Dệt may nỗ lực hồi phục

H.Hương 28/10/2021 07:15

Doanh nghiệp ngành dệt may đã trải qua quãng thời gian đầy khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khi đối diện với thực trạng chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đơn hàng bị hủy và người lao động thôi việc. Giới chuyên gia kỳ vọng, thời điểm này, ngành dệt may sẽ hồi sức và bứt phá.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã vượt 29 tỷ USD, nhưng 10 tháng năm 2021, ngành dệt may trải qua 2 chặng đường gần như đối lập nhau. 6 tháng đầu, xuất khẩu thuận lợi, nhưng 3 tháng kế tiếp, xuất khẩu sụt giảm.

Đối mặt nhiều khó khăn nhưng bản thân các doanh nghiệp (DN) đã chủ động tìm cách để vượt khó, đưa phương án hoạt động sản xuất tối phù hợp nhất với hoàn cảnh nhằm giảm chi phí, từng bước phục hồi. Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam cho biết, thời gian qua, công ty đã đẩy mạnh bán hàng online trên fanpage và các sàn thương mại điện tử. Dẫu còn khó khăn nhưng thời gian cuối năm là cơ hội phục hồi, DN phải tăng tốc mới kịp trả đơn hàng cho khách và làm cơ sở ký hợp đồng cho năm sau.

Đại diện một DN may tư nhân ở thành phố Hưng Yên chia sẻ, công ty đã phải tăng ca sau gần 5 tháng gần như nằm im, trong khi đó, cùng với đó công ty vẫn trả lương cho người lao động đúng thời gian. Vị này cũng cho biết, tiếp tục gửi thư hợp tác tới các đối tác cũ, thông báo hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường để có thêm các hợp đồng. Đồng thời, DN cũng đã gửi báo giá gia công tới một số nhãn hàng để tìm kiếm cơ hội kinh doanh với các đối tác mới.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng, một số ngành sử dụng nhiều lao động tại TPHCM như dệt may, da giày sẽ rất khó huy động đủ lao động sản xuất để đạt điểm hoà vốn. Khi đó, DN có thể hợp tác với các địa phương vệ tinh để chuyển thiết bị, công nghệ sản xuất về đó, ở TPHCM có thể đảm nhận khâu kinh doanh, thương mại.

Theo ông Điền, để người lao động yên tâm làm việc, DN cần thay đổi phương án tính lương. Thay vì trả lương theo sản phẩm, DN có thể tính đến phương án trả lương cố định với mức chi trả đảm bảo được cuộc sống của người lao động. Làm như vậy, có thể DN sẽ giảm lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng giữ được quy mô lao động, chờ đợi những cơ hội tốt hơn trong tương lai.

Dệt may là ngành công nghiệp giữ vị trí quan trọng, trong nhiều năm, ngành này luôn nằm trong nhóm xuất khẩu “tỷ đô”, xuất khẩu dệt may chiếm hơn 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu biết tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại đã ký kết, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may còn tăng cao hơn nữa.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may nêu quan điểm, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam thời gian qua đã ký kết và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do. Các Hiệp định này giúp DN của ta được hưởng ưu đãi thuế quan, mà dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều, nếu đáp ứng được các quy tắc xuất xứ.

Giới chuyên gia cho rằng, thời điểm này ngành dệt may phải đối diện với vô vàn khó khăn nhưng cũng là thời điểm thuận lợi để phục hồi. Thời gian tới các DN phải tìm cách nâng tỷ lệ chủ động nguồn cung để tránh phụ thuộc và hưởng lợi từ các FTA. Cần có phương án hiệu quả để giữ chân người lao động. Trong điều kiện lao động ngày càng khan hiếm, việc tiết kiệm chi phí, đầu tư đổi mới công nghệ dựa vào cách mạng công nghiệp 4.0, vào chuyển đổi số là con đường tất yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may nỗ lực hồi phục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO