Vào bản người Dao

Chung Tử 14/07/2017 09:10

Đến xóm người Dao ở Ba Vì (Hà Nội), không dễ vì có tới hàng chục lối rẽ vào, bởi xã chạy dài tới hơn chục cây số dưới chân núi. Nhưng có điều thú vị, nẻo rẽ nào cũng dẫn tới trục đường làng phủ đầy hoa dại muôn sắc màu. Thỉ thoảng đây đó tiếng vượn hót hay chim kêu dội từ đỉnh núi xuống tạo nên vẻ huyền ảo…

Những đứa trẻ ở bản người Dao.

Nghe hát “Páo dung”

Người Dao ở trên núi Ba Vì xưa. Đến nay, dân quanh vùng vẫn đi chợ người Dao, mua thịt lợn cắp nách, hay gà đồi. Mà thanh niên rất thích vào nghe người Dao hát “Páo dung”. Các cô gái hát như chim hót véo von vào ngày xuân vậy. Lời ca cho tình yêu. Lời hát cho bạn bè. Những khúc hát về ông bà cha mẹ…

Tất cả đều coi “Páo dung” là đặc sản văn hóa của người Dao. Các cô gái vận quần ống ngắn và bó thân hình cùng vải quấn bắp chân, nom rất khỏe mạnh và quyến rũ. Họ thường lên rừng hái lá thuốc, cấy lúa nương, kiếm củi rừng. Nam thì săn bắn và cày bừa, phá rừng cuốc nương để trồng lúa trên cao.

Người Dao sống trên núi Ba Vì từ mấy trăm năm rồi. Từ khi khu rừng nguyên sinh hình thành, người Mán phải xuống chân núi trồng lúa và buôn bán như người Kinh. Đặc biệt các giai điệu “Páo dung”, thì Dao nào cũng giống nhau, cho dù mỗi nơi, mỗi triền núi cao có những câu hát cởi mở hơn, nhưng âm giai thì không thay đổi. Đó là một cõi linh thiêng bất biến, phần hồn của Dao mỗi khi vào hội lễ. Dù đã hàng chục năm qua, mọi thứ có thể thay đổi, nhưng làn điệu hát “Páo dùng” cùng lễ tết nhày lửa, họ chẳng bao giờ quên.

Tôi được anh Hạnh, chồng của lương y Triệu Thị Thịnh ở thôn Yên Sơn dẫn tới nhà văn hóa thôn. Nhiều chàng trai và cô gái đang tập luyện giọng “Páo dung”, cùng thổi kèn Pi Lé réo rắt. Từ khi còn trẻ, anh Hạnh cũng thuộc khá nhiều làn điệu “Páo dung” tình yêu. Vừa bắt vào điệu kèn, anh cất tiếng hát cùng với các bạn trong thôn, ngỡ như một thuở đôi mươi trở về. Giọng hát của mấy cô gái bỗng hòa theo.

Tôi sững người vì lời bài hát quá hay và độc đáo. Tôi chưa được nghe như thế bao giờ. Đúng như anh Hạnh đã nói rằng, nghe “Páo dung” thì khó đi nổi, nghe hát giao duyên sẽ vấp bước chân. Quả nhiên tôi dừng chân chỉ vì một lời ca xao xuyến vang lên như dòng suối chảy róc rách tràn qua các tảng đá.

Từng lời ca ngọt lịm tai tôi: “Khi đi săn, đi núi / Anh hãy cõng hồn em / Khi nóng bức, mệt mỏi / Anh hãy “uống hồn em” / Thì sẽ làm cho mát dịu / Mọi nhọc nhằn khó tiêu tan…”. Tiếng kèn Pí-lè lại vút lên không trung. Một ánh sáng của âm thanh soi rọi muốn làm tan chảy khối mây đen đang trĩu nặng những hạt mưa. Và, tiếng chàng trai giao duyên lại cất lên: “Nghe em hát, tim anh vời vợi / Từng lời em như cháy bỏng trong lòng / Khi em về, anh chẳng biết làm sao nữa / Nghĩ về em / Nhớ về em…”. Tôi ngẩn ngơ và nhẩm thuộc từng lời ca. Phải nói đó là những bài thơ hay và lạ về tình yêu mà ít nơi có.

Nói về người Mán xưa hay người Dao nay, anh Hạnh tâm sự người Dao quần chẹt ở xã Ba Vì không còn giữ được chất Dao như hồi còn ở trên núi cao hơn ngàn mét. Họ đã bỏ lại trên đỉnh núi những thói quen sinh hoạt mấy trăm năm sống với mây đen và gió lộng. Cái chất Mán nguyên thủy đã không còn nữa, nhưng riêng hát “Páo dung” thì chẳng bao giờ rơi vãi. Người Dao đi tới đâu, thì “Páo dung” theo đó. Từ nhỏ họ đã thấm được cái hồn của “Páo dung”.

Trong lễ Cấp sắc, đặt tên “âm” để cúng bái sau này, hay Tết Nhảy đầu năm cúng tổ tiên, hoặc ăn hỏi và mừng thọ, thì tất cả đều “Páo dung” cùng với hàng chục điệu múa kèm theo. Dao là vậy, múa và hát. Họ thay nhau múa và hát trong suốt mấy ngày liền. Ai mệt thì nghỉ, để cho người khác múa tiếp, sau hết mệt, khi sang “Páo dung” khác lại vào nhảy tiếp.

Với trang phục quần chẹt, người Dao chân núi Ba Vì lại càng thể hiện sức sống mãnh liệt, khi chống trọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Dường như người Dao quần chẹt được sinh ra là để cho ca múa. Hát “Páo dung” trong suốt cuộc đời…

Người Dao ở Ba Vì nổi tiếng với hàng trăm bài thuốc nam.

Những bài thuốc kỳ diệu

Ngoài những làn điệu “Páo dung”, người Dao quần chẹt ở Ba Vì còn một kho báu gia truyền cho cả tộc người nơi đây. Đó là hàng trăm bài thuốc nam. Có thể nói gần cả ngàn hộ người Dao đều làm nghề thuốc, ngoài cấy lúa, trồng khoai. Gia đình nào cũng dành phần đất tốt để trồng cây thuốc.

Gặp lương y Triệu Phú Quý ở thôn Hợp Nhất, tôi mới hay nghề làm thuốc là cứu cánh thoát nghèo cho người dân Dao, từ khi xuống núi. Nghề ngày càng phát triển. Có thể nói đây là làng nghề làm thuốc nam có nhiều lương y nhất cả nước. Hội chợ nào từ Bắc chí Nam, lương y người Dao ở Ba Vì đều có mặt, cùng hàng trăm thang thuốc chữa các bệnh đặc hiệu như dạ dày, gan, xương khớp, trĩ, tim mạch. Lương y Triệu Phú Quý là một người rất giỏi bắt bệnh bốc thuốc. Ông đã có nhiều ứng dụng công nghệ về chế sắc thuốc để giúp người bệnh tai qua nạn khỏi. Cả nhà ông từ vợ, đến con trai, con dâu đều làm nghề chữa bệnh cứu người.

Đúng lúc đó, con trai út của ông vừa đi lấy một giấy xác nhận của xã về để xin vào học trường thuốc trên thành phố. Ông chỉ về phía đỉnh núi Ba Vì rồi kể, những năm tháng tuổi thơ phải đi theo mẹ đi hái thuốc vất vả thế nào, đã nhiều lần gặp thú dữ nhưng đều thoát khỏi. Vậy mà giờ đây xã đã có Công ty cổ phần thuốc Nam, bà con tha hồ mà phát huy làm ăn, không phải đi lang thang kiếm dạo lần hồi. Ông vừa nói, vừa cười, nhưng ánh mắt hơi đỏ vì khóe lệ. Có lẽ ông chợt nhớ lại những hình ảnh một thời lận đận, cam go trên mọi nẻo đường lần hồi kiếm ăn.

Bâng khuâng một nẻo Ba Vì

Ở đầu thôn Hợp Nhất, có một con đường dẫn lên lưng đèo phía tây núi Ba Vì, ngoằn nghèo trong hàng cây lau trắng muốt. Một số người cho biết đó sẽ là khu du lịch mới của đồng bào Dao. Mọi sự cứ biến động như trong mơ vậy. Đầu tiên là ước có một ngôi trường. Thôn đã có những lớp học khang trang trên đồi cao. Sau đó là mong mỏi một con đường và cây cầu dẫn vào thôn để trẻ con đi học và người đi chợ khỏi ngã. Vậy mà cuối năm trước con đường mới đổ bê tông sạch bong. Cây cầu vượt suối giờ ôtô tải vẫn vào đón hàng thuốc của bà con người Dao đi khắp các ngõ xóm. Lương Y Triệu Phú Quý cười vui và nói, chưa bao giờ người Dao lại sướng như thế.

Tôi đi lang thang với một chú bé người Dao lên con đường du lịch. Nói là ngày hè nhưng sương và mây Ba Vì lúc nào cũng cuồn cuộn bay ào xuống núi. Cậu bé người Dao như biến mất sau nhưng cụm lau trắng muốt bên sườn dốc. Còn tôi bỗng giật mình vì có ai đó đang cất lên lời “Páo dung” rằng: “Đám mây rơi xuống bản / Làm bồng bềnh tóc em /Anh thổi vang tiếng kèn / Gọi em bên nương rãy / Nào đốt lên lửa cháy/Ngọn lửa tình chờ em”. Chợt tiếng chú bé cười vang vách núi làm tôi bừng tỉnh khi thấy mình cũng lạc trong rừng lau trắng muốt lưng đèo…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vào bản người Dao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO