Độc đáo làng cổ ở Tân An

KHUYNH DIỆP 18/01/2023 14:00

Năm 1917, làng Tường Khánh và Nhơn Hậu nhập vào làng Khánh Hậu để thành lập xã Khánh Hậu (phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An ngày nay). Thế nhưng tên làng Khánh Hậu vẫn sống trong ký ức của bao thế hệ người dân nơi đây vì sự độc đáo của một cái làng mang bản sắc văn hóa quý hiếm của vùng đất Phương Nam.

Địa chỉ văn hóa…

Làng cổ Khánh Hậu xưa nằm trên gò đất cao Giồng Cái Én, với nhiều kênh rạch thông ra Vàm Cỏ Tây. Năm 1917, Tham biện (chủ tỉnh) người Pháp ở tỉnh Tân An nhập làng Tường Khánh và làng Nhơn Hậu vào làng Khánh Hậu để thành lập xã Khánh Hậu. Từ nguồn thư tịch cổ và trên các di chỉ hiện hữu, trước khi nhà Nguyễn hình thành các đơn vị hành chính cách đây hơn 300 năm ở vùng đất Phương Nam, cư dân từ miền Trung đã đến Giồng Cái Én khai hoang lập địa, quần tụ hình thành làng giống như làng ở quê cha đất tổ. Cuộc sống ổn định, ngoài duy trì tục thờ cúng ông - bà - tổ tiên người làng Khánh Hậu còn góp công góp của xây dựng đình làng, miếu thờ tri ân các bậc “Tiền hiền” có công trong buổi đầu khai vỡ đất và các bậc “Hậu hiền” có công trong nghề trồng lúa nước và đan lát thủ công. Đình làng Khánh Hậu (di tích cấp tỉnh) và đình Nhơn Hậu là một ví dụ. Hàng năm, tại hai ngôi đình này đều diễn ra các lễ cúng Hạ điền (cúng Thần Nông); Thượng điền (tri ân Thần Nông) cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, sóng êm gió lặng khi xuống ghe, xuống thuyền dẫn từ rạch Cần Đốt, Rạch Chanh, Bảo Định xuôi ra Vàm Cỏ Tây để xuống miệt thứ Miền Tây.

Người Khánh Hậu xưa kia còn có lễ lập Miếu tạ ơn Thần Nông và Thần Hộ vệ, gọi là Lễ Chạp Miếu. Do nhu cầu tâm linh và sự phát triển của Phật giáo, hơn trăm năm trước người làng Khánh Hậu còn xây Chùa Diêu Quang và Chùa Ấp Cầu. Trước cửa Chùa Diêu Quang hiện nay còn một Cây trôm mõ trên 300 năm tuổi, đường kính gốc gần 2m, tán rộng hàng chục thước. Năm 2019, Cây mõ trâm được công nhận “Cây di sản Việt Nam”.

Đến làng cổ Khánh Hậu, ngoài chiêm ngưỡng Đình làng, Chùa chiền, Thánh thất, Miếu tự... du khách thập phương không thể bỏ qua Khu lăng mộ “Đức tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức”. Cụ Nguyễn Huỳnh Đức (1748 – 1819) sinh ở Giồng Cái Én trong dòng họ có công khai phá vùng đất lập nên làng Khánh Hậu. Nhờ giỏi võ nghệ và có sức khỏe hơn người nên ông được dân Giồng Cái Én suy tôn “Hổ tướng”. Năm 1780, tuy Nguyễn Huỳnh Đức tụ tập dân binh gia nhập đạo quân Đông Sơn ở vùng Ba Giồng để giúp Nguyễn Ánh, năm 1783, ông bị quân Tây Sơn bắt làm tù binh, nhưng được Nguyễn Huệ nể phục tài năng phong làm Phó tướng theo Nguyễn Huệ ra Bắc dẹp loạn chúa Trịnh rồi được Nguyễn Huệ giao trấn thủ đất Nghệ An một thời.

Năm 1993, quần thể nhà Từ đường và Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức được Bộ văn hóa - thông tin xếp hạng “Di tích cấp Quốc gia”. Nói về Miếu thờ thần hoàng, ở Làng cổ Khánh Hậu hiện còn miếu thờ “Đức Thần hoàng bổn cảnh Văn Minh hầu chi Thần Vương” Phạm Văn Vân thuộc dòng Phạm tộc.

Nhà từ đường Nguyễn Huỳnh Đức ở phường Khánh Hậu.

“Trùm cây” trong văn hóa dân gian Nam Bộ

Trong quá trình chinh phục thiên nhiên, phát triển nghề trồng lúa nước, người nông dân làng cổ Khánh Hậu còn hình thành hình thức canh tác tập thể sơ khai. “Vạn cấy” là loại hình như vậy. Đây là hình thức hợp tác sản xuất tập thể giản đơn trước khi nông dân hình thành các hình thức cao hơn: Tổ vạn, vần dổi công khá phố biến ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Mỗi “Vạn cấy” có một bà “Trùm vạn”. Bà “Trùm vạn” biết tập hợp các thợ cấy giỏi, biết liên hệ với các “điền chủ” trong vùng để nhận công cấy. Các thành viên trong “Vạn cây” nhiểu người hò giỏi. Trong lúc lao động, họ hò đối đáp với nhau. Ai hò giỏi được “Vạn” cử ra hò đối với thợ cấy Vạn bạn hoặc cánh đàn ông thợ nhổ mạ, thợ cày. Các câu hò thường là: “Đất năm dây” cò bay thẳng cánh; Anh dám hỏi nàng: quê quán nơi đâu? Hoặc: Đưa em ra tới Rạch Chanh; Muỗi mòng cắn lắm, cậy anh đưa về...

Tháng Chạp năm 1959, phái đoàn các nhà khoa học ở Đại học Tiểu bang Michigan (Hoa Kỳ) do Giáo sư Gerald C.HicKey dẫn đầu đã sang Làng Khánh Hậu nghiên cứu Làng cổ này. Trong những ngày làm việc ở đây, ông phát hiện, từ năm 1956, nông dân Khánh Hậu đã thành lập ra Hợp tác xã nông nghiệp với 95 nông dân tham gia. Hợp tác xã nông nghiệp lo vật tư sản xuất, giống, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Sau 2 năm hoạt động, do nhiều khó khăn, nông dân trong HTX Khánh Hậu đề nghị nhập vào hợp tác xã nông nghiệp Làng Mỹ An Phú kế bên để duy trì sản xuất.

Năm 2002, Giáo sư - tiến sỹ Sakurai Yumio (Nhật Bản) cùng các cộng sự trong đó có tiến sỹ xã hội học Ono Mikiko phối hợp với các nhà khoa học thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng đã đến Khánh Hậu nghiên cứu về sự dịch chuyển kinh tế - xã hội của nông dân Nam Bộ qua trường hợp làng cổ Khánh Hậu. Trong báo cáo kết quả nghiên cứu, Tiến sỹ Ono Mikiko khi đề cập các hình thức sản xuất ở đây cũng đã giới thiệu hình thức “Trùm cây” gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian Nam Bộ (hò đi cấy) một loại hình khoán công lâu đời còn tồn tại ở Khánh Hậu đến ngày giải phóng (1975).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo làng cổ ở Tân An

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO