Mặc dù khẳng định, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đã giúp môi trường kinh doanh Việt Nam cải thiện rất nhiều, song không ít ý kiến cho rằng, so với môi trường kinh doanh quốc tế, vẫn còn nhiều vấn đề phải tháo gỡ mới thực sự tạo động lực cho cộng đồng DN, đặc biệt là khu vực DN nhỏ và vừa phát triển và hội nhập. Bản thân nhiều DN cũng chia sẻ, họ vẫn còn gặp không ít rào cản từ phía các chính sách.
Doanh nghiệp cần chủ động sáng tạo và thay đổi để tạo thị trường.
Đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam kể từ khi có Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ đi vào thực tiễn, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, 3 năm qua, cải cách môi trường kinh doanh đã đi đúng hướng và đạt được nhiều kết quả tích cực, có thể kể đến như cải cách thủ tục hành chính, điều kiện thành lập DN... đã bớt rườm rà hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho DN.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng cải cách chỉ tốt hơn so với trước đây, chứ không thực sự tốt hơn so với môi trường kinh doanh quốc tế. “Cải cách ở Việt Nam có kết quả cách khá xa so với mong muốn của cộng đồng DN. Điều này gây nên nhiều nguy hiểm khi DN hội nhập với môi trường kinh doanh quốc tế, đơn cử những gánh nặng về chi phí sẽ dẫn tới cạnh tranh kém thuận lợi hơn” – ông Hiếu nhận định.
Chia sẻ những cảm nhận về sự thay đổi, cải thiện trong môi trường kinh doanh kể từ khi có Nghị quyết 35 ra đời, ông Chu Đức Lượng, đại diện Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ cho hay, Nghị quyết 35 đã thực sự làm thay đổi môi trường kinh doanh, đặc biệt, thủ tục hành chính đã cải cách tinh gọn, giảm rất nhiều trở ngại về thời gian cho DN khi làm thủ tục hành chính. Đơn cử, hiện nay, DN chỉ mất 1-2 tuần là đã làm xong thủ tục xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Trong khi đó, trước đây, để hoàn thiện một bộ thủ tục chúng tôi phải mất từ 3 - 6 tháng” – ông Lượng cho hay.
Nêu lên những tâm tư nguyện vọng của cộng đồng DN nhỏ và vừa đối với môi trường kinh doanh hiện nay, ông Hoàng Văn Thuấn, đại diện Công ty CP công nghệ tin học EFY Việt Nam bày tỏ, Nghị quyết 35 thể hiện rất rõ mối quan tâm của Chính phủ tới khu vực kinh tế tư nhân, đây là động lực để các DN nhỏ và vừa tiếp tục phấn đấu, phát triển. Tuy nhiên, ông Thuấn nêu lên đề xuất, chính sách nên có định hướng phân khúc DN tạm chia là: DN Nhà nước, DN lớn và DN nhỏ. “Chính sách hỗ trợ cho DN cần cụ thể cho DN nhỏ làm việc nhỏ, DN lớn làm việc lớn. Như vậy sẽ tối ưu hóa các nguồn lực xã hội. Công nghệ 4.0 mới có sự lan tỏa. Những DN không tự thay đổi năng lực công nghiệp, năng lực sản xuất của mình thì phải tự đóng cửa, phá sản” – ông Thuấn nêu quan điểm.
Nhấn mạnh về vai trò của Nghị quyết 35, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, tinh thần của Nghị quyết 35 tác động đến hai đối tượng đó là Nhà nước và DN. Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, một mặt chính sách cần tạo điều kiện hơn nữa cho sự phát triển của DN, nhưng mặt khác, DN cần phải tự chủ động sáng tạo và thay đổi. “Nếu DN không tự đổi mới sáng tạo mà chỉ dựa vào hỗ trợ của Nhà nước sẽ không tạo ra được thị trường. Hiện tại, các Nghị quyết đã là quá đủ vì vậy quan trọng nhất là hành động. Cần cải cách sâu rộng, hơn là chỉ về thủ tục hành chính cũng như giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường, để thị trường được phát triển tự do” – ông Hiếu khẳng định.