, trước kia đàn T’rưng chỉ dành cho nam giới chơi. Sau này, nữ giới lại chơi nhiều hơn, tạo ra ấn tượng đẹp hơn. Người ta không chỉ chơi một mình (độc tấu) mà còn chơi theo tốp, nhóm, có khi đến cả chục người. Âm thanh T’rưng quyến rũ bởi sự mộc mạc của tre nữa, nó lại như có tiếng róc rách của những con suối lên lỏi trong cách rừng già. Nhà thơ Huy Cận từng viết một bài thơ ca ngợi đàn T’rưng, sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Viêm phổ nhạc, có đoạn:


Anh bắc qua năm tháng
Chiếc cầu phao âm thanh
Đời hai đầu mưa nắng
Đàn mắc võng tâm tình
Mỗi câu em đậm đà
Mỗi tiếng lòng anh dội
Câu trầm bổng thiết tha
Võng ru lời rừng suối
…Đàn nối lòng Đam San
Đàn nối tình Xinh Nhã
Nối ân tình đôi ta
Tựa lửa bền trong đá

K’lông Put

Rất gần gũi với T’rưng là đàn K’lông Put. Người Gia Rai gọi nó là Đinh-pút, còn người Ba Na gọi là Đinh-pơl. Đàn cũng làm bằng nứa, hai đầu hở. Tuy nhiên, nếu T’rưng sử dụng que gõ thì K’lông Put lại vỗ bằng hai bàn tay, có nghĩa là người sử dụng không cần chạm tay vào nhạc cụ.
K’lông Pút do phụ nữ sử dụng, thường có khoảng 5 ống, nhưng sau này để tăng cường tính năng cho nhạc cụ người ta làm nhiều ống hơn. Ống ngắn từ 60 đến 70 cm, ống dài có khi lên tới, 1,2 m. Có khi một người vỗ đàn, có khi là hai người. Trong âm thanh của nhạc cụ lại có cả âm của bàn tay vỗ, nghe rất độc đáo.
Cũng một loại đàn làm từ tre nứa nữa là cây đàn Goong, còn có tên gọi là đàn Ting Ning. Thân đàn là một ống tre lồ ồ dài từ 70 đến 90 cm, đường kính từ 5 đến 8 cm, hai đầu ống đều có mấu kín. Goong có từ 6 đến 18 dây, tạo ra một chuỗi âm thanh. Người chơi tuân thủ nguyên tắc tay gẩy phải bật dây từ dưới lên, không gẩy từ trên xuống. Đàn Goong chỉ có nam giới chơi, nó có thể tấu một người, song tấu, hoặc cả một nhóm cùng chơi. Sau này, đàn Goong còn được hòa với nhiều nhạc cụ khác, càng làm bật lên vị trí âm thanh khá lạ của mình. Tiếng đàn Goong có sức truyền cảm lớn, nó đặc biệt thú vị khi vang lên trong những cánh rừng, ven bờ suối. Trước kia, nhiều người biết chơi đàn Goong, nay số người thuần thục đã ít dần, vì thế việc truyền dạy cho thế hệ sau là rất cần thiết.

Tù và

Cuối cùng, không thể không nói tới đàn đá.

Tại Bảo tàng Con người (Paris, Pháp) hiện vẫn trưng bày bộ đàn đá N’duliêng Krat, do Giáo sư người Pháp Georges Condominas phát hiện năm 1949. Đây được coi là “bộ đàn đá tiền sử” cổ xưa nhất của thế giới. Sau này, người ta còn phát hiện được nhiều bộ đàn đá nữa ở Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Trung Bộ. Bộ đàn đá Tây Nguyên trưng bày tại Paris gồm 11 thanh, được giới nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu âm nhạc đặc biệt chú ý.

Đàn đá được coi là nhạc cụ cổ xưa nhất của con người, cách ngày nay trên dưới 3.500 năm. Theo thời gian, nhiều nhạc cụ khác xuất hiện, đàn đá bị vùi lấp trong đất, nhưng tới nay nó đã sống lại được đánh giá cao, được bảo tồn ở dạng nguyên thủy. Người ta cũng chế tác ra những bộ đàn đá mới phục vụ biểu diễn. Đó cũng là một cách tôn vinh một loại nhạc cụ cổ xưa bậc nhất của đồng bào các dân tộc sống trên dải đất Tây Nguyên và Nam Trung Bộ hàng ngàn năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Âm thanh đại ngàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO