Đẩy lùi Covid-19

Đức Trân 02/05/2022 08:37

Sau hơn 2 năm dịch Covid-19 xuất hiện với đủ mọi khó khăn, thách thức, đến nay, với “bình thường mới”, với hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa và sinh hoạt của người dân đang nhộn nhịp trở lại trong khi số ca mắc mới hàng ngày vẫn giảm mạnh. Chúng ta có thể tự tin rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19.

Người dân không được lơ là, chủ quan mà vẫn cần cảnh giác, sẵn sàng những phương án để ứng phó dịch bệnh

Trở lại trạng thái bình thường mới

Đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam vào ngày 23/1/2020. Sau hơn 2 năm, kinh tế - xã hội của cả nước đã bị tác động và ảnh hưởng nặng nề. Dù năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh với tổng số ca tử vong xác nhận cả năm là 35 ca, nhưng đến năm 2021, tình hình trở nên trầm trọng hơn với số ca mắc và số ca tử vong tăng cao. Dịch lan ra toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội.

Mặc dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan, đặc biệt là Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, thế nhưng, từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số ca mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3/2022 do biến thể Omicron.

Cụ thể hơn, tháng 3 vừa qua, Việt Nam vượt mốc 100.000 ca mắc mới mỗi ngày và hầu khắp các địa phương trong cả nước xuất hiện F0. Tại Hà Nội, trong nhiều ngày liên tiếp, số ca mắc mỗi ngày đều vượt 10.000 ca. Ở thời điểm đó đã ghi dấu sự quay cuồng trong nỗi hoảng hốt của người dân, đến nỗi có gia đình không ai bị nhiễm nhưng vẫn test thường xuyên vì sợ Covid, có người 1 ngày xét nghiệm 3 lần để xem có bị mắc bệnh hay không.

Thế nhưng, với các biện pháp được triển khai đúng hướng, đúng thời điểm và cấp bách như điều trị, cách ly F0 tại nhà, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tiêm vaccine cho người có nguy cơ cao... Đến nay, dịch bệnh đã giảm sâu qua từng ngày và cuộc sống của người dân đã bước sang trạng thái bình thường mới. Những nỗi hoang mang, lo sợ kéo dài vài tuần và nhanh chóng thay thế bằng sự bình tĩnh, lạc quan vốn có.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chúng ta luôn xác định rõ, vaccine là chìa khóa để đẩy lùi dịch bệnh và việc triển khai thành công chiến dịch tiêm vaccine có quy mô lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống Covid-19 hiện nay.

Kịch bản mới

Từ đầu tháng 4 tới nay, số ca mắc, chuyển nặng và tử vong tại các tỉnh, thành có xu hướng giảm từng ngày. Theo đánh giá từ Bộ Y tế, dịch bệnh tại nước ta cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Nguyên nhân được Bộ Y tế đưa ra một phần do tỷ lệ tiêm vaccine cao, lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phù hợp, hiệu quả và năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên nên đáp ứng yêu cầu tốt hơn.

Trao đổi về tình hình dịch bệnh cũng như các kịch bản phòng, chống dịch trong thời gian tới, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, trong bối cảnh người dân đi lại nhiều trên phạm vi toàn cầu như hiện nay, kịch bản phòng, chống dịch sắp tới sẽ không phải chỉ riêng 1 địa phương, 1 quốc gia mà mọi quốc gia trên thế giới đều có kịch bản chung.

“Khả năng thứ nhất là biến chủng Omicron đang xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine phòng Covid-19 nên số ca mắc, số trường hợp diễn biến nặng và tử vong sẽ giảm. Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa Covid-19 trở thành bệnh lưu hành. Khi đó, các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường. Chúng ta cần chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh nền.

Với kịch bản thứ hai, các biến chủng mới liên tục xuất hiện vẫn có khả năng xảy ra. Các biến chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến chủng đã xuất hiện hoặc biến chủng khác mới hơn. Biến chủng mới khi xuất hiện sẽ làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine, lây lan nhanh hơn và tăng nguy cơ diễn biến nặng. Với kịch bản này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách đã từng làm như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm và những biện pháp phòng dịch…” - ông Lân nói.

Bên cạnh các kịch bản về phòng, chống dịch trong tình hình mới, GS.TS Phan Trọng Lân cũng khẳng định, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược.

Thách thức mới

GS.TS Phan Trọng Lân cho hay, dù dịch đã được kiểm soát, nhưng vẫn có 2 vấn đề thách thức trong thời gian tới. Đó là có thể xuất hiện biến thể mới nguy hiểm, kháng lại vaccine, trường hợp này xác suất xảy ra thấp. Thứ hai, đối với những người đã mắc hoặc đã tiêm chủng, hệ miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian nên có thể tăng khả năng tái nhiễm.

“Khi người dân tham gia giao lưu xã hội nhiều, sẽ xuất hiện liên tục diễn biến mới của dịch bệnh. Thậm chí, có thể sẽ có những thay đổi lớn, những biến chủng lây lan mạnh hơn, vì vậy, chúng ta phải chủ động triển khai những biện pháp phòng, chống dịch như chúng ta đã từng làm. Bởi vậy, mặc dù chúng ta đã có những “vũ khí” chống dịch Covid-19 như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm, bài học trong phòng, chống dịch, nhưng không chủ quan, lơ là mà phải thường xuyên cập nhật tình hình dịch bao gồm cả thuốc điều trị, các công nghệ vaccine…”.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định, thực tế thời gian qua, có rất nhiều người đã nhiễm rồi vẫn tái nhiễm. Vì thế, người dân không được lơ là, chủ quan mà vẫn cần cảnh giác trong việc giám sát các biến chủng của SARS-CoV-2. Các địa phương vẫn phải sẵn sàng những phương án để ứng phó dịch bệnh trong bối cảnh số ca mắc bất ngờ tăng cao hoặc virus kháng lại vaccine.

Theo ông Phu, ngay cả việc thực hiện 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế đến nay vẫn cần thiết.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng:

Linh hoạt kiểm soát dịch qua mỗi giai đoạn

Thời gian qua, chúng ta đã nới lỏng đồng bộ đi đôi với dự phòng đồng bộ, thay đổi quy định cấm đi lại, cấm các hoạt động ở nơi công cộng sang kiểm soát rủi ro. Đó là thành tựu quan trọng của đất nước, vừa hồi phục phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch.

Chúng ta cũng rất linh hoạt trong vấn đề xét nghiệm và phân tầng điều trị ca bệnh. Khi chuyển sang chiến lược kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, không thực hiện xét nghiệm hàng loạt mà chỉ xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ để xác định ca nhiễm và điều trị, không thực hiện phong tỏa, truy vết như trước, các trường hợp F1 cũng chỉ thông báo để biết và dự phòng như tự cách ly tại nhà, điều trị tại nhà… Về cơ bản chúng ta đã bỏ được cách ly tập trung, giảm số ngày cách ly… Đặc biệt, chúng ta không còn phải giãn cách xã hội.

Trong điều trị ca bệnh cũng đã linh hoạt khi triển khai thực hiện phân tầng điều trị tốt hơn. Người bệnh tiếp cận y tế cơ sở tốt hơn trước kia rất nhiều. Người mắc Covid-19 không còn lo lắng, hoang mang, yên tâm điều trị cách ly tại nhà, tránh quá tải hệ thống y tế, trong đó có quá tải ảo.

Chúng ta đã thành công khi luôn thể hiện được sự “ứng vạn biến” để linh hoạt kiểm soát dịch trong mỗi giai đoạn mà vẫn phát triển kinh tế. Đó là những quyết định sáng suốt, đúng đắn và thể hiện sự linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội của người dân.

Đức Trân(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy lùi Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO