Ô nhiễm môi trường: SOS!

Lã Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: National Geographic) 03/06/2016 09:55

Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm bầu không khí… đang càng ngày càng trở nên nặng nề. Vấn nạn môi trường tới nay đã không còn của riêng quốc gia nào mà đã mang tính toàn cầu. Đáng tiếc, cho dù có rất nhiều lời kêu gọi “làm sạch thế giới”, nhưng ô nhiễm vẫn ở mức báo động.

Ô nhiễm môi trường: SOS!

Nhân viên cứu hộ đang làm sạch dầu tràn từ thảm họa tàu Prestige,
gần thị trấn ven biển Musia ngoài khơi biển Atlantic, Tây Ban Nha vào 27/1/2003.

1. Cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, tình trạng ô nhiễm tại các thành phố trên khắp thế giới đang ngày càng tăng. Trong 2 năm 2014 và 2015, thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng 3,2 triệu người trên toàn cầu chết có nguyên nhân từ ô nhiễm.

Bà Maria Neira- Giám đốc Văn phòng Y tế cộng đồng và môi trường thuộc WHO nhìn nhận, ô nhiễm đã trở thành vấn đề y tế cộng đồng ở mức độ nghiêm trọng. “Chính phủ các nước tăng cường các biện pháp chống ô nhiễm là chưa đủ mà cần phải thúc đẩy những nỗ lực giám sát không chỉ chất lượng môi trường, mà còn cả chất lượng không khí nhằm giảm những tác động tiêu cực của ô nhiễm đối với sức khỏe con người”- bà M.Neira nói.

Vào đầu năm 2016, WHO đã cảnh báo rằng mức độ ô nhiễm nghiêm trọng tại hàng loạt các thành phố lớn trên thế giới, làm chao đảo các dịch vụ y tế trên phạm vi toàn cầu. Khảo sát từ 2.000 thành phố lớn, người ta thấy rằng mức độ ô nhiễm tăng rất cao tại các vùng tập trung đông dân cư. Đáng lo ngại là tại đó đã xuất hiện những làn khói bụi độc hại từ khói do xe cộ thải ra, bụi bẩn từ các công trường, khói độc từ các nhà máy, trong đó có cả việc đốt củi và than ở các hộ gia đình.

Từ Trạm không gian quốc tế (ISS), người ta cũng nhìn thấy những làn khói bụi ấy. Vẫn theo WHO, tình trạng ô nhiễm trên toàn cầu là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh mãn tính, cùng đó là các chứng hen suyễn, viêm phổi, bệnh về đường huyết, bệnh tim, “thậm chí là chứng mất trí nhớ”- theo bà M.Neira.

Còn theo Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 33 triệu trẻ em bị mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, khoảng 1/3 trong số này chịu các căn bệnh liên quan như đau tim và đột quỵ. Theo một bản báo cáo của Ủy ban Môi trường châu Âu (EEA), ô nhiễm hiện cũng gây nên tình trạng khẩn cấp trong ngành y tế công ở châu lục này.

Tình trạng ô nhiễm nặng nề làm giảm tuổi thọ con người và góp phần gây nên nhiều loại bệnh như bệnh tim, các bệnh liên quan tới hệ hô hấp và thậm chí là ung thư. Nó cũng làm suy giảm kinh tế của nhiều quốc gia khi chi phí cho thuốc men tăng cao trong khi năng suất lao động giảm”- Giám đốc EEA, ông Hans Bruyninckx lên tiếng.

Ô nhiễm môi trường: SOS! - 1

Một con bồ nông phủ đầy dầu ở đảo Queen Bess
bang Louisiana (Mỹ) sau vụ tràn dầu giàn khoan Deepwater Hrizon ngày 20/4/2010.

2. Người ta đã lên danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trước hết là Maputo (Mozambique) khi mà thành phố này gần như không có hệ thống vệ sinh môi trường và xử lý chất thải. Rác thải xuất hiện ở mọi nơi và nước bẩn chảy thẳng ra sông hoặc biển.

Baghdad (Iraq) cũng là một trong những thành phố nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ là những vụ đánh bom mà người dân nơi đây hàng ngày phải sống trong môi trường độc hại, phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Còn siêu đô thị Mumbai (Ấn Độ) với hơn 20 triệu dân, thì tính trạng ô nhiễm cũng hết sức nặng nề. Khí độc bốc ra từ những núi rác thải khiến cho rất nhiều cư dân của thành phố mắc bệnh phổi.

Cũng còn phải kể đến Karachi- trung tâm kinh tế của Pakistan cũng lại là nơi có bầu không khí ô nhiễm nhất. 35% dân số tại đây bị mắc một trong các bệnh về tim, phổi, da hoặc mắt.

Ô nhiễm môi trường: SOS! - 2

Những thùng dầu tình nguyện viên vớt được từ váng dầu
tại bãi biển Refugio State ở Goleta, California (Mỹ) ngày 20/5/2015.

Nhìn chung, cuộc sống của cư dân những đô thị ấy gặp rất nhiều khó khăn đến từ môi trường bị ô nhiễm. Họ không thể tránh đi đâu được, đành phải sống chung với sự đe dọa thường trực. Người ta ngày càng nhận thấy ẩn họa ghê gớm từ những nhà máy xây dựng dọc theo những con sông hoặc ven biển, vì chất độc hại của nó được xả ngầm vào nguồn nước, lan tỏa đi rất xa.

Có thể kể tới trường hợp của con sông Yamuna, dư lượng chất hóa học từ những nhà máy thải ra khiến con sông này phủ trắng một thứ bọt độc hại. Trong khi đó, người dân hai bên sông lại có tục tắm và uống nước của dòng sông này với niềm tin rằng, nước sông sẽ xóa tội lỗi của họ.

Ô nhiễm môi trường: SOS! - 3

Rác thải dọc theo kênh Noida (Ấn Độ).

Đối với đại dương mênh mông, thì nạn ô nhiễm do con người gây ra cũng đã ở mức độ trầm trọng. Đại dương đang ngày đêm kêu cứu vì ô nhiễm. Hàng năm, khoảng 50 triệu tấn chất thải rắn đổ ra biển gồm đất, cát, rác thải, phế liệu xây dựng, kể cả chất phóng xạ. Cùng đó, rò rỉ dầu, sự cố tràn dầu của các tàu thuyền cũng là một cách người ta đang đầu độc đại dương. Giới khoa học tính ra rằng, có tới 60% các rạn san hô đang bị đe dọa bởi ô nhiễm.

Không còn nghi ngờ gì nữa, ô nhiễm môi trường do chính con người tạo ra đang quay lại “trả thù” con người. Nếu không có những biện pháp kiên quyết thì “hành tinh xanh” sẽ biến thành hoang mạc. Hậu họa ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng một vài thế hệ mà di họa của nó rất lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô nhiễm môi trường: SOS!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO