Doanh nghiệp ngành thực phẩm: Lo thua ngay trên sân nhà

Minh Phương 23/07/2020 06:20

Chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và những biến động của thế giới, các doanh nghiệp (DN) đang phải gồng mình chống chọi tìm mọi cách để vượt khó. DN  ngành thực phẩm cũng không ngoại lệ.

Ngành thực phẩm cũng vất vả ngay tại thị trường nội địa
Ngành thực phẩm cũng vất vả ngay tại thị trường nội địa.

Tác động kép

Chưa kịp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các DN Việt Nam lại phải hứng một cơn đại dịch kéo dài. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là rất rõ ràng, nó tác động lên hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Riêng đối với ngành thực phẩm đồ uống, sự tác động của đại dịch đến các DN ngành này là rất lớn.

Theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, các DN thực phẩm trong nước hiện đang chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19, từ hàng hoá của các nước trên thế giới, trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, bởi vậy, câu hỏi: “Làm thế nào để DN thực phẩm “đừng thua” trên sân nhà?” chính là trăn trở của nhiều DN trong nước hiện nay.

Không phủ nhận, thời gian qua, với sự đầu tư, nỗ lực lớn, các DN ngành thực phẩm, đồ uống đã nhanh chóng xây dựng được những thương hiệu “đáng nể” như Vissan, Vinamilk, Bibica… thế nhưng, khi cánh cửa hội nhập rộng mở, rào cản thuế quan được thu hẹp lại, thì các thương hiệu của chúng ta sẽ phải chịu nhứng áp lực cạnh tranh lớn vì làn sóng các DN ngoại nhập tràn vào.

Giới chuyên gia nhận định, với những áp lực mà các DN ngành thực phẩm đang phải gánh chịu hiện nay, các DN trong ngành sẽ gặp khó ngay chính tại sân nhà nếu không có những nỗ lực lớn. Đáng chú ý, với thị trường nội địa hơn 90 triệu dân, thị trường trong nước vô cùng giàu tiềm năng để các DN ngành thực phẩm khai thác.

Tuy nhiên, theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam dù chiếm tỉ trọng lớn trong GDP (15%), nhưng chúng ta chưa thành công trong thị trường nội địa do tập trung xuất khẩu nhiều mà chưa chú trọng thị trường trong nước.

Theo vị này, đây thực sự là điều đáng tiếc và nếu không tận dụng được thời cơ hiện nay, việc bị “out” ngay chính tại sân nhà đối với DN thực phẩm nội là khó tránh.

“Chúng ta đều biết ngành thực phẩm là kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là sản phẩm nông sản đã và đang dần trở thành nguồn cung quan trọng cho nhiều nước trên thế giới” – bà Loan nhận định, đồng thời cho biết thêm, Việt Nam có thị trường thực phẩm đồ uống tiềm năng chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam là 35%.

Với thị trường gần 100 triệu dân cùng sự tăng trưởng của du lịch bùng nổ, sự phát triển của hệ thống bán lẻ, chắc chắn thị trường nội địa sẽ rất lớn. Thế nhưng, theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ, dường như thị trường này đang bị bỏ ngỏ.

Không thể bỏ ngỏ thị trường nội địa

Bỏ ngỏ thị trường trong nước, chỉ chăm chăm đi xuất khẩu, đó là “căn bệnh” của nhiều DN Việt hiện nay. Trong khi theo các chuyên gia, muốn tăng trưởng tốt, trước hết DN không thể bỏ ngỏ chính sân nhà mình đang nắm giữ.

“Tại sao các DN nước ngoài họ tiếp cận thị trường của chúng ta và đang ngày càng mở rộng, chiếm lĩnh thị phần, còn bản thân chúng ta lại thờ ơ với ngay người tiêu dùng của chính mình?”- một chuyên gia trong ngành đặt câu hỏi.

Trước những áp lực lớn đối với ngành thực phẩm nước nhà, TS Đinh Thị Mỹ Loan nêu quan điểm, các DN Việt cần nhìn nhận được tầm quan trọng của thị trường nội địa để hướng đến thay vì quá chú trọng đến xuất khẩu.

Theo bà Loan, xu hướng và tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự thay đổi theo thời gian. Hiện nay, nhiều người tiêu dùng khá trẻ, có mức thu nhập cao hơn tổng số người tiêu dùng nói chung, họ chủ động mua sắm, tìm hiểu các bình luận, so sánh giá cả…

Đến đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ có nhiều biến động, người dân thay đổi hành vi tiêu dùng, từ đó bán lẻ đa kênh lên ngôi. Người tiêu dùng ý thức nhiều hơn về sức khoẻ, thái độ chủ động theo dõi thông tin, yêu cầu đòi hỏi khắt khe hơn về các sản phẩm. Chính bởi vậy, rất cần sự nhạy bén của các DN Việt để tiếp cận được thị hiếu của khách hàng ngay chính tại sân nhà, nếu không, sẽ khó có thể trụ vững khi làn sóng DN ngoại đang ồ ạt hội nhập.

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi hàng loạt những yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, về quy mô phát triển… do đó, các DN Việt không thể không đáp ứng được những yêu cầu này nếu muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu.

Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, dù chiếm tỉ trọng lớn trong GDP (15%), nhưng chúng ta chưa thành công trong thị trường nội địa do tập trung xuất khẩu nhiều mà chưa chú trọng thị trường trong nước. Việt Nam có thị trường thực phẩm đồ uống tiềm năng chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam là 35%. Với thị trường gần 100 triệu dân cùng sự tăng trưởng của du lịch bùng nổ, sự phát triển của hệ thống bán lẻ, chắc chắn thị trường nội địa sẽ rất lớn. Thế nhưng, dường như thị trường này đang bị bỏ ngỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp ngành thực phẩm: Lo thua ngay trên sân nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO