Điều trị bệnh nhân Covid-19: Áp dụng mô hình tháp 5 tầng

THANH GIANG 23/07/2021 08:13

Những ngày gần đây, TP HCM liên tục có số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP HCM đã có hơn 43.700 trường hợp mắc Covid-19.

Điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), hơn 95% phát hiện dương tính qua lần xét nghiệm đầu tiên trong khu cách ly, phong tỏa. Trường hợp nhiễm Covid-19 là do diễn tiến của bệnh từ F1 thành F0, không có cơ sở để khẳng định do lây nhiễm trong khu cách ly, phong toả. HCDC nhận định, số ca dương tính phát hiện còn cao, thành phố chưa đạt đỉnh dịch và có thể diễn biến phức tạp trong vài ngày tới.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM cho biết, trong 3 tình huống thành phố đặt ra thì phương án thứ hai là thực hiện Chỉ 16 và tăng cường thêm nhiều biện pháp khác, được xem là hợp lý nhất. Việc giãn cách xã hội sẽ triệt để hơn, trong một tuần hoặc 10 ngày nữa để ngăn chặn được nguồn lây lan và đạt được đỉnh dịch.

Đáng chú ý, theo kịch bản ban đầu, TP HCM đã chuẩn bị gần 60.000 giường bệnh để điều trị F0 tại 13 bệnh viện dã chiến cùng 22 cơ sở y tế hiện có (chuyển đổi công năng bệnh viện); nhưng các địa phương liên tục phản ánh tồn F0 do ngành y tế chậm nhận bệnh. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh thành phố thay đổi phương án điều trị.

Kế hoạch trước đây là thu dung và điều trị cho tất cả F0. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, TP HCM cho cách ly F0 không triệu chứng, không bệnh nền tại nhà, nếu kết quả xét nghiệm RT - PCR có giá trị CT > 30.

Song song đó, rút ngắn thời gian điều trị F0 tại bệnh viện. Chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu, các quận, huyện thành lập trung tâm cách ly F0, với tổng công suất trên 1.000 giường/địa phương. Lãnh đạo TP HCM cũng chỉ rõ điều kiện cần có của một cơ sở cách ly F0 tập trung trên địa bàn phường, xã, thị trấn.

Theo đó, địa phương có thể sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có như khu ký túc xá của trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học ... trên địa bàn để cách ly tập trung và điều trị F0.

Ngoài việc giảm thu dung F0 tại các bệnh viện, giảm thời gian điều trị F0, TP HCM còn thay đổi phân tầng cụ thể nhằm điều trị hiệu quả từng mức độ của ca nhiễm. Thay vì áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng, rồi chuyển sang 4 tầng, hiện TP HCM đang chuyển sang áp dụng mô hình tháp điều trị 5 tầng.

Cụ thể, tầng 1 là cách ly tạm thời người nghi nhiễm, chờ kết quả PCR để xem xét cho cách ly tập trung tại địa phương. Tầng 2 là tầng F0 có triệu chứng cần điều trị, chủ yếu ở bệnh viện quận. Tầng 3 và 4 dành cho F0 vừa có triệu chứng vừa có bệnh nền, cần điều trị ở tuyến cao hơn. Tầng 5 dành cho F0 có triệu chứng nặng nhất sẽ được tập trung điều trị, hạn chế nguy cơ tử vong.

“Không thể cứng nhắc theo một phương án mà cần linh hoạt để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân. Quyết định thay đổi chiến lược điều trị, cách ly F0 xuất phát từ cơ sở khoa học. Nghĩa là, 70 - 80% ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng, không phải lúc nào cũng cần sự chăm sóc của ngành y tế”, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM nói.

Sáng ngày 22/7, TP HCM chính thức tiêm vaccine đợt 5 cho 15 nhóm đối tượng ưu tiên với 930.000 liều, gồm AstraZeneca, Moderna (235.000 liều) và Pfizer (gần 55.000 liều). Người mắc bệnh nền, trên 65 tuổi tiêm ở bệnh viện. Các đối tượng còn lại tiêm ở điểm cộng đồng. Theo kế hoạch, toàn thành phố sẽ vận hành hơn 600 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm. Mỗi phường sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200/người/điểm/ngày. Dự kiến, trong 2 - 3 tuần sẽ tiêm xong số vaccine này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều trị bệnh nhân Covid-19: Áp dụng mô hình tháp 5 tầng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO