Dạy song ngữ cho trẻ em dân tộc

Việt Dũng - Thùy Linh 06/07/2015 14:47

Việt Nam có 54 dân tộc, ngoài dân tộc Kinh, các dân tộc thiểu số còn lại có dân số từ vài trăm đến hơn 1 triệu người, chiếm khoảng 14% dân số. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng của mình, điều này gây ra khó khăn khi tất cả học sinh phải tiếp nhận cùng 1 chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt (Việt Ngữ). Từ hoàn cảnh đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.

Học trò vùng cao (Ảnh: Xuân Cường)

Thực trạng

Theo báo cáo của Unicef Việt Nam, dù đã có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực giáo dục như tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số so với số học sinh THCS của cả nước tăng dần qua từng năm học, cơ hội được nhận đào tạo đầy đủ của học sinh dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân của những bất cập này là việc trong những năm đầu tiên đến trường, trẻ em dân tộc thiểu số không được tiếp cận hoặc chỉ được tiếp cận rất hạn chế với hoạt động giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ của các em. Ngôn ngữ chính thức sử dụng trong trường là tiếng Việt. Ngay cả những địa phương có cộng đồng người dân tộc thiểu số lớn, số giáo viên có thể giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số cũng rất ít. Kết quả là một bộ phận học sinh dân tộc thiểu số khó tiếp thu bài giảng và giáo viên cũng không thể giải thích bằng tiếng mẹ đẻ của học sinh. Điều đó phần nào lý giải nguyên nhân học sinh dân tộc thiểu số thường có kết quả học tập thấp hơn, phải bỏ học và lỡ mất các cơ hội phát triển.

Giải pháp đưa ra và kết quả bước đầu

Với sự hỗ trợ của Unicef, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện Nghiên cứu Thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở Tiếng Mẹ đẻ từ năm 2008. Chương trình được triển khai từ mầm non đến hết tiểu học ở các địa phương đại diện cho 3 khu vực là Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh. Bộ GD&ĐT coi đây là 1 trong 5 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số bậc tiểu học. Theo đánh giá từ các cấp chính quyền địa phương, gia đình và học sinh, trẻ em dân tộc thiểu số được sử dụng tiếng mẹ đẻ học tập trong trường thường có kết quả học tập tốt hơn. Qua khảo sát kết quả học tập của học sinh năm học 2012-2013, các môn của học sinh học chương trình giáo dục song ngữ tiếng mẹ đẻ đều vượt trội so với học sinh đại trà, nằm trong khoảng 70-89 điểm, tức là ở khoảng mức Khá, Giỏi theo tiêu chuẩn chung. Ở môn Toán, chỉ số năng lực của học sinh lớp 3 là 89.49 điểm, trong khi lớp 4 đạt 70.97 điểm.

Phương pháp mới cũng tỏ rõ ưu điểm trong việc giúp trẻ dân tộc thiểu số nắm vững tiếng Việt: Năng lực đọc hiểu tiếng Việt ở lớp 3 của các em đạt đến 81.87 điểm; năng lực nghe nói tiếng Việt ở trẻ lớp 4 đạt kết quả giỏi với 93.06 điểm. Không chỉ vậy, trẻ em dân tộc thiểu số tham gia chương trình giáo dục song ngữ tiếng mẹ đẻ còn tham gia các sinh hoạt tập thể tích cực hơn cũng như tự tin hơn so với các trẻ dân tộc thiểu số đang học bằng tiếng Việt ở các lớp đại trà cùng trường. Em Vàng Thị Thu Hà, 9 tuổi, học sinh dân tộc Mông, trường tiểu học Bản Phố (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “Em muốn kể với các bạn em những kinh nghiệm tuyệt vời mà em đã có khi học bằng tiếng mẹ đẻ ở trường. Em rất tự hào vì em đã có thể nói, đọc và viết tiếng nói của bố mẹ mình”.

Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh- Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho biết: “Tôi đã từng công tác ở vùng dân tộc thiểu số suốt 22 năm nhưng khi thăm các lớp giáo dục song ngữ tại tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy các em học sinh dân tộc tự tin, chủ động trong lớp học và có khả năng giao tiếp rất tốt, mạnh dạn tham gia các hoạt động tập thể. Nếu trẻ em dân tộc được sử dụng tiếng mẹ đẻ trong học tập, điều đó sẽ không những giúp cải thiện kết quả học tập trên lớp mà còn giúp các em chủ động, tự tin hơn, hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng dân tộc của mình và xã hội”. Trước những kết quả đó, chính quyền tỉnh Gia Lai và Lào Cai đã quyết định mở rộng phương pháp tiếp cận này, một số tỉnh khác cũng đang nghiên cứu học tập kinh nghiệm và mong muốn áp dụng hình thức giáo dục này.

Có thể nói giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đang trở thành một giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và dạy học tiếng Việt nói riêng cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học. Cách làm này đồng thời cũng góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc và sự đa dạng ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy song ngữ cho trẻ em dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO