Làm giàu trên vùng đất khó

Tùng Lâm 02/05/2019 08:00

Rời quê hương Yên Bái năm 2006, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn và chị Trần Thị Bình cùng với gia đình vào buôn Lắk, xã Cư Pui (Krông Bông- Đắk Lắk) định cư lập nghiệp.

Vốn liếng ban đầu chỉ hơn 1 triệu đồng sau khi mua được đất làm nhà; điều kiện phát triển kinh tế hết sức khó khăn, song vợ chồng anh Tuấn cùng với bố mẹ và 3 người em đã cần cù lao động, sản xuất, kinh doanh để ổn định cuộc sống. Năm 2011, bố mẹ anh mua được hơn 7 ha đất để trồng cà phê, trồng sắn, bạch đàn để chia cho các con. Năm 2015, vợ chồng anh Tuấn quyết định đi học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn xây dựng trang trại chăn nuôi heo. Lập nghiệp trên vùng đất khó từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình anh đã có thu nhập hàng năm trên 1 tỷ đồng.

Làm giàu trên vùng đất khó

Anh Tuấn bên chuồng nuôi heo của gia đình.

Mới đầu gia đình anh Tuấn dự định vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi quy mô nhỏ. Song thấy gia đình có diện tích đất rẫy rộng, xa khu dân cư, phù hợp mở trang trại, lại tích lũy được một số vốn nên vợ chồng anh mạnh dạn xây trang trại chăn nuôi heo nái để cung cấp heo giống cho người dân trên địa bàn. Đi tham quan, học hỏi, tìm hiểu trên mạng Internet về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và chữa một số bệnh thông thường cho heo, vợ chồng anh đầu tư nuôi 60 con heo nái để cung cấp giống cho nhiều địa phương trong huyện và một số xã lân cận của huyện Krông Pắc. Trung bình mỗi năm anh xuất 2,2 lứa heo giống, mỗi lứa hơn 700 con. Do tuyển chọn được những con heo đực giống và heo nái tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật nên heo giống của gia đình anh Tuấn lúc nào cũng bán hết. Lợi nhuận mang lại khá cao.

Thấy trồng bạch đàn không mang hiệu quả nên năm 2017, anh Tuấn quyết định phá bỏ hơn 3000 m2 bạch đàn để mở rộng quy mô chuồng trại nuôi thêm heo thịt. Hiện nay gia đình anh vẫn duy trì 42 con heo nái để phục vụ con giống cho gia đình và cung cấp giống ra thị trường. Do chủ động được nguồn giống tốt, nguồn thức ăn, kiểm soát được dịch bệnh nên hơn 2 năm vừa qua, mỗi năm anh Tuấn xuất bán 800 con heo thịt. Lợi nhuận thu về từ bán heo khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm (theo thời giá hiện nay trên dưới 45 nghìn đồng/kg heo hơi) sau khi trừ hết các khoản chi phí.

Do cẩn thận trong khâu chăm sóc, phòng ngừa dịch nên heo của gia đình anh Tuấn lớn nhanh và không bị dịch bệnh. Tuy nhiên năm 2017, gia đình anh bị thua lỗ khá nặng do giá heo xuống thấp kỷ lục, song vợ chồng anh vẫn duy trì đàn heo, nhưng phải vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng để mua thức ăn. Khi giá heo bình ổn trở lại, anh Tuấn đã trả hết nợ và tiếp tục duy trì đàn heo nái và heo thịt.

Anh Tuấn cho biết: “Việc chăn nuôi hiện nay tuy có lợi nhuận cao nhưng gia đình sẽ giữ nguyên quy mô, không tăng số lượng mà chú trọng đến chất lượng đàn heo nái để có được nguồn giống tốt phục vụ gia đình và khách hàng. Đặc biệt gia đình luôn quan tâm và làm rất tốt khâu đảm bảo vệ sinh, môi trường, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn heo.

Ngoài trang trại heo nái, heo thịt, vợ chồng anh Tuấn vẫn duy trì chăm sóc 1800 cây cà phê và nuôi thêm 15 con bò sinh sản, bò thịt. Lợi nhuận từ chăn nuôi, trồng trọt hàng năm trên 1 tỷ đồng. Không những vậy, vợ chồng anh Tuấn còn động viên, khuyến khích anh em, bà con trong gia đình đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo. Vợ chồng anh luôn sẵn sàng tư vấn, trao đổi kinh nghiệm cho những người có ý định đầu tư chăn nuôi heo. Đến nay 2 người em trai của anh Tuấn cũng đã mở được 2 trang trại chăn nuôi heo. Lợi nhuận thu về của mỗi trang trại trên 200 triệu đồng/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm giàu trên vùng đất khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO