Lao động trẻ em: Từ Luật đến thực tiễn - Bài 3: Giải bài toán lao động trẻ em

Lê Minh Long 17/07/2019 07:44

Theo các nhà xã hội học, việc lạm dụng lao động trẻ em sẽ gây cản trở tới việc đến trường của các em. Nguy hiểm hơn, nếu phải làm việc quá sớm so với độ tuổi, làm quá giờ, không có thời gian để nghỉ ngơi sẽ gây ra nhiều tác hại xấu, ảnh hưởng đến cả tinh thần, thể chất và trí tuệ của các em.

Lao động trẻ em: Từ Luật đến thực tiễn - Bài 3: Giải bài toán lao động trẻ em

Trẻ em cần được học tập và vui chơi để phát triển toàn diện.

Hiệu quả từ những mô hình trợ giúp

Để hạn chế thực trạng sử dụng lao động trẻ em, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam đã được thực hiện thí điểm trong những thời gian 2015 - 2019 tại Hà Nội, TP HCM và An Giang. Là một trong những thành phố thực hiện thí điểm dự án, đại diện Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: Với hơn 30.000 lao động trẻ em, chiếm 1,7% trên tổng số trẻ em, tình trạng lao động trẻ em là vấn đề đáng quan tâm tại Hà Nội.

Chính vì vậy việc triển khai Dự án có vai trò vô cùng quan trọng, trong quá trình triển khai dự án đã cho thấy, lao động trẻ em dường như đang nằm ngoài mối quan tâm của truyền thông mạng xã hội. Lao động trẻ em thường được cho rằng chỉ đơn thuần là hậu quả của nghèo đói nhưng thực tế nghèo đói chỉ là một trong nhiều nguyên nhân của vấn đề. Những phát hiện này rất quan trọng sẽ giúp ngành chức năng, địa phương cùng phối hợp để tìm ra các giải pháp hữu hiệu cho bài toán lao động trẻ em hiện nay.

Cũng theo đánh giá của Sở LĐTBXH thông qua việc triển khai thí điểm tại một số địa phương có làng nghề thuộc các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức và Thạch Thất, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng lao động trẻ em; bước đầu hình thành các mô hình hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa, hạn chế số lượng lao động trẻ em một cách hiệu quả.

Tương tự tại An Giang, Dự án được triển khai tại 9 xã thuộc 4 huyện gồm: xã Mỹ Phú, Khánh Hòa (Châu Phú); phường Châu Phú A, phường Núi Sam (TP Châu Đốc); xã Nhơn Hội, Phú Hữu (An Phú); xã Mỹ An, An Thạnh Trung, Tấn Mỹ (Chợ Mới). Các lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản đã được xác định trước là các ngành ưu tiên để thực hiện các can thiệp trực tiếp.

Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ hơn 2.000 trẻ em thuộc các nhóm đích đối tượng hưởng lợi và hơn 1.000 hộ gia đình của trẻ trong Dự án sẽ được nhận hỗ trợ để phát triển kinh tế và cải thiện thu nhập thông qua phát triển chuỗi giá trị và các hỗ trợ sinh kế.

Báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh An Giang cho biết, từ tháng 10/2017 đến tháng 11/2018, Sở LĐTBXH đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực với sự tham gia của các ban, ngành liên quan. Nhờ đó việc triển khai Dự án đã đạt được những kết quả cụ thể. đến hết tháng 12/2018 đã có hồ sơ của gần 2.100 trẻ em trên hệ thống cơ sở dữ liệu, từ đó qua tham vấn, xác minh nhu cầu, số trẻ trên hệ thống cơ sở dữ liệu đã được ILO hỗ trợ về sách vở, quần áo đồng phục, giày, ba-lô/cặp, bàn ghế, thẻ BHYT…

Bên cạnh đó hàng năm, Sở LĐTBXH phối hợp các ban, ngành liên quan hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em về học nghề, tư vấn việc làm; hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình. Trong đó, hoạt động nổi bật là phương pháp Scream (trại hè với chuỗi hoạt động truyền thông và huấn luyện kỹ năng) tại 9 xã dự án, góp phần nâng cao nhận thức tại cộng đồng.

Đánh giá hiệu quả mà Dự án đem lại theo đại diện Sở LĐTBXH tỉnh An Giang, là tỉnh nông nghiệp nên An Giang có tỷ lệ lao động ở khu vực I khá lớn( 55-60%) điều này đồng nghĩa với việc trẻ đứng trước nguy cơ bị lao động sớm luôn hiện hữu. Ngoài ra, còn có một bộ phận trẻ theo gia đình đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, có em được tiếp tục học tập, nhưng có em phải tham gia lao động sớm. Chính vì vậy việc triển khai Dự án có ý nghĩa rất lớn, thông qua các hợp phần của dự án đã góp phần truyền thông, vận động xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng và các ban, ngành về công tác bảo vệ trẻ em, hỗ trợ trẻ em và gia đình tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Từ những dẫn chứng nêu trên, có thể khẳng định: Để hạn chế tình trạng sử dụng lao động trẻ em thì ngoài khung chính sách phù hợp, các ngành, địa phương, nhất là các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ em.

Cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt

Việc trẻ em tham gia làm việc nhà phù hợp với độ tuổi là điều nên khuyến khích để tăng cường kỹ năng sống cho các em. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ em tham gia làm việc nhà trong thời gian dài, thậm chí có cả công việc nguy hiểm, độc hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến thời gian học tập, vui chơi của các em... Chính vì vậy để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần có sự tham gia tích cực, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng trong nước cũng như trên thế giới.

Đưa ra giải pháp hạn chế lao động trẻ em, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ hiệu quả hơn, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về trẻ em, tăng cường xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục đặc biệt cho các bậc cha mẹ nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ trẻ em. Cùng với đó UBTƯ MTTQ Việt Nam nghiên cứu, xem xét, bổ sung nội dung bảo vệ trẻ em vào nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”….

Đồng tình với quan điểm hạn chế lao động trẻ em cần những giải pháp về hỗ trợ sinh kế cũng như có sự giám sát của Nhà nước, tổ chức, song TS Chang- Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, để hạn chế lao động trẻ em cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt từ Chính phủ. Nhất là khi Việt Nam đã được lựa chọn là một quốc gia tiên phong trong Liên minh 8.7 - một liên minh toàn cầu được lập ra để đảm bảo sẽ đạt được chỉ tiêu SDG (chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc). Là một quốc gia tiên phong và với sự hỗ trợ của ILO và các cơ quan khác, Việt Nam đã cam kết hành động nhanh hơn, nhiều hơn để đạt được chỉ tiêu 8.7, thử nghiệm các giải pháp mới để chấm dứt lao động trẻ em vào năm 2025.

Để làm như vậy, luật pháp và chính sách quốc gia liên quan đến lao động trẻ em đang được rà soát và sửa đổi để đảm bảo sự gắn kết và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. Các chiến lược nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức đang được triển khai trên cả nước. Các chương trình đang được xây dựng và khởi xướng để hỗ trợ sinh kế cho các gia đình cần sự trợ giúp; đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục và đào tạo nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động trẻ em: Từ Luật đến thực tiễn - Bài 3: Giải bài toán lao động trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO