Đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế: Hướng tới sự minh bạch

Thanh Giang 25/05/2016 10:26

Mới đây, tại TP HCM,  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng với Tổng cục Thuế lấy ý kiến doanh nghiệp về Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Trước quy định mới này, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần phải nói rõ mục tiêu, tác động và hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp xếp hạng thấp.

Đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế: Hướng tới sự minh bạch

Doanh nghiệp xếp hạng thấp sẽ được xem xét
tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được Bộ Tài chính mà cụ thể là Tổng Cục thuế xếp hạng thông qua Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế. Theo như bản dự thảo, dựa trên những chỉ tiêu cụ thể xếp doanh nghiệp thành 3 hạng: tốt, trung bình, thấp. Doanh nghiệp được xếp hạng tốt khi đang hoạt động, thực hiện kê khai thuế đầy đủ, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cũng như các loại thuế phát sinh.

Trong 730 ngày liên tục kể từ ngày đánh giá trở về trước doanh nghiệp không vi phạm hành chính thuế. Ngược lại, với doanh nghiệp bị liệt vào hàng thấp khi 12 tháng chưa khai và nộp thuế với 1/3 số tờ khai theo quy định. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm đánh giá doanh nghiệp có số lỗ lũy kế vượt quá 50% vốn chủ sở hữu.

Cầm tờ soạn thảo Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế trên tay nhiều doanh nghiệp thắc mắc, thay vì xếp loại doanh nghiệp thì tại sao không để doanh nghiệp đánh giá hiệu quả làm việc của cơ quan thuế? Bởi từ trước tới giờ cơ quan thuế luôn “nổi tiếng” hành doanh nghiệp. Ông Trần Đức Thịnh - Phó Chủ tịch hội Khoa học công nghệ và Quản lý cho rằng, hiện này có hàng trăm doanh nghiệp không tồn tại nhưng vẫn dùng bộ tiêu chí này để đánh giá là không ổn.

Điều cần làm nhất hiện nay là điều tra, xem xét xem tại sao hàng trăm ngàn doanh nghiệp liêu xiêu rồi đóng cửa? Doanh nghiệp chết, nhà nước mất khoản thuế, doanh nghiệp mới đăng ký thành lập nhà nước cũng mất thuế vì mới hoạt động tiền đâu đóng thuế. Trường hợp vẫn áp dụng Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế cần đồng bộ, nhất quán, cụ thể tránh tình trạng phong trào.

Bà Phan Thụy Tường Vy – Giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế Luật TP. HCM khẳng định: “Nếu áp dụng bộ tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế thì tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ đều nằm ở mức trung bình – thấp. Do doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%. Vậy xếp loại tốt, trung bình, yếu thì doanh nghiệp được gì? Hỗ trợ doanh nghiệp có mức xếp hạng thấp như thế nào?”.

Theo bà Phan Thụy Tường Vy, điều doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là hoàn thuế giá trị giá tăng (VAT), thuế xuất nhập khẩu. Việc hoàn thuế VAT càng ngày càng khắt khe gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xoay vòng vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh. Liên quan đến việc áp dụng bộ tiêu chí trên, không ít doanh nghiệp thắc mắc, doanh nghiệp xuất khẩu thì nộp thuế VAT ít, doanh nghiệp nội địa cùng quy mô sẽ nộp thuế VAT nhiều hơn. Không thể vin vào đây mà khẳng định trong nghiệp sản xuất trong nước tốt hơn doanh nghiệp xuất khẩu…

Trả lời thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp, ông Bùi Khánh Toàn – Trưởng ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho rằng, áp dụng Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế để tăng cường quản lý nhà nước. Nghĩa là, doanh nghiệp được xếp hạng tốt thì cơ quan hữu quan không cần thanh kiểm tra.

Doanh nghiệp xếp hạng thấp sẽ được xem xét tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế. Tất cả đều hướng đến doanh nghiệp, vì doanh nghiệp nhằm hoàn thiện hơn nữa hoạt động cải cách hành chính lĩnh vực thuế. Lý giải về mục tiêu của bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định, doanh nghiệp kinh doanh vất vả, nên cứ thấy có văn bản mới ra đời là lại lo lắng.

Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế giúp quá trình quản lý minh bạch hơn. Đặc biệt, không đặt ra gánh nặng cho doanh nghiệp. Gánh nặng cho doanh nghiệp bằng 0 khi thông tin doanh nghiệp được lấy từ các ngành, doanh nghiệp không mất thời gian kê khai hay chi phí nào cả.

Mục tiêu cải cách hành chính thuế theo Nghị quyết 19 của Chính phủ trong năm 2015 – 2016 là bằng các nước ASEAN 4. Rút ngắn thời gian, chi phí, quy trình thực hiện thủ tục hành chính.

Thời gian nộp thuế không quá 121,5 giờ/năm. Trên 95% doanh nghiệp khai thuế điện tử và trên 95% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, năm 2015 công tác cải cách hành chính thuế đạt kết quả đáng kể. Tổng số giờ thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế đã giảm 420 giờ, còn 117 giờ, trên 90% doanh nghiệp khai và nộp thuế điện tử, hơn 71% doanh nghiệp hài lòng với cơ quan thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế: Hướng tới sự minh bạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO