Làm giàu từ con tôm

Thanh Hoàng (tổng hợp) 07/12/2019 13:00

Những năm qua, nhiều hộ nông dân Cà Mau đã thoát nghèo, vươn lên  khá giả nhờ nuôi tôm. Với nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau, tới nay việc nuôi tôm đã trở thành một nghề thực sự. Tuy nhiên, để làm giàu từ con tôm cũng không phải dễ dàng.

Làm giàu từ con tôm

Nhiều hộ nông dân Cà Mau giàu lên từ nuôi tôm.

Mới đây, tại hội thảo tiếp cận nguồn tài chính bền vững theo chuỗi giá trị ngành tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức tại Cà Mau, nhiều ý kiến được nêu ra nhằm mục đích phát triển mạnh hơn nghề nuôi tôm.

Cà Mau là một trong những tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước, khoảng 303.000 ha, chiếm gần 40% diện tích cả nước và chiếm khoảng 45% vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, sản lượng tôm nuôi hằng năm đạt trên 300.000 tấn. Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, tuy là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng, nhưng năng suất vẫn thấp so với cả nước và khu vực. Trong đó, ngoài các yếu tố tác động từ thiên tai, dịch bệnh thì một nguyên nhân rất quan trọng là Cà Mau thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất. Đặc biệt tiếp cận nguồn tài chính bền vững theo chuỗi giá trị ngành tôm.

Theo ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thì cần có sự liên kết chuỗi từ nông dân với doanh nghiệp trong cung ứng con giống, thức ăn từ đầu vào đến đầu ra. Doanh nghiệp phải tiếp cận chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại cho nông dân sản xuất bền vững, giảm thiểu các tác động đến môi trường và nông dân phải tiếp cận nguồn tài chính bền vững từ ngân hàng.

Vì vậy, rất quan trọng là các ngân hàng trong chuỗi liên kết cần phải chủ động hơn trong việc hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã về vốn vay. Để người nuôi tôm có tiền đầu tư sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Cũng từ việc thiếu vốn, nên tới nay hầu hết các hộ nuôi đều là quy mô nhỏ, lẻ, kỹ thuật lạc hậu, rủi ro và ô nhiễm môi trường cao... Chính vì thế năng suất thấp và thu lợi từ giá trị hàng hóa cũng không được như ý muốn.

Hiện nhiều loại tôm được bà con nông dân thả nuôi, trong đó có tôm thẻ chân trắng. Để giúp bà con có thêm kiến thức về cách nuôi loại tôm này, sau đây xin được giới thiệu một số điểm cơ bản trong quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao.

- Chuẩn bị ao trước khi thả tôm: Chuẩn bị quạt nước, gồm 4 bộ quạt mỗi bộ từ 15-17 cánh, giúp tộc độ lưu chuyển dòng chảy tốt, kích thích tôm bắt mồi, nâng cao nồng độ oxy hòa tan trong nước.

-Dọn đáy ao: Tôm phát triển tốt ở môi trường tự nhiên, mật độ vừa phải. Với môi trường nuôi công nghiệp mật độ cao, chất thải lớn thì vấn đề chất lượng nguồn nước, làm sạch đáy ao. Cần làm sạch, khử trùng, phơi ao, cân bằng độ pH trước khi cho nước vào. Rửa nền đáy, cào bùn, bón vôi là việc làm không thể thiếu trong việc chuẩn bị ao nuôi.

- Chuẩn bị nước: Nước trước khi thả tôm bà con nên đảm bảo những yếu tố như: Nguồn nước sạch đã qua ao lắng, nếu lấy trực tiếp từ kênh nên lọc kĩ bằng vải katê và lưới lọc nông nghiệp; Cấp nước đầy 1 lần vào ao nuôi và chạy quạt liên tục, cho những trứng ấu trùng tôm, cá, cua phát triển hết.

- Quản lý và chăm sóc ao tôm: 30 ngày đầu cần cung cấp dinh dưỡng nuôi tảo vào thức ăn phù du, chạy quạt vào ban đêm. Với tôm trên 30 ngày: Bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên cho ao, cân bằng mật độ tảo, hệ vi sinh trong ao nuôi tôm; Theo dõi hiện tượng lột xác của tôm để giảm thức ăn trong giai đoạn lột xác, và tăng sau khi lột xác xong. Với tôm trên 60 ngày: Cần cho tôm ăn 1 ngày 3 bữa sáng trưa chiều; Chạy quạt 30 phút trước khi cho ăn 30 phút. Buổi đêm chạy quạt liên tục. Theo dõi thời tiết và môi trường nuôi để canh chỉnh nguồn thức ăn phù hợp.

Lưu ý: Hầu hết các bệnh ở tôm đều do nước ao nuôi quá bẩn. Do đó, kiểm soát tốt nguồn nước ao nuôi là cách trị bệnh tối ưu nhất, giúp nâng cao sức đề kháng tôm trước các điều kiện bất lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm giàu từ con tôm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO