Đào tạo nghề cho thanh niên: Thách thức vẫn ở phía trước

Phan Ba 26/10/2018 09:00

Cách đây chưa lâu, Trung tâm tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Tài chính vi mô và phát triển (M&D) tổ chức hội thảo đánh giá các hoạt động Dự án “Đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội”. Đây không chỉ là vấn đề đối với khu vực ngoại thành mà vẫn là vấn đề lớn với khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa; nhất là với vùng bà con dân tộc thiểu số.

Đào tạo nghề cho thanh niên: Thách thức vẫn ở phía trước

Đào tạo nghề cho thanh niên cần thiết thực hơn.

1. Dự án “Đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội” được thực hiện từ tháng 6/2015, nhằm hỗ trợ nam, nữ thanh niên ngoại thành có cơ hội được đào tạo nghề, trang bị kiến thức cơ bản và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết và giúp các học viên tìm kiếm công việc, có thu nhập ổn định, hạn chế tệ nạn xã hội, di dân ra thành phố kiếm sống, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự đô thị.

Đến nay, dự án đã tổ chức được 24 lớp đào tạo nghề mây tre giang đan, thêu tay truyền thống, gốm sứ Bát Tràng, may xuất khẩu, kỹ thuật chế biến món ăn… cho 910 thanh niên có độ tuổi 18-28; riêng giai đoạn 3 (7/2017 - 6/2018), tổ chức 8 lớp đào tạo cho 280 thanh niên. Sau khi học nghề, phần lớn các học viên đều có việc làm.

Thời gian tới, dự án tiếp tục hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội, độ tuổi 16-30; tập trung đào tạo nghề thủ công truyền thống, góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát triển làng nghề.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận đây là vùng đào tạo nghề tương đối thuận lợi, khác hẳn với vùng sâu vùng xa.

Thực tế thì chủ trương đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn đã được triển khai từ khá lâu. Cách đây 8 năm, năm 2010, dự án đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn đến năm 2020, với hy vọng hàng triệu người được học nghề theo nhu cầu đã được triển khai. Lúc bấy giờ, thống kê của cơ quan chức năng, có tới gần 80% lao động nông thôn không nghề. Mỗi năm có khoảng 50.000 lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có nhu cầu học nghề. Để đạt mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn (trong đó có 100.000 cán bộ, công chức cấp xã), Chính phủ chi khoản ngân sách 25.980 tỷ đồng. Trong hai năm 2009 và 2010, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cho triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề cho khoảng 18.000 lao động nông thôn với 50 nghề đào tạo. Để triển khai Đề án, một loạt các chính sách đã và đang thực hiện như: Hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn, tiền ăn, tiền đi lại, vay vốn tín dụng, vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm cho thanh niên nông thôn. Riêng chính sách với giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề làm việc ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, có chế độ phụ cấp lưu động, nhà công vụ và trả tiền công giảng dạy.

Cũng từ thời gian đó, gắn với nhu cầu thị trường, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động. Cùng đó, để thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương cần phát hiện những mô hình kinh tế có tiềm năng, từ đó giúp đỡ hình thành các hợp tác xã thanh niên, các hội nghề nghiệp. Các địa phương cũng phải thành lập trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên, kết nối với doanh nghiệp đóng trên địa bàn để lo đầu ra. Xây dựng thị trường lao động, thành lập các trung tâm giới thiệu việc làm đến các quận, huyện để tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho thanh niên.

Đào tạo nghề cho thanh niên: Thách thức vẫn ở phía trước - 1

Bà con dân tộc thiểu số rất cần được đào tạo nghề.

2. Tuy đã có sự chuyển biến, nhưng tới nay, thực tế cho thấy việc đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều vướng mắc. Nổi bật nhất là việc sau khi được đào tạo nghề, phần lớn thanh niên nông thôn khó xin được việc làm.

Lý do chính là các ngành nghề đào tạo chủ yếu là ngành nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp như chăn nuôi gia súc - gia cầm, nghề mộc, sửa xe máy… Trong khi nhu cầu công việc của xã hội đã đổi khác. Phương thức đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và đặc thù nhu cầu việc làm của từng địa phương. Do đó, sau khi tốt nghiệp, đa số thanh niên không xin được việc hoặc làm việc theo mùa vụ, hết mùa vụ lại đôn đáo tìm việc. Cùng đó, các địa phương lại chưa chủ động trong việc điều tiết ngành nghề tại địa phương; ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm cho đông đảo thanh niên và chưa chú trọng đến tính chất công việc lâu dài, có tính định hướng. Từ đó về lâu dài sẽ làm mất cân bằng lao động giữa các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Có thể nêu dẫn chứng về việc đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn vùng Tây Nguyên. Theo dự báo, tới năm 2020, cần khoảng 4 triệu người lao động cần được đào tạo nghề, trong đó chủ yếu là giới trẻ. Tuy nhiên, dù đã rất nhiều cố gắng nhưng tỉ lệ thanh niên (nhất là thanh niên dân tộc thiểu số) được đào tạo nghề tại khu vực này vẫn không nhiều như kỳ vọng. Đáng chú ý, quy mô, năng lực đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề ở các tỉnh Tây Nguyên tuy đã được nâng lên đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong toàn vùng phải tăng nhanh cả số lượng lẫn chất lượng. Theo cơ quan quản lý nhà nước, để đáp ứng yêu cầu, đến năm 2020, mỗi tỉnh Tây Nguyên cần có ít nhất một trường cao đẳng nghề, đầu tư xây dựng các trường dân tộc nội trú hoặc thành lập khoa dân tộc nội trú tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề; đồng thời, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở tất cả các huyện thuộc năm tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên.

Đây là khó khăn không chỉ với Tây Nguyên mà cần được coi là khó khăn chung trong công tác dạy nghề cho thanh niên nông thôn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nghề cho thanh niên: Thách thức vẫn ở phía trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO