‘Đánh thức’ bảo tàng

PHẠM NGỌC HÀ 02/04/2023 07:25

Hiện trong các tour du lịch, điểm đến bảo tàng bắt đầu được du khách trong và ngoài nước quan tâm bởi nỗ lực làm mới của những người làm công tác bảo tàng.

Bảo tàng Quảng Ninh trở thành địa điểm nổi tiếng thu hút khách tham quan.

Nỗ lực thay đổi

Thời gian gần đây, nhiều bảo tàng đang tìm hướng đi mới thông qua nhiều phương thức, từ việc phát triển tour du lịch đến việc mạnh dạn chuyển đổi số. Đơn cử, tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” do Bảo tàng Văn học Việt Nam tổ chức đã bước đầu thu hút được du khách. Khởi động từ tháng 12/2022, tour du lịch có những cách kể, cách tiếp cận văn chương khác biệt để những di sản văn học đến gần với công chúng. Cách làm mới này đã khai thác tối đa giá trị di sản văn học của các danh nhân, nhà văn Việt Nam. Mặc dù hiện tại tour du lịch chỉ tổ chức vào tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần nhưng lượng khách đến trải nghiệm khá đông, mang đến nguồn thu mới với những hy vọng để phát triển du lịch. Bà Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam cho biết, ngoài tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài”, trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ tổ chức các chương trình du lịch chuyên để kết nối với quê hương các tác giả, nhân vật, địa điểm.

Tương tự, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng vừa phối hợp tổ chức tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” với chủ đề “Hồn quê làng Việt”. Đây là sản phẩm thường niên của hai đơn vị, với mục đích mang đến trải nghiệm mới cho du khách Hà Nội, đặc biệt là hướng tới khách quốc tế đến Hà Nội. Với thời lượng khoảng 90 phút mỗi tour, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm mới, khác với những tour ban ngày từng tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tour du lịch này góp phần làm phong phú thêm hoạt động trải nghiệm mới tại bảo tàng, làm đa dạng hơn sản phẩm tour đêm cho Hà Nội để thu hút thêm nhiều du khách.

Là bảo tàng tổng hợp cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước tự chủ kinh phí với lượng khách tham quan đông đảo, Bảo tàng Quảng Ninh đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ số vào trưng bày, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm cho du khách. Việc ứng dụng công nghệ số cho phép du khách dù ở bất kỳ đâu vẫn có thể tham quan bảo tàng qua phiên bản số hóa trên website. Toàn bộ không gian bảo tàng được mô hình hóa bằng công nghệ 3D, từ kiến trúc phía ngoài độc đáo tựa như “viên ngọc đen” bên bờ vịnh Hạ Long, cho đến những không gian ấn tượng bên trong như “khoang thuyền” chở lịch sử nhiều thời đại, hầm lò khai thác than dưới lòng đất, bảo vật quốc gia trên non thiêng Yên Tử… Ngoài khả năng đem lại góc nhìn khá chân thực, Bảo tàng Quảng Ninh cũng lắp đặt ki ốt tương tác để du khách có thể làm quen, tìm hiểu trước khi bắt đầu hành trình khám phá. Tình từ đầu năm đến nay, Bảo tàng Quảng Ninh đón gần 53.000 khách, thu gần 1,4 tỉ đồng từ tiền bán vé.

Trải nghiệm gánh chữ “Tâm - Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số bảo tàng như: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... cũng có những đổi mới trong việc có thêm mô hình trưng bày trực tuyến, tăng cường quảng bá và tương tác trên các nền tảng số, sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm đa dạng hóa trải nghiệm thực tế... Tuy nhiên số lượng bảo tàng tích cực đổi mới để hướng tới phát triển du lịch vẫn chưa nhiều.

Hơn 10 năm trước, Bảo tàng Hà Nội với diện tích gần 54.000m2 được kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn của Thủ đô nhưng đến nay chỉ mới đón được 1/3 lượng khách theo năng lực thiết kế. Đến thời điểm hiện tại, bảo tàng đã đáp ứng đủ số lượng tư liệu, hiện vật cần thiết cho trưng bày thường xuyên, là gần 8.000 tư liệu, hiện vật. Phần nội dung trưng bày cũng đã hoàn tất, với 7 chủ đề lớn, 33 tiểu chủ đề phản ánh đầy đủ, chi tiết và sâu sắc về dặm dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội, chỉ còn chờ thiết kế thi công hoàn thiện để triển khai thực tế. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến giờ nội dung quan trọng này vẫn chưa được hoàn thành, gây khó cho Bảo tàng thúc đẩy các bước tiếp theo. Ngoài ra, một số hạng mục trong nội dung thiết kế trưng bày, trên thực tế chưa có đơn giá định mức (ví dụ như: chú thích hiện vật, đồ họa hiện vật, dựng video clip…), khiến bảo tàng lúng túng trong triển khai, thực hiện.

Không chỉ Bảo tàng Hà Nội đang loay hoay trong việc trưng bày, đa phần các bảo tàng khác không thu hút được du khách cũng là bởi các hoạt động trưng bày trong Bảo tàng chưa thật sự hấp dẫn. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, một số bảo tàng ở Hà Nội thu hút được sự quan tâm của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thường thu hút khách đến từ các nước Anh, Pháp, Mỹ; Bảo tàng Lịch sử quân sự thu hút rất nhiều khách Trung Quốc. Trong khi đó còn nhiều bảo tàng lẽ ra phải là bảo tàng thu hút được đông đảo khách tham quan, du lịch nhưng do cách thể hiện, cách kể chuyện của chưa hay nên lượng khách đến tham quan vẫn rất ít.

Không gian trưng bày tại tầng 1 Bảo tàng Hà Nội.

“Chìa khóa” để phát triển

Mỗi bảo tàng sẽ có những định hướng và phong cách truyền tải riêng để hấp dẫn du khách. Không phải bảo tàng nào cũng có thể ứng dụng công nghệ cho các nội dung, hiện vật mà cần phải lựa chọn loại hình phù hợp; tập trung vào vai trò của công nghệ nhưng phải làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của hiện vật gốc. PGS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhận định: Khách thăm quan đến với bảo tàng là cảm nhận được những giá trị về lịch sử, khoa học, thẩm mỹ. Các bảo tàng phát huy được hệ thống trưng bày và có giải pháp để thu hút khách thăm quan chính là tạo điều kiện để phát triển du lịch bền vững. Bởi vậy việc tập trung cho công tác trưng bày là một trong những phương pháp giúp bảo tàng có thể tồn tại lâu dài, từ đó xây dựng được lối đi riêng gắn với phát triển du lịch.

Muốn bảo tàng phát triển du lịch, mỗi trưng bày phải là một tác phẩm sáng tạo về khoa học, nghệ thuật, công nghệ. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: Bảo tàng muốn kết hợp với du lịch trước hết cần “hữu xạ tự nhiên hương”, tức là bản thân bảo tàng phải “tỏa sáng”, phải hay, hấp dẫn thì từ đó mới dễ dàng kết hợp với các công ty du lịch. Các bảo tàng cần có những phương án trưng bày thường xuyên theo chuyên đề 6 tháng, 1 năm để du khách luôn thấy bảo tàng có những cái mới, cái hay. Cần phải kể những câu chuyện mới, gửi gắm những thông điệp mới qua từng chuyên đề để du khách cảm nhận được điều mới mẻ mỗi khi đến tham quan bảo tàng.

Từ những hoạt động làm mới, bảo tàng cần tính đến hợp tác với các công ty du lịch. Hai bên cần thỏa thuận với nhau trong việc đưa khách đến tham quan để cùng có lợi nhuận trong hoạt động dịch vụ này. Bảo tàng - du lịch phải là một thì mới hỗ trợ nhau được. Sản phẩm của bảo tàng để phục vụ cho du lịch, ngược lại công ty du lịch cũng phải quan tâm để xây dựng bền vững cho bảo tàng bằng nhiều cách khác nhau thì mới tạo nên sự đột phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Đánh thức’ bảo tàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO