Đi tìm gương mặt của làng

Thạch Thế Vinh 22/06/2016 09:05

Người Việt vốn tự hào bởi những ngôi làng Việt. Nhưng bây giờ, rất khó để tìm được một ngôi làng thuần Việt, bởi kiến trúc thay đổi quá nhiều. Về làng, đôi khi có cảm giác xa lạ...

Cổng làng - to không đồng nghĩa với đẹp.

Dấu lặng những ngôi làng

Quê tôi, làng cổ Đường Lâm nổi tiếng, đất hai Vua vang danh. Và mỗi lần về quê là một sự ngậm ngùi khi kiến trúc làng Việt đang biến mất bởi rất nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, phá nát những không gian truyền thống. Vài năm trước, người ta đã bàn bạc rất nhiều, để đi đến cấm xây dựng nhà cao tầng trong làng cổ Đường Lâm, thậm chí một số giải pháp để xử lý những ngôi nhà cao tầng đã xây dựng đưa trở về không gian di tích gốc. Thế nhưng, đến nay, khuôn mặt kiến trúc làng Việt ở Đường Lâm vẫn là một dấu lặng buồn.

Đường Lâm là khu làng cổ chỉ cách xa trung tâm Thủ đô dăm chục kilômét, là khu vực được bảo tồn chặt chẽ, thậm chí có quy định người dân không được xây nhà 2 tầng còn như thế, thì những làng quê khác, những nơi chưa có quy định cụ thể sự bung phá của kiến trúc truyền thống là điều có thể hình dung.

Câu hỏi, vậy thì người dân, chủ sở hữu của ngôi nhà- nơi thể hiện những kiến trúc “nhức mắt” giữa những ngôi làng xưa thâm trầm với cây đa, bến nước, sân đình ấy có lỗi không? Có, nhưng rất ít. Lỗi chính, theo các chuyên gia, là bởi lâu nay chúng ta thiếu những quy hoạch mang tầm vĩ mô, cụ thể hơn, là thiếu những quy định về xây dựng nhà cửa, công trình tại các làng quê, vùng nông thôn.

Vậy nên, chỉ sau vài ba chục năm qua, khuôn mặt làng quê bây giờ đã hoàn toàn đổi khác. Dấu ấn một ngôi làng Việt đơn sơ với lũy tre xanh, những con đê bao quanh làng, rồi cổng làng… hầu như không còn thấy nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng. Tùy theo nhu cầu sử dụng và điều kiện kinh tế mà các ngôi nhà sẽ “hoành tráng” theo một kiểu khác nhau.

Một câu hỏi nữa, vậy thì vai trò của các kiến trúc sư ở đâu? Có phải họ đang bỏ quên kiến trúc làng? Xin thưa, hàng năm, trường Đại học Kiến trúc ở cả 2 miền Bắc Nam vẫn đào tạo ra hàng trăm kiến trúc sư. Đội ngũ kiến trúc sư kinh nghiệm họ vẫn bền bỉ làm việc, thi thoảng vẫn thấy có tên kiến trúc sư này được giải quốc tế, kiến trúc sư kia được mời đi dựng nhà cộng đồng cho quốc gia kia… Thế nhưng kiến trúc làng Việt vẫn ngày càng trở nên xa lạ. Lỗi tại họ? Có, nhưng cũng không mang tính áp đảo. Bởi họ chỉ là người đi làm thuê, họ phải chiều theo ý những “trọc phú làng”…

Kiến trúc làng Việt đang biến đổi.

Cổng làng và “thảm họa kiến trúc”

Theo KTS Vũ Đình Thành “với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, đời sống nhân dân khá giả hơn tuy nhiên điều đó lại khiến cho kiến trúc rơi vào tình trạng “mất kiểm soát” đi theo hướng tự phát”.

Về nhiều làng quê bây giờ, không chỉ nhức mắt bởi những ngôi nhà cao tầng, còn thấy sặc sỡ của những biển quảng cáo, của những “phố làng” nơi đó nhà cửa san sát, tiềm ẩn tắc đường bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, gần đây nhiều làng quê như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An… có “mốt” xây dựng cổng làng mới. Những cổng làng xưa hoặc đã bị đổ sập do bom đạn chiến tranh, hoặc có kích thước quá nhỏ không thuận lợi cho việc phát triển làm ăn của người dân trong làng. Thêm vào đó, muốn hoài nhớ “bóng làng” xưa, nên nhiều nơi đã vận động quyên góp xây dựng cổng làng mới.

Điều đáng buồn đi cùng với sự hoành tráng, bề thế của cổng làng mới lại là sự không bản sắc. Những chiếc cổng tiêu tốn hàng tỉ đồng nhưng vừa thô, vừa xấu hiện ra không ít ở các làng quê, đang gióng lên tín hiệu cảnh báo. Nếu không có những quy định, thẩm định không khéo chúng ta sẽ phải chứng kiến “thảm họa kiến trúc” mang tên cổng làng.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, cổng làng xưa được làm cùng thông số với kiến trúc đình đền chùa, không quá cao to. “Hiện tại việc xây sửa không chú ý đến tính toàn thể này, đâu đâu cũng đua to, đua sặc sỡ và làm mất đi những giá trị văn hoá nội tại. Chức năng của làng và kiến trúc làng ngày nay đã khác.

Việc xây dựng một cổng làng kiểu cổ xưa không còn phù hợp. Nếu còn cổng cũ thì nên giữ nguyên làm di sản văn hoá, nếu không còn cũng nên xây mới cho phù hợp với khung cảnh kiến trúc hiện đại nói chung. Tất nhiên cổng làng đóng vai trò hình ảnh đầu tiên của cái làng do đó nó cần được nghiên cứu và thiết kế cẩn thận”, theo ông Thượng.

Nhiều kiến trúc sư cũng cho rằng, việc dựng mới cổng làng nếu làm tốt, điều này rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, cần tuân thủ các yêu cầu về kiến trúc, để khi hoàn thành, chiếc cổng làng sẽ cất lên tiếng nói của người dân sống trong ngôi làng đó.

Chỉ sau vài ba chục năm, khuôn mặt làng quê bây giờ đã hoàn toàn đổi khác. Dấu ấn một ngôi làng Việt đơn sơ với lũy tre xanh, những con đê bao quanh làng, rồi cổng làng… hầu như không còn thấy nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng. Tùy theo nhu cầu sử dụng và điều kiện kinh tế mà các ngôi nhà sẽ “hoành tráng” theo một kiểu khác nhau.

Phát triển nhưng đừng làm biến mất

Ba thập kỷ đổi mới vừa qua, thôn quê đã khởi sắc, điều đó ai cũng thấy. Đó là tín hiệu mừng. Tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ vì thế bây giờ nếu có dịp về làng sẽ thấy bức tranh thôn quê không còn như xưa nữa. Thậm chí nhiều nơi làng đã thành phố, khiến nhiều người bây giờ không dám cho con nhỏ về quê chơi mỗi mùa hè, bởi ở quê bây giờ cũng chẳng còn như trong những câu chuyện cũ mẹ cha hay kể. Cấu trúc làng truyền thống đang bị phá vỡ.

Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải sớm tìm một mô hình làng mới, có cấu trúc mới phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đồng thời nâng cao đời sống của người dân, đáp ứng được mong mỏi chính đáng của người dân- khi họ là chủ thể của những công trình kiến trúc trong làng, khi họ là những ông chủ đầu tư thực sự, họ làm ra tiền và họ có quyền được hưởng những tiện nghi sinh hoạt đầy đủ như bất cứ “người thành phố” nào.

Việc dung hòa giữa vấn đề nông thôn phát triển, để đời sống nông dân được cải thiện, đủ đầy theo xu thế đi lên của xã hội nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, dấu ấn kiến trúc làng chắc chắn không phải là điều đơn giản. KTS Phạm Thanh Tùng- Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nghi ngại: Sẽ ra sao khi cấu trúc làng truyền thống biến mất, thay vào đó là những dãy nhà kiểu hàng phố cao ngất ngưởng 4-5 tầng, kiến trúc lai căng, kệch cỡm, với đủ loại biển hiệu xanh, đỏ lòe loẹt mà ta gọi là “đô thị hóa”.

Và ông cũng cài đặt hi vọng: Tôi cứ mường tượng ra cái làng xưa yêu dấu của mình sẽ được các kiến trúc sư sắp xếp lại cho hợp lý hơn, tiện lợi hơn, để sau lũy tre làng là những ngôi nhà 1-2 tầng xây gạch không nung, mái lợp tôn cách nhiệt. Con đường làng được đổ bê tông, có hệ thống tiêu thoát nước…

Vẫn biết, “thế hữu hưng nghi đại” (muốn phát triển, phải thích nghi), nhưng phát triển không đồng nghĩa với biến mất. Bởi làng làm nên nước. Làng là cái nôi của người Việt. Giữ kiến trúc làng cũng là giữ kiến trúc Việt vậy.

Điều đáng buồn đi cùng với sự hoành tráng, bề thế của cổng làng lại là sự không bản sắc. Những chiếc cổng tiêu tốn hàng tỉ đồng nhưng vừa thô, vừa xấu hiện ra không ít ở các làng quê, đang gióng lên tín hiệu cảnh báo. Nếu không có những quy định, thẩm định không khéo chúng ta sẽ phải chứng kiến “thảm họa kiến trúc” mang tên cổng làng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm gương mặt của làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO