Khánh Vĩnh vươn mình

P.Sáu 02/03/2020 08:00

Huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa có diện tích tự nhiên 1.165 km2, trong đó rừng và đất rừng chiếm hơn 3/4 diện tích; chủ yếu là đồng bào các dân tộc Raglai, Ê Đê… sinh sống.

Những năm qua, nhờ triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội mà đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt.

Khánh Vĩnh vươn mình

Một góc huyện Khánh Vĩnh.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, từ năm 2017, huyện đã chú trọng thay thế cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao như các loại cây ăn quả (bưởi da xanh, sầu riêng, xoài, mít...) và mở rộng phát triển rừng keo để xuất khẩu. Đến nay huyện đã chuyển đổi, trồng được hơn 900 ha cây trồng chủ lực, tập trung chủ yếu ở một số xã như: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Phú, Sông Cầu, Khánh Thành… Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả chủ lực diện tích 175 ha (bưởi da xanh và sầu riêng), với 213 hộ tham gia.

Trên thực tế, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh Cao Trung, thôn Chà Liên, xã Liên Sang là một điển hình. Năm 2000, với số vốn tích lũy được, anh Cao Trung mua 18 ha đất đồi để trồng keo. Nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật, vườn keo của anh đã cho thu hoạch. Có tiền lãi, anh Cao Trung mở rộng diện tích trồng thêm các loại cây ăn quả, có giá trị kinh tế như mít, bưởi da xanh... Hiện nay, thu nhập của gia đình anh đạt trên 200 triệu đồng/năm. Anh có điều kiện hỗ trợ các hộ xung quanh phát triển kinh tế.

Song song với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện quan tâm đầu tư, phát triển khu vực nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thay đổi tập quán sản xuất, canh tác cho cư dân nông thôn. Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đã cơ bản hoàn chỉnh, kiên cố, đáp ứng điều kiện đi lại, học tập của nhân dân. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được đẩy mạnh gắn với xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xã văn hóa… góp phần thay đổi từng bước diện mạo nông dân, nông thôn ở Khánh Vĩnh.

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, số hộ giàu ở nông thôn tăng lên, số hộ nghèo giảm. Tổng số hộ nghèo của huyện hiện chiếm 52,1%, hộ cận nghèo chiếm 7,55%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 là 11,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 16 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, 100% số xã trong huyện được phủ sóng truyền thanh - truyền hình, có trạm y tế và hệ thống trường học từ mẫu giáo đến tiểu học. Ngoài ra, toàn huyện có 98% số hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện, gần 97,9% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Huyện cũng tranh thủ nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh để từng bước hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, nhà tạm cho nông dân nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã còn khó khăn. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Số lao động nông thôn được đào tạo nghề chiếm 25,8%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khánh Vĩnh vươn mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO