Di sản văn hóa xứ Đoài

Phạm Sỹ 19/05/2022 09:21

Là một trong tứ trấn của Kinh đô xưa, xứ Đoài luôn là nơi tiếp xúc, trao đổi văn hóa với Thăng Long. Từ đó góp phần bồi đắp, làm phong phú, vững chắc hơn cốt cách, bản sắc của riêng mình trong suốt chiều dài lịch sử.

Một góc thơ mộng của Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Đăng Thành

Miền di sản

Từ xa xưa, xứ Đoài là một vùng đất cổ, rộng lớn ở phía Tây kinh thành Thăng Long, là cái nôi của nền văn minh Việt cổ, là nơi các Vua Hùng lập nước và xây dựng kinh đô. Xứ Đoài còn là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài của đất nước và là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Xứ Đoài tương ứng với địa bàn thị xã Sơn Tây, các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng… Đây là vùng đất của người Việt cổ, với núi Tổ Ba Vì, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn thánh, vị thánh đứng đầu trong Tứ bất tử của người Việt.

Với vị thế là một trong tứ trấn bên cạnh Kinh đô - Thủ đô của nước Việt từ xưa đến nay, xứ Đoài luôn là nơi tiếp xúc, trao đổi văn hóa với Thăng Long - Hà Nội, tiếp nhận những yếu tố mới, nét đẹp văn hóa từ kinh đô Thăng Long - Hà Nội để làm phong phú hơn bản sắc của riêng mình.

Xứ Đoài chịu tác động mạnh mẽ của đô thị hóa Hà Nội, dần hình thành vùng văn hóa nông thôn trong lòng đô thị, nhưng giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Đoài vẫn như mạch nguồn âm thầm tiếp nối, tạo nên sắc thái riêng biệt của Sơn Tây - Hà Nội.

GS.TS Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nhận định, vùng đất Sơn Tây là nơi cốt lõi, địa bàn chính của xứ Đoài, với núi Tản làm trục xung quanh hai bờ tả ngàn và hữu ngạn sông Hồng và sông Đà. Chính địa thế núi sông vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, song lại có tính chiến lược ấy đã tạo nên một xứ Đoài từ cổ đến kim đều là một vùng đất mang nhiều dấu ấn đặc biệt trong văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa tứ trấn của Hà Nội nói riêng.

Một ngôi nhà trong làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Nguyễn Quang Trung

Trong lịch sử vùng văn hóa xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây có vị trí, vai trò rất quan trọng. Thành cổ Sơn Tây là công trình kiến trúc quân sự cổ được xây dựng bằng đá ong, với diện tích 12 ha. Thành được xây dựng năm 1822, có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông; xung quanh thành có hào nước bao bọc…Di tích Thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BVHTT, ngày 15/10/1994.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam kiến nghị, thị xã Sơn Tây cần chỉ đạo cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc phục dựng các hạng mục còn lại của Thành cổ như nó vốn có (các dinh thự, võ miếu, trại lính, kho vũ khí…), để Thành cổ Sơn Tây trở thành mô hình của trấn, thành thời nhà Nguyễn, làm cơ sở cho các địa phương khác phục dựng thành cổ khi có điều kiện.

Khai thác, phát huy hiệu quả

Nhiều chuyên gia văn hóa, các nhà di sản đã đề cập về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài trong các khía cạnh: Bảo tồn các lễ hội; một số giá trị tiêu biểu tín ngưỡng, tôn giáo xứ Đoài; di sản xứ Đoài trong kết nối không gian văn hóa và cảnh quan kiến trúc…

Tuyến phố đi bộ mới của Hà Nội bao quanh Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Hoàn Như

Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Vũ Minh Giang cho rằng, có thể bắt đầu ngay với những dự án cụ thể, xây dựng điểm nhấn là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài - thị xã Sơn Tây. Trong đó, việc tôn tạo, phát huy giá trị Thành cổ Sơn Tây phải là một nội dung quan trọng.

Bà Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ nghiên cứu, quản lý di sản cũng như cộng đồng tham gia việc thực hành, giới thiệu di sản; xây dựng mạng lưới hợp tác nhằm tăng cường sức mạnh trong nghiên cứu và tổ chức các hoạt động; xây dựng một số chương trình thí điểm giáo dục di sản dựa trên các giá trị không gian văn hóa của Thành cổ, Văn Miếu Sơn Tây… Còn Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng đề nghị, thị xã Sơn Tây cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc phục dựng các hạng mục còn lại của Thành cổ như nó vốn có, làm cơ sở cho các địa phương khác phục dựng thành cổ khi có điều kiện.

Để tiếp tục phát huy giá trị thành cổ Sơn Tây, đồng thời, tạo điểm nhấn về du lịch, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đã triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực Thành cổ. Tuyến phố đi bộ thí điểm đoạn từ cổng cũ trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (tức Cổng Tiền, khu vực ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học). Thời gian hoạt động tuyến phố đi bộ từ 19 giờ thứ Bảy đến 12 giờ Chủ nhật hàng tuần.

Thành cổ Sơn Tây là một tòa thành tương đối hoàn chỉnh và còn lại đầy đủ diện mạo nhất đối với hệ thống thành Việt Nam. Với vị thế đặc biệt nằm trong khu vực trung tâm mà xung quanh có mật độ di tích lịch sử văn hóa đậm đặc nhất như Khu di tích Làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền..., là điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển du lịch, tạo ra điểm hội tụ nổi bật nhất của văn hóa xứ Đoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di sản văn hóa xứ Đoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO