Cần gìn giữ một nét đẹp văn hóa

Phan Quang Vũ 13/09/2019 15:00

Đi lễ chùa là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Nhiều người vẫn quan niệm đến chùa để gửi gắm nguyện ước của mình về những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng biết đi lễ chùa, lễ đền, lễ điện… thế nào cho đúng.

Cần gìn giữ một nét đẹp văn hóa

Khi mà đi lễ trở thành “phong trào”, thì cũng là lúc bộc lộ nhiều điều rất khó chấp nhận. Đi lễ chùa, đền, phủ, miếu… dịp đầu năm, ngày rằm, đầu tháng để cầu bình an là nét đẹp bao đời của người Việt Nam ta. Nhưng rồi, do hiểu biết lệch lạc nên đây đó có sự biến tướng.

Ngay như tại Hà Nội, rất nhiều điểm đi lễ luôn rất đông người, không chỉ vào dịp lễ hội đầu năm. Đó là chùa Phúc Khánh, Phủ Tây Hồ, đền Bia Bà, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Hương… Tại Quảng Ninh là chùa Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh)… Ở Nam Định có phủ Dầy (Nam Định); Bắc Ninh có đền Bà Chúa Kho, chùa Phật Tích... Đây là những điểm được nhiều người đến lễ bái. Ở vùng núi cao, như Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn… cũng có nhiều ngôi chùa, đình, đền rất nổi tiếng, có hấp lực lớn với khách thập phương.

Như đã nói, đi lễ chùa, đền… là một nét văn hóa tâm linh, nhưng cũng rất dễ bị biến tướng, quá đà. Ai có dịp đi chùa Hương (Hà Nội) vào mùa lễ hội, sẽ choáng trước cảnh nghìn nghịt người. Có ngày, do lượng người quá đông nên không ít khách thập phương phải đứng từ xa vái vọng và ra về vì không vào được bên trong động Hương Tích để thắp hương. Đến chùa hành lễ là để tâm được an, nhưng đông quá, chen lấn mệt mỏi nên đã mất đi ý nghĩa. Đi cùng đó là hàng loạt các vấn nạn làm cho nét văn hoá đáng tự hào bỗng trở nên đáng sợ. Kể cả việc hương khói nghi ngút dẫn đến nguy cơ hoả hoạn . Rồi là nạn chặt chém ở các quán hàng, nạn khấn thuê kêu mướn lấy giá cắt cổ, đốt hàng tấn vàng mã gây lãng phí lớn… rất đáng chê trách.

Đáng nói, một số người đi lễ chùa không đơn thuần đi cầu bình an, hoặc vãn cảnh mà là đi giải hạn, đi cầu thăng quan tiến chức, đi cầu tiền tài danh vọng. Vì thế, không chỉ là thắp một nén nhang lòng thành mà phải sắm mâm cao lễ lớn. Nhiều người còn thản nhiên cài, nhét tiền vào tay những pho tượng Phật vốn rất nghiêm trang.

Nói như Giáo sư Ngô Đức Thịnh thì các cụ ngày xưa cũng cầu xin nhưng người ta vẫn lao động cật lực chứ không phải như bây giờ, nhiều người đi cầu xin rồi ngồi đó chờ của đến. Âm phù là phù cho sự bình an, cho sức khoẻ để làm việc chứ không phải phù cho của rơi vào đầu, cho lên làm ông nọ bà kia… Cách nghĩ và những hành vi như vậy cần phải phê phán. Không phải cứ mâm cao cỗ đầy, hay là gài tiền vào tận tay Phật là sẽ được thần Phật chứng cho, mà cái chính là lòng thành, là sự chiêm nghiệm về lẽ nhân sinh ở đời trong chốn thiện tâm của mỗi con người. Còn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì cho rằng, cứ sống với một tâm thiện, hành thiện và nỗ lực trong cuộc sống thì mọi việc sẽ đến chứ lễ lạt, xin xỏ… chẳng có ý nghĩa gì cả. Tâm không sáng thì có đi xin cũng chẳng thánh thần nào cho lộc cả. Bạ đâu xin đó thì rất vô duyên. “Tôi tin thần thánh không bao giờ cho những người hay xin xỏ mà không chịu làm hoặc sống bất thiện cả. Cứ tin vào câu “ở hiền gặp lành”, ông bà xưa nói không có sai đâu”- Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói và thêm rằng, có doanh nghiệp còn chở cả xe tải vàng mã đi đốt để cầu xin đủ chuyện trên trời dưới đất. Như thế là quá đà, không thể chấp nhận được.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cũng đã tỏ ra thất vọng khi nhiều người mê muội và tham lam. Chính điều đó đang huỷ hoại dần những nét văn hoá mà cha ông đã mất bao công sức gây dựng.

Chùa chiền là nơi linh thiêng, mọi người nên hướng lòng mình đến những điều tốt đẹp. Theo Thượng tọa Thích Quảng Tánh, chúng ta cần phải hiểu cầu nguyện và cầu xin là hai từ hoàn toàn khác nhau. Cầu nguyện là khi trong ta có những kế hoạch, những mơ ước, những nguyện ước tốt đẹp và rằng chúng ta phải làm được điều đó. Đứng trước Tam Bảo, trước tượng Phật chúng ta thành kính nói lên ước nguyện của mình để mong có thêm động lực và sức mạnh để hành động. Nếu cầu nguyện như vậy thì rất tốt. Ngược lại, đến chùa để cầu xin, xin cả những việc bất thiện thì không Phật nào chứng cho họ được. Đức Phật không bao giờ ban phát những cầu xin vô lý, thậm chí là bất thiện.

Cần gìn giữ một nét đẹp văn hóa - 1

Một hành vi được cho là “hối lộ thần linh” cần phải loại bỏ.

Việc một số người đặt tiền vào tay tượng Phật được đánh giá như một hành động “hối lộ” đấng siêu nhiên, cần phải phê phán. Càng nhét nhiều tiền thì càng phản văn hóa, không đúng với tinh thật Phật giáo. Theo các tu sĩ Phật giáo, kính Phật không phải bằng hành động cúng bái mà là làm theo những điều Phật dạy “làm lành, lánh dữ”.

Ở đây, ranh giới giữa văn hóa và thiếu văn hóa là khá rõ. Nói như Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nếu quan niệm đi lễ chùa càng lễ to càng tốt, làm như thế sẽ được Phật chứng cho và có thêm nhiều lộc- thì hoàn toàn sai lầm, nếu không muốn nói là dung tục. Phật không như thế. Phật còn dạy chúng ta tiết chế, tiết kiệm. Đi lễ thành tâm chứ không phải là lễ to hay nhỏ. Đi lễ mà rắp tâm “hối lộ” Phật, “hối lộ” thánh thần thì càng không nên.

Đó là phía người đi lễ, ở phía khác, ông Chức cho rằng để diễn ra tình trạng nêu trên còn có trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa, quản lý lễ hội. Trên thực tế, chính quyền nhiều địa phương đã buông lỏng việc quản lý, có khi còn coi đó là một dịp “làm ăn” cho địa phương. Từ đó mới có chuyện thương mại hóa lễ hội một cách quá đáng.

Khi nói về việc đi lễ, nhưng là lễ điện thờ thần, không phải lễ chùa, Phó Giáo sư Trần Lâm Biền cho biết, theo chân những người được gọi là tín đồ, ông từng tới thăm các điện thờ. Thì thấy đa phần chỗ ngự của thánh thần nay đã thành một cái “chạn”, đồ thờ và cả nhiều thứ vốn không phải là đồ thờ hay “cận đồ thờ” cùng hoa quả bánh kẹo, kể cả đồ giả, bị người ta đặt lên môt cách vô lối, cố tình “hối lộ” thần linh… với một ẩn ý về lời khoán ước, mong đạt được những gì đó rất đời thường cho cá nhân. Hành động “hối lộ” hay là “nịnh hót” thần linh như vậy là rất không nên và chẳng có ý nghĩa gì.

Trở lại với vấn đề sinh hoạt tâm linh chung của xã hội, như đã nói, đi lễ nếu là một nét văn hóa thì phải đạt đến độ văn hóa, chứ không thể để nó thành ra phản văn hóa. Và điều đặc biệt, đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương, khi vẫn còn coi đó là một dịp “làm ăn” thì vấn đề sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần gìn giữ một nét đẹp văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO