Đào tạo nghề nghiệp: Lấy thực hành làm định hướng chính

An Nhiên 13/12/2016 22:27

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, sáng 13/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần đổi mới phương thức đào tạo theo hướng lấy đào tạo nghề nghiệp, thực hành làm định hướng chính.

Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhà trường. (Ảnh: VOV).

Là một trong số những cơ sở đào tạo ĐH ngoài công lập đầu tiên ở nước ta, từ khóa học đầu tiên gồm 850 sinh viên, sau 20 năm hoạt động, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện đã đạt đến quy mô 30.000 sinh viên với 20 ngành đào tạo ĐH, 7 ngành đào tạo thạc sỹ, 1 ngành đào tạo tiến sỹ.

GS Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết những người góp tiền vốn hoạt động của trường (823 cổ đông với tổng số vốn là 118 tỷ đồng) không được chia lợi nhuận, chỉ được hưởng lợi tức cổ phần bằng lãi suất ngân hàng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những kết quả đạt được của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định sự đúng đắn của đường lối xã hội hóa giáo dục ở nước ta.

Thủ tướng mong muốn, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tích đã đạt được, khắc phục khó khăn, thách thức; thi đua dạy tốt, học tốt, thực hiện thành công các tôn chỉ, mục đích đề ra: “đào tạo các nhà kinh tế thực hành, các nhà kỹ thuật thực hành; lấy đào tạo nghề nghiệp, thực hành làm định hướng chủ yếu”.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị nhà trường đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, phương thức đào tạo để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn – đây là thế mạnh của trường, cần đặc biệt chú trọng, phát huy. Đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đội ngũ sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực, trình độ thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, trường cần không ngừng hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động để trở thành một điển hình tốt về cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập; tích cực đóng góp, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan với các cơ quan chức năng.

Thủ tướng đề nghị tổng kết mô hình tổ chức và quản lý theo cơ chế phi lợi nhuận, nguyên tắc tập trung dân chủ và chú trọng chất lượng đầu ra tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng.

Nhân dịp này, Thủ tướng muốn lắng nghe quan điểm của ĐH Kinh doanh và Công nghệ về một số vấn đề then chốt. Trong đó có vấn đề tự chủ ĐH. Là một trường ĐH tư thục, ĐH học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có được trao quyền tự chủ tối đa trong quản trị ĐH hay không? Thủ tướng muốn nghe các đề xuất từ phía trường trong vai trò là một trường ĐH tư thục về những chính sách và giải pháp để nâng cao tính tự chủ trong quản trị ĐH của trường nói riêng, các trường tư thục nói chung thời gian tới.

Vấn đề nữa là huy động nguồn lực, nguồn viện trợ, tài trợ trong vai trò của mình. Từ góc nhìn của nhà trường, Chính phủ cần làm gì, bằng cơ chế và chính sách nào để người dân không chỉ có người giàu, bất kỳ người Việt Nam nào, trong nước hay nước ngoài, đều có thể đóng góp sức người, sức của, tiền bạc, vật chất, trí tuệ, vốn… vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục ĐH Việt Nam nói riêng.

“Tôi rất mong có được những chia sẻ thẳng thắn, chân tình”, Thủ tướng bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nghề nghiệp: Lấy thực hành làm định hướng chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO