Cha chúng tôi là nhạc sỹ Xuân Oanh

12/06/2015 09:10

Vậy là đã 5 mùa xuân tác giả khúc Tráng ca 19-8 rời xa thế giới, xa gia đình, con cháu, bạn bè. Thế nhưng, chỉ mỗi khi đến ngày giỗ ông (12/2 âm lịch), chúng tôi mới lại cảm nhận rằng ông đã mất. Nụ cười hóm hỉnh, đôi mắt tinh anh của ông lúc nào cũng như bên chúng tôi, khích lệ, động viên, sẻ chia, hiểu biết.

Cha chúng tôi là nhạc sỹ Xuân Oanh

Xuân Oanh là vậy. Với đồng nghiệp, ông là người anh, người thầy gần gũi. Với xã hội, ông là nhà ngoại giao nhân dân của những ý tưởng đột phá, là nhà thơ, nhà báo, dịch giả đa ngôn ngữ, là tác giả những ca khúc cách mạng bất hủ như 19-8, Quê hương Anh bộ đội, Ca ngợi chế độ ta tốt đẹp, Trời sẽ lại trong xanh, những bản tình ca da diết như Gọi Thu, Hương Nhài mà ông phổ thơ khi đã ngoài tuổi 70. Với bạn bè, bà con lối xóm, ông là người "bạn già” bình dị, vui tính, lãng đãng, hay mặc quần bò vừa đi vừa huýt sáo, hay mua kem, mua quà cho trẻ, mua đĩa nhạc, phim và cả máy nghe nhìn cho bạn bè mà chẳng cần biết họ đã có hay chưa. Mấy bác thợ điện, thợ sửa xe, thợ đàn thì coi ông là vị khách có thể tự tay sửa máy ghi âm, máy quay đĩa, bổ máy xe máy, lên dây đàn piano. Còn mấy cô hàng bia hơi mậu dịch phố Cửa Nam, Hà Nội, mỗi lần đến thắp hương giỗ ông lại nhắc kỷ niệm "ông hay làm món mì Ý thịt bò bằm cho chúng em ‘để các cô biết vị Tây’”... Còn với chúng tôi, ông là người cha, người ông gần gũi, chu đáo, ân cần nhưng không chằm bặp, tuyệt đối tôn trọng tự do của con, khuyến khích chúng độc lập và luôn là người bạn tin cậy của chúng. Ông không dạy chúng tôi - Đỗ Lê Châu, Đỗ Lê Chân, Đỗ Lê Chi - bằng những bài học giáo điều mà bằng chính tấm gương liêm khiết, sự tử tế, tấm lòng nhân ái, bao dung, quan tâm tôn trọng mọi người cùng tác phong làm việc khẩn trương, ngăn nắp, có tính tổ chức rất cao của ông. Và, trên tất cả, ông luôn có mặt đúng lúc với chính xác sự động viên, giúp đỡ mà các con ông cần. Sống với ông vì vậy luôn thật thú vị, nhiều cảm xúc và cũng đầy bất ngờ! Vì thế, ông đã đi xa mà luôn vẫn thật gần!

Tự lớn giữa trường đời

Quê Vũ Thư, Thái Bình, ra đời ở Thị trấn Quảng Yên, Yên Hưng, Quảng Ninh, cậu bé Xuân Oanh chỉ được sống cuộc đời bình thường cho tới hết năm lớp 4. "Từ nay con phải tự lo cho mình”, người cha thợ may goá bụa bảo ông. Thế là hết! Hết cả mỗi năm lại được cha may cho một chiếc quần mới diện vào Dinh Toàn quyền đọc diễn văn tiếng Pháp chào mừng quan Tây. Mẹ cậu đã mất khi sinh hạ người em út lúc cậu 6 tuổi. Chị cả cũng không còn. Viên quan năm Tây đã bắt chị làm vợ vì chị "đẹp nhất thị trấn” và khi đã hành hạ chị đến chết thì mang xác chị trả lại cho cha. Ông yêu chị ông đến mức thổn thức trong bài hát đầu tay ngày chị ra đi: "Mai chị về em gửi gì không? Mai chị về nhớ má em hồng...”. Hình ảnh người chị theo ông đến cuối đời, thôi thúc ông vẽ bức hình duy nhất thờ bà từ ký ức của ông.

Cuộc sống mới của Xuân Oanh bắt đầu bằng những ngày ngụp lặn bắt cá dọc Sông Chanh đoạn chảy qua Quảng Yên, những buổi ngồi ngoài cửa sổ lớp học hộ, làm bài hộ để đổi lấy nắm xôi, củ khoai qua bữa... Ông bảo ông học nhạc, học tiếng Trung Quốc và rất nhiều thứ khác từ cửa sổ như thế... Lớn thêm một chút, ông được nhận vào làm công ở xưởng Kẽm Quảng Yên gần bến Phà Rừng lối sang Hải Phòng. Vốn lanh lợi, ông học việc rất nhanh, chẳng mấy chốc được cho làm thợ điện. Rồi một tai nạn xảy ra. Ông bị giật điện cao thế, rơi từ đỉnh cột điện xuống đất, bất tỉnh liền 5 ngày. Sống dậy, ông lại lang thang kiếm sống khắp các mỏ than ở Hòn Gai, rồi dạt sang Hải Phòng làm gia sư, đi hát ở bar. Ông quen biết Văn Cao, Nguyễn Đình Thi và giới trẻ cách mạng Hải Phòng từ dạo ấy. Đầu những năm 1940 ông lên Hà Nội, ngày làm ở một hiệu giầy gần Bờ Hồ, tối đi dạy học hay hát thuê. Ông kể với các con: "Ông chủ hiệu giày trả bố 4 đồng/tháng. Thấy bố biết tiếng Pháp, ông ấy bảo sẽ trả thêm nếu bố bán được giày bằng tiếng Anh!” Ông bắt đầu học tiếng Anh như thế, không ngờ chỉ ít năm sau, ông đã trở thành một trong hai phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam sau cách mạng. Người bạn thời Hải Phòng của ông, Nhạc sỹ-Nhà văn-Nhà thơ Nguyễn Đình Thi là người đưa ông đến với Cách mạng, cũng là nhân chứng xác nhận hoạt động tiền khởi nghĩa của ông.

Xuân Oanh đến với Cách mạng với tất cả sự hồn nhiên, trong trẻo và nhiệt huyết tràn đầy. Và, ông giữ được sự lạc quan, tươi tắn ấy đến những giây phút cuối đời. Ngày tỉnh táo cuối cùng trước khi đi mãi, ông kê vở lên bụng, cố viết nắn nót "Xưa oanh liệt, giờ là ‘Oanh’ liệt!”, khiến bè bạn đến thăm phì cười trong nước mắt. Bí quyết sự lạc quan của ông chứa đựng trong bức email cuối cùng gửi người con út xa nhà ngay trước ngày nhập viện lần cuối: "Điều quan trọng là làm chủ được bản thân, không tham vọng và không hề ngạc nhiên trước những biến đổi. Xưa nay Bố vẫn sống và làm việc với phương châm ấy, vô tư, không ích kỷ, không bon chen, ganh tị, không nhìn người bằng con mắt thiếu thiện chí, như vậy sẽ luôn có hoà bình, yên ổn trong tư tưởng và cuộc sống”.

Xuân Oanh chiến sỹ là vậy. Xuân Oanh trong tình yêu lại càng vậy. Hoạt động ở khu vực Nam Hà Nội, từ những ngày đầu cách mạng ông đã để ý, làm quen và bén duyên với cô nữ sinh Đồng Khánh (trường Trưng Vương ngày nay) Lê Thị Xuân Uyên (Lê Minh Thái), con gái lớn của Bác sỹ Lê Trạc, cháu nội Cụ Phán Lê Trừng, phụ tá Văn phòng Phủ Toàn quyền Đông Dương, nhà đối diện Chợ Hôm. Toàn quốc kháng chiến, họ thất lạc nhau. Xuân Oanh theo báo Cứu Quốc (nay là báo Đại Đoàn Kết) lên Chiến khu. Xuân Uyên thoát ly theo đội Nữ sinh Hoàng Diệu, sau chuyển sang đội y tế của Bác sỹ Tôn Thất Tùng trước khi chuyển hẳn về đội Điệp báo Công an Hà Nội. Rồi bà bị Pháp bắt, giam ở Sở Mật thám (nay là Sở Công an Hà Nội) rồi Hoả Lò. Mất một năm dốc hết vốn liếng Mẹ bà mới "chạy” được cho bà ra giam lỏng. Ít tháng sau Công an Hà Nội bí mật đưa bà lên Chiến khu. Tìm lại được nhau trên Chiến khu, mỗi khi rảnh là Xuân Oanh lại tranh thủ cuốc bộ 90 km xuyên rừng sang thăm người yêu. "Lần nào cũng vậy, bố mẹ chỉ kịp ngồi ăn với nhau bát chè ở quán nước đầu thôn, rồi bố lại tất tả cuốc bộ xuyên đêm để kịp về cơ quan,” bà Xuân Uyên kể cho các con. Trước tình cảm mãnh liệt đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi cô "Hoa khôi Việt Bắc” từ chối lời cầu hôn của nhiều thủ trưởng đẹp trai, nho nhã để đến với anh chàng lãng tử "tứ cố vô thân” cách xa tận mấy cánh rừng. Ngày họ cưới tháng 5-1951, anh chị em cơ quan luộc tặng một rổ trứng chấm muối, kê cho mấy dãy bàn ở một góc rừng trống, căng hai khẩu hiệu "Tổ quốc trên hết” và "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ!” Cao trào của đám cưới là lúc chú rể Xuân Oanh cầm cốc rượu nhẩy lên bàn hát ứng tác tặng cô dâu và cả đám cưới một liên khúc. Ngày hôm sau, bom Pháp san phẳng "phòng cưới” của họ!

Cha chúng tôi là nhạc sỹ Xuân Oanh - 1

Ngày cưới năm 1951

Dũng cảm lên, các con!

Xuân Oanh không bao giờ đòi hỏi con ông phải thế nào, cũng không ép con phải học hay làm bất cứ gì. "Đó là việc của chúng nó,” ông thường nói vậy hoặc im lặng mỗi khi bà Xuân Uyên sốt ruột giục dã ông dạy con. Nhưng ông lại luôn hết mình ủng hộ các con trong mọi lựa chọn của chúng, kể cả chọn bạn đời. Lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất ông xin nghỉ phép là khi phát hiện người con trưởng Đỗ Lê Châu say mê tự học tiếng Anh nhưng "phát âm sai bét”. Ông quyết định ở nhà giúp con. Rồi liên tục hai tuần giữa mùa hè mất điện, mỗi ngày ông vừa quạt vừa sửa cho con từng chữ. Ông bảo: "Đọc là cách tự học ngoại ngữ tốt nhất con à!” Và từ đó, hễ có dịp công tác nước ngoài, dù tiền tiêu vặt eo hẹp, ông luôn dành mua sách tiếng Anh để về đọc cùng con. Người con sót cha chỉ còn biết lao vào đọc và đọc, cuối cùng cũng được bằng một phần của cha.

Người con thứ hai mang lại cho ông nhiều cảm xúc hơn cả. Giống ông nhất cả về ngoại hình, tính cách lẫn trí thông minh và đầu óc tổ chức, Đỗ Lê Chân càng giống ông về cách bước vào đời - nồng nhiệt, hết mình và đầy quyết đoán. Có lẽ vì thế mà ông là người đầu tiên thuyết phục gia đình chấp nhận cho Chân rời cơ quan nhà nước làm kinh tế tư nhân để phát huy tính sáng tạo đang bị trói chặt bởi cơ chế. Mặc dù vậy, lòng ông luôn canh cánh mỗi lần con buồn hay vui. "Trong mấy anh em, người bố lo nhất là Chân,” ông chia sẻ như dặn dò người con cả. "Thời buổi này làm ăn lúc được, lúc thua, chẳng biết lúc nào trắng tay”. Về phần mình, Chân cũng luôn chủ động làm an lòng cha bằng vẻ "tự tin”, thuyết phục ông bằng cách "nhanh nhảu” tiếp tay thoả mãn thú chơi đồ điện tử và uống rượu ngon của ông! Quả thực, mỗi lần được con "tiếp tế”, ông lại có vẻ yên tâm hơn.

Người con út Đỗ Lê Chi sống với ông bà nhiều nhất trong ba anh em và, như lời ông, "có lẽ là người hiểu Bố hơn cả”. Những năm cuối đời ông, Chi công tác xa nhà, cha con thường xuyên email động viên nhau. Lo bệnh tình của cha, thi thoảng Chi lại kéo cả nhà vượt nửa vòng trái đất về thăm ông. Thương con vất vả, tốn kém, ông email bảo Chi: "Khi con về, Bố lại vươn lên được, bất chấp những đau đớn, mệt mỏi còn lại trong người... Bố rất tin ở số mệnh, chưa đến lúc phải ra đi thì dù Tử thần có gọi mấy cũng vẫn coi như không nghe thấy gì... Con yên tâm. Hãy tiếp tục sống và làm việc theo cách con nghĩ và con muốn, đừng bận tâm lo gì nhiều về Bố!”

Có lẽ do số phận, ông Xuân Oanh và bà Xuân Uyên hiếm khi có được cùng lúc cả ba con bên mình. Vì vậy, cứ mỗi khi có dịp là cha con suốt ngày quây quần, chia sẻ điếu thuốc, chén rượu, lon bia và hàn huyên không dứt... Những dịp ấy, Bà Xuân Uyên luôn là người vui nhất, suốt ngày tất bật nấu cho cha con mấy món nhắm ngon mà bà có thể kiếm được. Rượu vào, cha con lạc dần sang tiếng Anh thì bà góp chuyện bằng tiếng Pháp thời trường Đồng Khánh của bà.

Ngoài những dịp hiếm hoi đó, Xuân Oanh chỉ còn biết lẳng lặng dõi theo các con, và xuất hiện qua những bức thư, email ngắn mỗi lúc ông linh cảm thấy con đang gặp khó. "Cứ coi mọi chuyện đơn giản và làm việc bình thường đi con,” ông email người con cả ở xa. "Bố tin mọi việc sẽ tốt thôi, dù công việc và cuộc sống hàng ngày có chán thế nào... Bố mong mỗi ngày đều nghe được tin tốt lành từ con. Đó sẽ là liều thuốc kích thích để bố sống mạnh, sống khoẻ đến ngày mừng gia đình mình đoàn tụ. Hãy dũng cảm lên con và nhớ phải bảo trọng, con nhé!”

Thông điệp ấy của Xuân Oanh luôn được các con ông mang theo bên mình như tấm bùa chú, như chính ông đang đồng hành cùng các con, 5 năm, 10 năm và mãi mãi.

Tháng 3/2015

Châu - Chân - Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cha chúng tôi là nhạc sỹ Xuân Oanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO