Đất nước rộng vòng tay

Lê Na 30/04/2022 11:23

Cuộc sống luôn đặt ra những khó khăn, thử thách. Nhưng khó khăn, thử thách vẫn là một trong nhiều phép thử để rọi chiếu mỗi con người, mỗi dân tộc. Với dân tộc Việt Nam đó là tình đoàn kết, nghĩa đồng bào.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài trò chuyện thân mật với các kiều bào về thăm quê hương. Ảnh: Quang Vinh

1. Người Việt coi trọng và đề cao chữ “tình”. Tình là cội nguồn của đoàn kết, yêu thương, sẻ chia. Đạo đức ân nghĩa ấy được hun đúc, kiến tạo trở thành một phần bản sắc văn hóa của người Việt, dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, càng khó khăn hoạn nạn, bản sắc ấy càng trở nên mạnh mẽ.

Ở vào thời điểm khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt (24/2/2022), do bị ảnh hưởng nên nhiều người Việt tại Ukraine rơi vào cảnh trắng tay, nguy hiểm. Hàng nghìn người Việt nước mắt lưng tròng, bỏ lại tài sản để thoát khỏi vùng chiến sự.

Trong đoàn người ấy có những đứa trẻ còn đỏ hỏn, có những phụ nữ bụng mang dạ chửa. Nhiều gia đình phải chịu cảnh ly tán. Nhưng điều day dứt hơn là tất cả tài sản, của nả tích cóp bao năm đều phải bỏ lại ở nơi mà họ đã xem như là quê hương thứ hai của mình. Có những người đã lên xe ô tô mà ra đi không đành, lần lữa mãi sang ngày hôm sau mới rời đi. Có người phải gửi con theo chuyến bay cứu trợ của Nhà nước để quay trở lại bảo vệ tài sản. Chia ly. Nguy hiểm cận kề. Nhưng chưa khi nào hết hy vọng.

Vì ngay từ rất sớm, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 201/CĐ-TTg về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình Ukraine.

Trong đó Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho 10 Bộ và các địa phương, yêu cầu xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn, nhanh chóng đưa công dân rời khỏi các khu vực nguy hiểm, lánh nạn ở các nước láng giềng khi cần thiết và có phương án đưa những người có nhu cầu về Việt Nam theo đề nghị.

Tổ công tác đặc biệt đã vào cuộc bằng nỗ lực cao nhất, trách nhiệm cao nhất. Nhờ đó, mọi việc diễn ra thuận lợi, theo đúng kế hoạch, giảm đi rất nhiều sự nguy hiểm cũng như nỗi vất vả của đồng bào, như mong mỏi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “không để người dân nào bị chết, bị thương hay bị đói, rét khi sơ tán”, và cũng bởi “chúng ta máu chảy ruột mềm, khi kiều bào gặp hoạn nạn, không ai có thể yên lòng”.

Trên tinh thần này, mỗi cơ quan, tổ chức, và các hội, đoàn có những phương thức hành động khác nhau, nhưng đều hướng đến một mục tiêu cuối cùng là giúp đỡ đồng bào đang gặp hoạn nạn. Ở đâu có các cơ quan đại diện của Việt Nam, ở đâu có cộng đồng người Việt, ở đó sẽ có ân tình che chở.

Mẹ con chị Phan Thị Thanh và những người đi cùng trong vòng tay của cộng đồng người Việt ở Hungary.
Ảnh: NVCC

2. Chị Phan Thị Thanh mới sang Ukraine được 5 năm. Hàng ngày chị Thanh làm phụ bếp trong một nhà hàng ở Odessa, chồng làm ở xưởng may. Kinh tế chưa tích lũy được là bao thì xung đột nổ ra, vợ chồng chị mang theo con gái 5 tháng tuổi cùng đoàn 14 người quyết định rời khỏi Odessa.

Rời khỏi vùng khói lửa đạn bom, hai vợ chồng chị Thanh bắt đầu hành trình dài vất vả. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của cộng đồng người Việt tại Odessa, chị Thanh cùng chồng quyết định chọn điểm đến là Hungary. Điều cảm động nhất là khi đến được Hungary, cộng đồng người Việt tại đây đã chăm lo cho gia đình chị mọi thứ, nhất là cô con gái bé bỏng. Đây cũng là lúc chị cảm nhận rõ thế nào là “nghĩa đồng bào”.

Ân tình ấy đối với ông Nguyễn Như Mạnh - Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Odessa mà nói, là những điều khắc cốt ghi tâm. Vì trong khó khăn hoạn nạn, điều cảm động nhất với cộng đồng người Việt là Chính phủ đã tổ chức những chuyến bay cứu trợ đồng bào. Nếu không có những chuyến bay miễn phí như thế thì rất nhiều người không biết đi đâu về đâu, có nhiều người không có một đồng nào trên người, không có giấy tờ gì, ngoài vài bộ quần áo.

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và Hội đoàn người Việt kiến nghị với lãnh đạo Trung tâm tiếp nhận thành phố Eisenhüttenstadt tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người Việt lánh nạn. Ảnh: NVCC

Các Đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam tại Ukraine, Moldova, Romania, các tình nguyện viên, các Hội người Việt Nam ở nước ngoài đêm hôm bươn chải để giúp đỡ đồng bào nhập cảnh, cung cấp lương thực và làm các thủ tục cần thiết. Trong lúc đó, các đồng chí lãnh đạo ở Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên họp trực tuyến, liên lạc với các cộng đồng để hỏi xem cần hỗ trợ những gì. Hầu như tất cả những nguyện vọng của kiều bào đều được đáp ứng.

Thực tế, mỗi khi xảy ra khủng hoảng, xung đột ở bất kỳ khu vực nào, đe dọa an toàn, tính mạng của đồng bào, Nhà nước ta đều thực hiện việc sơ tán, di tản đồng bào khỏi vùng nguy hiểm.

Còn nhớ, những đợt cứu hộ lớn đã từng được triển khai vào năm 1991, 2011. Nhà nước đã đưa hàng nghìn lao động Việt Nam về nước an toàn bằng đường hàng không khi chiến sự xảy ra ở Iraq và Lybia. Trong cơn bão đại dịch Covid-19, dù trong nước còn rất nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng Nhà nước cũng đã tổ chức gần 600 chuyến bay đưa hơn 120.000 đồng bào ta ở nước ngoài trở về. Dịch Covid-19 chưa qua thì xung đột Nga và Ukraine lại ập tới. Liên tiếp những chuyến bay giải cứu. Tổ quốc chưa khi nào bỏ rơi đồng bào mình.

Cho đến lúc này, chị Trương Thuý Hạnh, ở Tuyên Quang vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại hành trình mà vợ chồng chị quyết định đưa hai con nhỏ rời khỏi vùng chiến sự để tìm đường về quê hương. Dù không có bố mẹ đi kèm, nhưng trong suốt hành trình về nước các con của chị Hạnh được chăm sóc chu đáo, về đến sân bay được phát sim điện thoại để liên lạc với người nhà. Với chị Hạnh, đó là những ân tình mà cả cuộc đời này chị không thể nào quên, trong cơn hoạn nạn của gia đình chị và rất nhiều người khác.

Có thể khẳng định rằng, đến thời điểm này, công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến sự đã đạt được những kết quả quan trọng và thành công bước đầu.

Người Việt hiện đang sống và làm việc tại Ukraine có khoảng 7.000 người. Sau 6 chuyến bay, các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam đã đón về nước gần 1.700 người. Các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt ở các nước lân cận cũng đã đón hơn 4.000 người Việt sơ tán khỏi vùng chiến sự, tạm thời ổn định cuộc sống.

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Romania bố trí nơi ăn chốn ở cho bà con tại một điểm tiếp nhận. Ảnh: NVCC

Nhớ lại “chiến dịch” hỗ trợ đồng bào từ Ukraine sang lánh nạn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Romania Đặng Trần Phong cho rằng, “chúng tôi thực sự ở trong cuộc chiến”. Xuyên từ sáng đến đêm để lo cho bà con. 15 ngày liên tục cán bộ sứ quán làm việc 24/24h. Thế nhưng anh chị em đại sứ quán và bà con trong cộng đồng vẫn động viên nhau “chúng ta chậm một phút là bà con phải chờ đợi thêm một phút”; “chúng ta cố gắng thêm một chút là để giúp bà con sơ tán bớt đi phần nào những vất vả, lo âu”.

Bà con đến Cộng hòa Séc nhiều người còn được tiếp đón ở chùa. Không chỉ là mái ấm tạm thời, mái chùa còn đem đến cho mọi người sự che chở tâm linh, ai cũng thấy vững lòng hơn. Ông Trịnh Tân - Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho biết, ở Cộng hòa Séc, tỉnh, thành phố nào cũng có Hội, đoàn người Việt, các Hội đồng hương. Bình thường, anh chị em các Hội đồng hương sinh hoạt, kết nối theo địa bàn, vùng miền sinh sống khi ở Việt Nam. Nhưng bây giờ, không ai phân biệt đồng hương đến từ tỉnh, thành nào nữa. Hai chữ “đồng hương”, bây giờ, chính là hai tiếng Việt Nam ...

3. Đồng bào nghĩa là chung một bọc, chung một nòi giống Tiên Rồng, chung một mái nhà dân tộc, chung một nghĩa tình anh em. Việt Nam là một dân tộc đặc biệt vì chẳng ở nơi nào có sự tích “Đồng bào”. Dân tộc Việt Nam đặc biệt là bởi những trái tim yêu nước, tinh thần vượt khó, sáng tạo. Đặc biệt còn ở chỗ, trải qua biết bao đau thương, Việt Nam vẫn là một dân tộc nhân ái và ưa chuộng hòa bình.

Bà Trương Thúy Hạnh ở Tuyên Quang bật khóc nức nở khi đón được 2 con trở về trên chuyến bay cứu trợ.

Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, tình nghĩa đồng bào lặng lẽ ẩn chứa trong mỗi người, từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành sức sống mãnh liệt, trường tồn. Chính vì thế mỗi khi đồng bào gặp nạn, máu chảy lòng đau, ruột mềm quặn thắt, tình nghĩa anh em, tình nghĩa một nhà sẽ dấy lên mạnh mẽ, đoàn kết mà bền chặt đến vô cùng.

Mỗi người Việt đều thuộc nằm lòng câu chuyện về cha ông mình, năm mươi người con theo Cha Rồng xuống biển, năm mươi người con theo Mẹ Tiên lên non, chúng ta đã hiểu một phần máu thịt của mình thuộc về Tổ quốc này. Biết bao thăng trầm nhưng có một sự thật hàng nghìn năm nay vẫn không hề thay đổi, đó là chúng ta chẳng thể là ai nếu không có Tổ quốc, nếu không có đồng bào.

Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sinh thời Bác Hồ luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt, bởi đó là một phần “máu thịt của quê hương” đang sống xa đất nước. Trong Thư chúc Tết kiều bào đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ “Tổ quốc luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh thăm hỏi mẹ con chị Tạ Thị Vân, một trong những gia đình người Việt ở Odessa, Ukriane được nhà nước đón về trên chuyến bay cứu trợ.

Nhân tâm thiên lý, tình nghĩa một nhà. Điều này được ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trân trọng nhắc lại trong cuộc gặp gỡ thân tình dưới mái nhà chung Mặt trận với hơn 60 kiều bào tiêu biểu về dự chương trình Xuân Quê hương năm 2022: “dù đi xa vạn đỗi, không phai nhòa nguồn cội Rồng Tiên”.

Người đứng đầu MTTQ Việt Nam đã chia sẻ với kiều bào về những khó khăn, thách thức của năm 2021. Điều quan trọng là trong khó khăn, chúng ta nắm lấy những cơ hội để vượt lên phía trước. Vì thế khó khăn, thách thức cũng vẫn chỉ là một trong nhiều phép thử để chúng ta hiểu hơn về nội lực của mỗi cộng đồng, quốc gia và thêm trân trọng hơn giá trị của tình đoàn kết, tình yêu con người và trách nhiệm cộng đồng, trong đó có những đóng góp vô cùng to lớn của đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

“Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhắc tới “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, nhiều nghĩa cử cao đẹp đã được lan tỏa, nhiều giá trị cao đẹp của dân tộc đã được nhân lên. Trong mọi hoàn cảnh, đất nước luôn rộng vòng tay với tất cả tin yêu. Đó chính là điểm tựa để chúng ta hướng tới tương lai, sẵn sàng bước cùng nhau, hướng đến những mục tiêu chung.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kịp thời có văn bản đề nghị Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố chủ động theo dõi nắm thông tin về tình hình người Việt Nam của địa phương mình đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ukraine; phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp theo chức năng, nhiệm vụ trong việc bảo hộ công dân và các lợi ích liên quan đến công dân là người địa phương hoặc quê quán ở địa phương mình; nắm tình hình người Việt Nam và thân nhân tại Ukraine về nước trên các chuyến bay sơ tán công dân để phối hợp đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ, tạo các điều kiện thuận lợi cho bà con sớm ổn định cuộc sống…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất nước rộng vòng tay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO