Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Ngọc Hải 14/07/2019 15:00

Bệnh sốt xuất huyết đã vào mùa và tăng cao ở nhiều tỉnh, thành phố. Tính đến cuối tháng 5, cả nước đã ghi nhận hơn 57.800 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong; số ca mắc cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018. Đáng lo ngại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo: Do diễn biến và ảnh hưởng của thời tiết, bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng và có thể diễn biến phức tạp nếu không có các biện pháp quyết liệt để phòng chống.

Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra Ảnh: T.L.

Số ca mắc tăng gấp 3, 4 lần so với 2018

Hiện ở Tây Nguyên đang bước vào thời điểm mùa mưa kèm theo các diễn biến bất thường của thời tiết là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue sinh sôi và phát triển. Tại Gia Lai từ đầu năm đến ngày 21/6, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.500 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện các ổ bệnh đã xuất hiện ở 114/222 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Gia Lai. Nhiều địa phương của tỉnh có số ca bệnh sốt xuất huyết bùng phát như: Thành phố Pleiku, huyện Kbang, Krông Pa, Chư Prông…Đáng nói, mầm bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở nhiều nơi và rất dễ bùng phát thành dịch. Theo bác sĩ Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, hiện bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng ở phía Đông của tỉnh, nhất là huyện KBang, Đắk Pơ và thị xã An Khê.

Còn theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, bệnh sốt xuất huyết diễn biến theo chu kỳ từ 3 – 5 năm; đặc biệt, hiện đang trong thời điểm cận mùa mưa, mưa nắng thất thường, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển và bùng phát trên diện rộng. Trước tình hình này, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp kiềm chế dịch bệnh lây lan.

Còn tại Kon Tum, từ đầu năm 2019 đến nay, địa phương đã ghi nhận 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2016-2018. Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo ngành y tế tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh; giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue; nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết Dengue hiện có và mới phát sinh để tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch trong vòng 48 giờ, nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng ra cộng đồng…

Theo thống kê của Sở Y tế Đắc Lắc, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận 320 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Các trường hợp mắc bệnh xảy ra trên địa bàn của 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là tại các huyện Cư M’gar, Krông Ana và TP Buôn Ma Thuột. Hiện thời tiết ở Đắc Lắc đang bước vào mùa mưa cộng với khí hậu nóng bức là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi nảy nở và bệnh sốt xuất huyết bùng phát.

Tại các tỉnh phía Bắc, hiện cũng đang bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết do thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 658 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 589 trường hợp đã khỏi, 69 trường hợp đang điều trị và không có trường hợp tử vong. Một số địa phương có số ca mắc cao, như: Quận Hà Đông ghi nhận 108 ca sốt xuất huyết, tiếp đến quận Bắc Từ Liêm là 82 ca, quận Cầu Giấy 66 ca, quận Đống Đa 59 ca, quận Nam Từ Liêm 55 ca…

Những biến tướng khó lý giải

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, gặp ở cả trẻ em và người lớn. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Người sống hoặc đến từ vùng có ổ dịch hoặc lưu hành sốt xuất huyết trong vòng 14 ngày sẽ có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu với các mức độ khác nhau như: chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

Bộ Y tế dự báo, bệnh sốt xuất huyết vẫn đang có xu hướng tăng và có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới do ảnh hưởng của thời tiết nếu không có các biện pháp quyết liệt phòng chống. Đáng lo ngại hơn theo GS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, về đặc điểm dịch tễ, bệnh sốt xuất huyết đã thay đổi nhiều so với trước đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nếu trước đây bệnh chủ yếu xuất hiện ở các khu vực mùa mưa kéo dài, nhiệt độ cao, thì hiện bệnh đã lan rộng khắp cả nước, xuất hiện quanh năm. Trước đây, số ca mắc chủ yếu là trẻ em, thì hiện nay cả người lớn cũng mắc. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có khá nhiều ca mắc sốt xuất huyết là người lớn.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, qua thực tế điều trị, sau khi xem xét các trường hợp tử vong, gần đây nhất là dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội năm 2017 cho thấy, những ca nặng phần lớn là do bệnh nhân đến bệnh viện muộn, xảy ra trên những cơ địa đặc biệt, có những bệnh nền sẵn như: Tiểu đường, phụ nữ có thai, bệnh tuyến giáp... những trường hợp này thường khá nặng, đòi hỏi phải xử lý đặc biệt, điều trị sớm khi xuất hiện các biến chứng. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu phác đồ điều trị mới để phù hợp với nhiều biến đổi của bệnh sốt xuất huyết thời gian gần đây.

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương cần chủ động, tích cực tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước trong gia đình để muỗi không vào đẻ trứng, lật úp các dụng cụ không chứa nước, hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn… Khi đi ngủ phải mắc màn, kể cả ban ngày.

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết với các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO